Chủ tịch một tỉnh sẽ quyết chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên

Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên do UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản theo quyết định của Thủ tướng.

Ngày 9-9, tại Đà Nẵng, Bộ KH&ĐT tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các tỉnh/TP thuộc hai vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên đối với Luật đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quy hoạch, Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật đấu thầu.

 Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì hội thảo lấy ý kiến về Luật đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: TẤN VIỆT

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì hội thảo lấy ý kiến về Luật đầu tư công (sửa đổi). Ảnh: TẤN VIỆT

Nhiều điểm mới đột phá

Chủ trì hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, cho hay dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) có năm trọng tâm thể hiện sự đột phá về mặt tư duy, đổi mới, cải cách.

Cụ thể, dự thảo luật thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép tại một số địa phương.

“Hiện có nhiều địa phương có cơ chế đặc thù, nhiều nội dung trong các nghị quyết đặc thù có thể nâng cấp được thành luật ngay để áp dụng rộng rãi trong cả nước, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn” - ông Phương cho hay.

Trọng tâm thứ hai là đẩy mạnh phân cấp phân quyền. Thứ ba là nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Thứ tư là giải quyết vướng mắc đối với các dự án ODA. Cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm rõ một số khái niệm, thuật ngữ quy định để tạo sự đồng bộ, thống nhất.

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT), một số điểm mới, nổi bật được nêu trong dự thảo luật như quy định Thủ tướng giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên. Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản được quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Tương tự, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao một UBND cấp huyện là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai huyện trở lên, khi đó cấp huyện giao một UBND cấp xã là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai xã trở lên.

Dự thảo luật cũng nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỉ đồng trở lên, dự án nhóm A, B, C tăng lên hai lần. Phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng, dự án nhóm B, C do địa phương quản lý.

 Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) nhận được 14 ý kiến góp ý của các địa phương. Ảnh: TẤN VIỆT

Dự thảo Luật đầu tư công (sửa đổi) nhận được 14 ý kiến góp ý của các địa phương. Ảnh: TẤN VIỆT

Phân cấp mạnh nhưng không nên cứng nhắc

Nội dung về Luật đầu tư công (sửa đổi) đã nhận được 14 ý kiến phát biểu trực tiếp và gửi bằng văn bản của các địa phương.

Theo đại diện tỉnh Hà Tĩnh, khoản 1 điều 27c dự thảo luật quy định đối với dự án thực hiện trên địa bàn từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, các UBND cấp tỉnh liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao một UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án, báo cáo HĐND cấp tỉnh thông qua chủ trương.

Trên cơ sở quyết định của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được đề xuất là cơ quan chủ quản dự án báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giao UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.

Vị này cho rằng chỉ nên quy định trình tự thủ tục báo Thủ tướng như trên khi dự án đó sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách Trung ương. Nếu dự án chỉ sử dụng vốn ngân sách địa phương thì nên bỏ bớt thủ tục báo cáo Thủ tướng quyết định để giảm thủ tục hành chính.

Một số địa phương cho rằng hiện nay đối với dự án đi qua hai huyện thường giao cho ban quản lý dự án cấp tỉnh thực hiện, dự án qua hai xã thì ban quản lý dự án cấp huyện thực hiện.

Nguyên nhân là khi thực hiện dự án đối với hai xã hay hai huyện sẽ có những quan điểm rất khó thống nhất, đặc biệt liên quan đến giải phóng mặt bằng và đặc thù một số địa bàn khác nhau.

Đại diện tỉnh Quảng Ngãi góp ý nên quy định địa bàn nào giao được cho một UBND làm cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư thì giao, không quy định cứng như dự thảo luật sẽ khó cho các địa phương.

Một thay đổi cũng được các địa phương quan tâm là quy định cho phép ban quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường cho hay cấp sở là cơ quan chuyên môn nắm rõ quy hoạch ngành, do đó việc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư phải là cơ quan chuyên môn chủ trì mới sát với yêu cầu phát triển.

Nếu giao thẳng cho ban quản lý cấp tỉnh làm, cơ quan chuyên môn ngồi nhìn thì không được.

Trong khi đó, đại diện Sở GTVT Quảng Nam cho rằng quy định này là tốt, không vướng gì.

“Trong quá trình các ban quản lý dự án lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư một dự án luôn có sự đồng hành, phản biện, góp ý của sở chuyên ngành nên không phải lo việc không đúng với quy hoạch ngành” - vị này nói.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/chu-tich-mot-tinh-se-quyet-chu-truong-dau-tu-du-an-thuc-hien-tren-dia-ban-tu-2-tinh-tro-len-post809261.html
Zalo