Thái Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN

Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 56 thị trường chính, trong đó Thái Lan là thị trường lớn nhất trong khối ASEAN.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024 Việt Nam thu về 10,04 tỷ USD từ xuất khẩu thủy sản, tăng 11,9% so với năm trước.

Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 56 thị trường chính, trong đó 3 thị trường có kim ngạch trên một tỷ USD. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 1,83 tỷ USD – là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – tăng 17,5% so với năm trước (YoY).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam với 1,72 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm trước; Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với 1,53 tỷ USD, tăng 1,1% YoY.

Ngoài nhóm tỷ USD, các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam còn có Hàn Quốc với 806 triệu USD, tăng 2% so với năm trước; Australia với 343 triệu USD, tăng 9,3% YoY; Canada với 278 triệu USD, tăng 22,3% YoY; Nga với 231 triệu USD, tăng tới 69% YoY...

Trong khối ASEAN, Thái Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 258 triệu USD, tăng 2,5% YoY. Các thị trường đứng sau là Philippines với 108 triệu USD, giảm 19% YoY; Malaysia với 112 triệu USD, giảm 7,4% YoY; Singapore với 94,8 triệu USD, giảm 0,6% YoY.

Việt Nam còn thu về 36,4 triệu USD từ xuất khẩu thủy sang Campuchia, giảm 21,2% so với năm trước; Indonesia với 17,2 triệu USD, giảm 1,1% YoY và Brunei với 1,7 triệu USD, giảm 10,5% YoY.

Đánh giá về triển vọng ngành thủy sản năm 2025, báo cáo công bố 6/1 của ABS Research cho biết, Bộ NN&PTNT dự tính, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2025 sẽ vượt mức của năm 2024 và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, tăng trưởng kim ngạch khoảng 10 – 15% so với năm trước.

Theo ABS Research, năm 2025 chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Trump dự tính áp lên Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với Việt Nam và ngành thủy sản sẽ được hưởng lợi từ chính sách trên. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – UAE (CEPA) được kết trong năm 2024 sẽ tạo cơ hội cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào quốc gia này.

Mặt khác, các chuyên gia ABS dự báo, giá thức ăn nuôi thủy sản trong năm nay sẽ có xu hướng giảm. Các yếu tố trên được cho rằng sẽ là cơ hội cho ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Tuy nhiên, báo cáo ABS Research cũng chỉ ra các điểm thách thức mà ngành phải đối mặt trong năm 2025. Bao gồm, nguyên liệu cá, tôm khan hiếm; chi phí vận chuyển dự kiến vẫn duy trì ở mức cao; rủi ro thủy sản Trung Quốc dư thừa ở thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường này và các thị trường khác ngoài Mỹ.

Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật mới nhất của KBSV (CTCP Chứng khoán KB Việt Nam), các chuyên gia cho rằng tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm 2025 sẽ tích cực nhờ giá bán cạnh tranh trong khi hai mặt hàng thay thế gần nhất với cá tra là cá minh thái và rô phi từ Nga và Trung Quốc tiếp tục gặp những yếu tố bất lợi trong 2025.

Bên cạnh đó, khảo sát từ Hiệp hội nhà hàng Mỹ vượt 100 điểm cho thấy kì vọng tích cực về tăng trưởng doanh thu trong 6 tháng tới sẽ thúc đẩy nhập khẩu thủy sản trong ngắn hạn. Do đó, KBSV kỳ vọng sản lượng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 5 - 10% trong năm 2025.

Ảnh: KBSV

Ảnh: KBSV

Trong khi đó, thức ăn chăn nuôi cho cá dự kiến tiếp tục ở mức thấp sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp thủy sản trong nước. Theo USDA, giá bán các loại cây trồng (chủ yếu là lúa mì, ngũ cốc, ngô và đậu nành) dự kiến duy trì ở mức thấp do sản lượng thu hoạch tại Mỹ và Brazil có thể tăng trưởng trên 10% nhờ thời tiết ôn hòa, trong khi tăng trưởng kinh tế yếu tại Trung Quốc sẽ hạn chế đà tăng giá. Báo cáo đưa ra dự phóng giá đầu vào thức ăn chăn nuôi trung bình ngang bằng so với năm 2024 nhưng mức thấp hơn từ 15 - 20% so với năm 2023 giúp tăng biên lợi nhuận trang trại nuôi của doanh nghiệp.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-lan-la-thi-truong-xuat-khau-thuy-san-lon-nhat-cua-viet-nam-trong-asean-37485-37485.html
Zalo