Luật khi đưa vào cuộc sống phải có 'tuổi thọ' lâu dài
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại tổ. Ảnh: Quang Vinh.
Cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường đồng tình với tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trong bối cảnh điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích kỹ để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân phải tuân thủ theo Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng thời, phải bảo đảm thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.
Theo đó, số lượng, chất lượng, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức những cơ quan này phải đảm bảo. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã, cần nghiên cứu kỹ.
Chủ tịch nước nêu rõ: Luật không chỉ xử những người vi phạm mà cái chính là để giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được, tự giác tuân thủ pháp luật.
Chủ tịch nước cho rằng, mục đích cao nhất là làm sao để được người dân đồng thuận, tinh gọn nhưng phải hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời đề nghị các đại biểu nghiên cứu xem tổ chức các cơ quan này đã đảm bảo gần dân, sát dân hay chưa?.
Chỉ rõ, cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, Chủ tịch nước quán triệt, đây là việc khó nhưng phải làm. Trung ương đã thống nhất chủ trương, nhân dân cũng rất háo hức, ủng hộ, vậy cơ quan tòa án, viện kiểm sát phải làm sao để đáp ứng mục tiêu này.
Chủ tịch nước cho biết, hiện chúng ta đang sửa Hiến pháp, và hơn 60 luật, nghị quyết, khối lượng rất đồ sộ, nhưng làm sao phải chắc chắn. Ngoài xét xử, phải chú ý nâng cao nhận thức về pháp luật. Không để hiểu pháp luật thì “lách luật” còn không hiểu thì làm sai luật. Luật khi đưa vào cuộc sống phải có “tuổi thọ” lâu dài.
Quán triệt mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo Chủ tịch nước, hiện chúng ta đang hướng tới tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp, sáp nhập còn 34 tỉnh thành, còn lại là cấp xã, phường. Chủ tịch nước nhấn mạnh, mục tiêu của việc cải cách tư pháp là gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển.

Bà Nguyễn Thị Yến phát biểu. Ảnh: Quang Vinh.
Thảo luận tại tổ, ĐB Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) tán thành với việc sửa đổi 3 dự án Luật nêu trên, bởi đây là điều chỉnh đồng bộ, kịp thời thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng phù hợp với định hướng cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy Nhà nước.
Thanh tra mà báo trước, không “vở sạch chữ đẹp mới là lạ”
Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, công tác thanh tra đôi khi vẫn phải chạy theo vụ việc, chưa xứng tầm, chưa đáp ứng được mong đợi của người dân. Những vi phạm, không chỉ riêng trong ngành thực phẩm mà với tất cả các ngành thanh tra chưa phát huy được.
Dự thảo luật hiện đề xuất thay đổi các cấp thanh tra, bỏ thanh tra cấp sở, cấp quận, huyện. Như vậy, 2 cấp còn lại gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh phải lo hết công việc. Và, khi giảm cấp sẽ giảm biên chế, giảm con người.
Bà Lan chỉ ra thực tế Thanh tra Sở Y tế chỉ ở Sở. Còn công việc ở quận huyện, các nhà thuốc thì quận huyện mới nắm được. Trong khi đó thanh tra chỉ chờ có tố cáo, khiếu nại mới xuống kiểm tra là không kịp thời. Tuy nhiên ở quận huyện, phường xã lại không có cán bộ chuyên ngành. "Lâu lâu chúng ta mới tập hợp lực lượng đi kiểm tra liên ngành, đi một đợt xong ai về nhà đấy thì rất hạn chế về mặt chuyên môn và tinh thần", bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, việc thanh tra theo kế hoạch không có hiệu quả. Trong đó lập kế hoạch trong năm sẽ thanh tra những đơn vị nào, đến gần ngày gửi thư đến đơn vị chuẩn bị thanh tra. “Khi thanh tra mà báo trước như thế thì doanh nghiệp, cơ sở đó không “vở sạch chữ đẹp mới là lạ”.
Vì thế bà Lan cho rằng, thanh tra đột xuất mới phát huy hiệu quả thanh tra. Sau khi thanh tra về sẽ làm báo cáo gửi thanh tra thành phố lý do thanh tra; qua thanh tra nắm được những thông tin gì.
Dẫn chứng vụ lòng xe điếu vừa qua, chỉ cần cơ quan chức năng tuyên bố đi kiểm tra thì đi đến đâu quán cũng trả lời: “em hết lòng rồi”. Từ đó, bà Lan nhấn mạnh phải làm sao để các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên thị trường luôn luôn lơ lửng trên đầu một nguy cơ bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào và phải biết sợ chuyện đó.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Yến, cần cân nhắc về thời gian thanh tra. Ví dụ 120 ngày bao gồm cả ngày làm việc và ngày nghỉ. Nhưng bây giờ sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giảm 30% thủ tục hành chính thì thời gian thanh tra 120 ngày là quá dài. Vì thế cần xem lại thời gian thanh tra ngắn hơn, đáp ứng với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Bà Yến dẫn chứng: thực tế có đoàn thanh tra thanh tra xong nhưng khi báo cáo với người có thẩm quyền để ban hành kết luận thì bị kéo dài khiến ban hành kết luận thanh tra không đúng thời gian quy định lại trở thành vi phạm. Do đó bà Yến kiến nghị, cần quy định chặt chẽ hơn để người có thẩm quyền xem xét và ban hành kết luận thanh tra đúng tiến độ.