Chủ tịch PVN Lê Mạnh Hùng: Cần tránh việc sau duyệt dự án, DN phải đi xin cơ chế
Đại biểu Lê Mạnh Hùng (đoàn Cà Mau), Chủ tịch PVN cho rằng nếu không có cơ chế thì doanh nghiệp không làm được, sẽ lại phải đi xin cơ chế sau khi dự án được duyệt.
Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Góp ý cho nội dung này, đại biểu Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (Petrovietnam - PVN), nêu quan điểm: "Đây là dự án siêu lớn nên dự thảo cũng đưa ra các cơ chế được thực hiện song song thủ tục. Nếu không có cơ chế, doanh nghiệp sẽ không làm được, bởi sau khi dự án được phê duyệt thì doanh nghiệp sẽ lại phải đi xin các cơ chế đó". Vì thế, ông Hùng mong muốn cơ quan thẩm tra, Quốc hội chia sẻ và đề nghị thống nhất với Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu Lê Mạnh Hùng. (Ảnh: Media Quốc hội).
Đáng chú ý, theo đại biểu Lê Mạnh Hùng, trong báo cáo thẩm tra có một số ý kiến cho rằng không nên đưa tên các chủ thể cụ thể như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và PVN vào dự thảo cơ chế, đặc biệt là cơ chế liên quan tới doanh nghiệp.
Trước ý kiến trên, ông Hùng đề nghị: “Cơ chế trong nghị quyết về điện hạt nhân dứt khoát phải có tên của các chủ đầu tư, phải rõ người, rõ việc. Đồng thời, phải rõ ràng các cơ chế, đặc biệt là cơ chế tài chính, nhất là đối với nguồn vốn chủ sở hữu là vốn đối ứng của doanh nghiệp và nguồn vốn vay thu xếp qua các hiệp định vay tín dụng xuất khẩu đối với các nhà cung cấp. EVN và PVN là hai doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đối với nguồn vốn chủ sở hữu phải quy định rõ để tránh ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác mà EVN và PVN hiện đang triển khai”.
Đại biểu cũng đề nghị thủ tục để triển khai các dự án siêu lớn này cũng cần rất rõ ràng. Cái gì được làm song song, cái gì được thực hiện theo cơ chế chỉ định thầu. Trong dự thảo của Chính phủ đã chỉ rất rõ các nội dung trên, nhất là quá trình triển khai song song, quá trình đàm phán chọn nhà cung cấp công nghệ. Hiện, cơ chế bảo đảm nguồn lực tức là nguồn vốn chủ sở hữu của EVN và PVN cũng được đưa vào dự thảo nghị quyết đã rõ ràng.
Đại biểu Lê Mạnh Hùng đề xuất Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong quá trình thẩm tra chia sẻ, đồng thuận để có các cơ chế theo tờ trình của Chính phủ.
Cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân là đúng đắn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng đồng tình rằng việc Quốc hội ban hành cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của thời đại, là chính sách đột phá để phát triển điện hạt nhân, cũng như năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và phát triển của Việt Nam.

Đại biểu Dương Khắc Mai. (Ảnh: Media Quốc hội).
"Đây là điều kiện phát triển nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh và an ninh năng lượng quốc gia đang đặt ra các vấn đề mới, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết mà Việt Nam tham gia vào Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26)", đại biểu Mai nói.
Tán thành với các kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu đoàn Đắk Nông cũng cho hay, bên cạnh những lợi ích tiềm năng và tích cực thì dự án còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng. Cụ thể như vấn đề tài chính, công nghệ và an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.
Đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu đặc thù phức tạp, trong khi phải nhìn nhận thực tế là trình độ nước ta có thể nói chỉ ở mức cơ bản trong lĩnh vực này và nhiều lĩnh vực phụ trợ có liên quan.
Do đó, chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, cộng với đó là vấn đề nguồn nhân lực để đáp ứng cho dự án cũng là một vấn đề lớn, nếu không đảm bảo thì ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng cũng như vận hành nhà máy.
Ông Mai chia sẻ, rất nhiều nhân lực chúng ta từng chuẩn bị cho các dự án hiện đang làm việc cho bên ngoài và ở nước ngoài, trong khi dự thảo Nghị quyết chưa nêu cơ chế chính sách đặc thù đối với vấn đề đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ, trong khi tìm chọn và giữ nhân tài là vấn đề rất quan trọng.

Các đại biểu tham gia cuộc họp sáng 17/2 (Ảnh: Media Quốc hội).
"Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp, đặc biệt, sẽ khó triển khai thực hiện, vận dụng, vận hành dự án trong nước trước mắt và dài hạn", ông Mai nói.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ có phương án, giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực của dự án để đảm bảo sự chủ động tối đa. Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để huy động tối đa các nguồn lực từ Nhân dân, doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân trong nước để tham gia vào dự án để giảm bớt áp lực cho nguồn vốn nhà nước.
Từ đó, đảm bảo hoàn thành tiến độ của dự án, hình thành đội ngũ nhân lực có trình độ, năng lực làm chủ công nghệ, tự chủ vận hàng nhà máy trong thời gian sớm nhất, để dự án cùng với các công trình dự án lĩnh vực khác, đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đi đến thắng lợi.
Ổn định đời sống cho Nhân dân vùng dự án
Đại biểu Trần Quốc Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, từ khi có Nghị quyết 41 năm 2009 về đầu tư 2 nhà máy, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để thực hiện dự án. Hiện nay người dân đang chờ đợi, sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế…cho Nhà nước để triển khai dự án.
Theo ông Nam, người dân vùng dự án chỉ có mong muốn, đó là nơi ở mới của bà con phải thực sự tốt hơn, để đời sống hiện nay và thế hệ sau ổn định, ấm no, hạnh phúc.
"Chúng ta đều tin tưởng việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thật sự an toàn, thành công. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là việc bà con vùng dự án di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc sẽ tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa… để đất nước chúng ta triển khai các dự án tiếp theo”, ông Nam khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam. (Ảnh: Media Quốc hội).
Cũng theo Chủ tịch Ninh Thuận Trần Quốc Nam "cơ chế, chính sách đặc thù là hết sức cần thiết, cấp bách ban hành".
Tại tờ trình số 74 của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, liên quan tỉnh Ninh Thuận có 7 nội dung đề xuất, tỉnh đã có đề nghị bổ sung thêm 5 nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng. Ông Nam cho rằng đây là những nội dung quan trọng cần phải có để tỉnh thực hiện ngay được công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, theo khoản 3 điều 95 của Luật Đất đai quy định ổn định trước ngày 1/7/2024 rất khó khăn vì từ năm 2009 đã dừng các hoạt động sản xuất làm sổ, sang nhượng do có chủ trương làm nhà máy điện hạt nhân.
“Cùng với đó đất khu vực dự án là mặt biển có giá trị cao của người dân nếu thu hồi không đền bù hợp lý sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, bà con vùng dự án đã dừng sản xuất trong thời gian dài có nhiều thiệt thòi, do đó cần bổ sung thêm nội dung trên và giao địa phương chịu trách nhiệm”, ông Nam nói.
Thảo luận tại hội trường về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất: "Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc quan trọng ban đầu của dự án.
Ông Diên cũng nhấn mạnh tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan. "Sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ cùng cơ quan chủ trì thẩm tra quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương triển khai thực hiện dự án.
Nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách này, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định", ông nói thêm.