Chủ tịch nước Lương Cường lưu ý mối quan hệ giữa cơ quan điều tra - viện kiểm sát - tòa án
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh mục tiêu là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; dựa trên Hiến pháp, pháp luật, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Chiều 8-5, thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu gợi mở một số nội dung liên quan dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi và Luật Tổ chức VKSND sửa đổi.
Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhà nước pháp quyền phải dựa trên Hiến pháp, pháp luật, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.
Do vậy, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND phải tuân thủ theo Hiến pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời phải bảo đảm thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp. “Điều này rất quan trọng” – Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 8-5.
Về tổ chức bộ máy của hai cơ quan này, Chủ tịch nước lưu ý số lượng, chất lượng cán bộ, thẩm phán tòa án; cán bộ, kiểm sát viên viện kiểm sát; về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn; mối quan hệ giữa cơ quan điều tra- viện kiểm sát- tòa án. Nhất là trong bối cảnh cơ quan điều tra bỏ cấp huyện, cấp xã có chức năng điều tra thì cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo Chủ tịch nước, mục tiêu của bộ máy, kể cả các cơ quan tư pháp, là phải gần dân, sát dân, bảo vệ dân; khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trên thực tiễn và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trong hệ thống cơ quan tư pháp của mình, điều tra, VKS, Tòa án thực tế có những chỗ đang vướng. Cùng một vụ việc nhưng quan điểm của các cơ quan tư pháp khác nhau. “Các đại biểu cần nghiên cứu thêm, tổ chức thế này có được không? Cán bộ, công chức, viên chức thế này đã ổn chưa?” – Chủ tịch nước đề nghị.
Chia sẻ về buổi tiếp xúc cử tri ở TP.HCM lần đầu tiên mới đây, Chủ tịch nước nói TP.HCM có 273 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp còn 102 đơn vị, cộng thêm 36 đơn vị cấp xã của Bình Dương và 30 của Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng số là 168 xã.
“Với 168 xã này, bây giờ chỉ nhớ tên và địa giới hành chính, nhớ được các cán bộ chủ chốt như bí thư, phó bí thư, chủ tịch thì có nhớ được không?” – Chủ tịch nước Lương Cường nêu vấn đề.
Ông cũng cho rằng với cơ quan tư pháp, cũng phải nghiên cứu để làm sao thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để khi Quốc hội bấm nút thông qua thì chỉ thực hiện thôi.
Một vấn đề quan trọng nữa theo Chủ tịch nước là phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định của pháp luật trong các cơ quan tư pháp. Làm sao các cơ quan tư pháp hoạt động độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp, pháp luật; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
Trong thực tiễn có việc luật như thế nhưng mỗi cơ quan một góc độ có thể có (quan điểm) khác nhau. Nhiều nội dung các cơ quan công quyền đang bàn, có ý kiến khác nhau nhưng lại tung lên mạng thì rất phức tạp, không hay....
“Ở đây trao đi đổi lại là cơ hội để chúng ta thống nhất với nhau, gần 500 đại biểu quốc hội thống nhất, bấm nút xong rồi thì thực hiện” – Chủ tịch nước nói và khẳng định thực tiễn có thể có phát sinh, điều quan trọng là làm sao để hạn chế thấp nhất việc này. Và khi có phát sinh thì cùng nhau tháo gỡ.