Chư Phật, chư vị thần linh và ma quỷ trong tranh dân gian Nam Bộ
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tranh dân gian Nam Bộ bắt nguồn từ nếp tưởng tượng và các tín lý đã bắt rễ trong đời sống tâm linh của người phương Nam.
Tranh dân gian Nam Bộ là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ở vùng đất phương Nam, tuy nhiên dòng tranh này lại là một đối tượng ít được nghiên cứu.
Một bộ sưu tập chỉn chu lần đầu được công bố
Trong cuốn Tranh dân gian Nam bộ (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 9/2014), nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình lần đầu công bố một bộ sưu tập tranh dân gian Nam Bộ với đầy đủ mảng tranh thuộc nhiều thể loại tranh khác nhau mà chị đã dày công “gom góp” trong hàng chục năm qua.
Đồng thời, tác giả cung cấp một số thông tin nguồn gốc, lịch sử phát triển, đặc điểm nhận biết, nội dung đề tài, kỹ pháp tạo hình của các thể loại tranh thuộc dòng tranh này.
Trong cuốn sách, tác giả đã chia sẻ quá trình đi đến giới thiệu bộ sưu tập tranh này. Chị cho biết, ban đầu chị sưu tầm tranh dân gian Nam Bộ cốt là để có dữ liệu xem cho thỏa mãn sự tò mò.
Cho đến những năm gần đây, dựa trên những thông tin từ cuộc trò chuyện với các bậc trưởng thượng, các nghệ nhân lão thành tại các thôn làng ở vùng đất phương Nam, chị đã sắp xếp chúng thành những thể loại cụ thể để có được một sưu tập tạm coi là chỉn chu - đến thời điểm này - với kỳ vọng sẽ được bạn đọc, các thế hệ nghiên cứu trong tương lai bổ sung và hoàn chỉnh.
Theo tác giả Huỳnh Thanh Bình, bộ sưu tập tranh dân gian Nam bộ giới thiệu trong sách chủ yếu là tranh thờ, là vật phẩm cúng tế hay trần thiết các đàn lễ thực hành khoa nghi của nhà Phật và minh họa các văn bản chiêm đoán vận mệnh.
Đây cũng là lý do khiến chúng khó được coi là tác phẩm mỹ thuật theo đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, đây là những di vật của thành tựu hội họa của một thời quá vãng mà đến nay, ngoài chúng ra thì thế hệ hậu bối chúng ta khó có thể truy tầm được một dấu tích nào khác của cái gọi là thành tựu nghệ thuật hội họa của các thế hệ cha ông ở vùng đất phương Nam này.
Nói cách khác, sưu tập này cho chúng ta một cảm thức có phần cụ thể từ những hình ảnh, ở đó bao gồm những hình ảnh tả thực và những hình ảnh có được do những ý tưởng sáng tạo bắt nguồn từ nếp tưởng tượng và các tín lý đã bắt rễ trong đời sống tâm linh. Chính vì vậy chúng cần được coi là những di vật trân quí của tiền nhân để lại.
Tranh dân gian Nam Bộ với đời sống tâm linh của người phương Nam
Trong bộ sưu tập tranh dân gian Nam Bộ này, Huỳnh Thanh Bình đã giới thiệu 5 loại tranh gồm: Tranh Mộc bản; Tranh minh họa vẽ trên giấy; Tranh cuộn Phật giáo; Tranh kiếng; Tranh gói.
Tranh mộc bản, theo tác giả loại tranh này ra đời đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng trong các lễ tiết thường niên và những lễ nghi cầu cúng không định kỳ. Tranh mộc bản gồm các loại bùa nêu - trấn trạch, tranh cúng Ông Táo, các bộ tranh đồ thế (cúng Hành khiển - Hành binh, cúng nhương căn, cúng Bà Thượng Động, cúng Đàng dưới)…
Tranh bùa nêu - trấn trạch còn được gọi là “”, tục gọi là “Bùa nêu Ông Cọp”, được in bằng mực đen trên giấy trắng hay giấy hồng đơn đỏ. Chúng tồn tại dưới dạng trang in rời từng phần cấu tạo riêng hoặc gộp chung vào từng bức tranh. Phổ biến là tranh thần hổ được in rời có số lượng nhiều nhất.
Tranh cúng Ông Táo (Tranh mộc bản Táo quân) vẽ một ông hai bà song không phổ biến bằng bài vị thờ ông Táo và tranh vẽ cò bay ngựa chạy (phương tiện đi lại của ông Táo thay vì cá chép), theo tập tục mọi nhà đều sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tranh đồ thế (thế ở đây có nghĩa là thế mạng) được sử dụng trong các cuộc cầu lễ cúng thần linh. Nhằm bảo hộ sinh mạng của mình được an lành, người ta vẽ hình nhân nam nữ được thế mạng cho mình theo nguyên tắc “nhất nhơn thế nhị hình” cùng các lễ vật tương ứng cho từng đối tượng thờ cúng: Thần Hành khiển - Hành binh, chư thần độ mạng cho trẻ em, các vị thần Đàng dưới / Thủy phủ, các chư thần Thượng động ở cõi trên…
Theo tác giả sách, trải qua thời gian, tranh in mộc bản thủ công đã được thay thế bởi các bộ tranh in công nghiệp. Chính vì vậy, theo tác giả sách, việc sưu tầm gặp nhiều khó khăn.
Về tranh minh họa vẽ trên giấy, bộ sưu tập giới thiệu 2 bộ tranh xăm hình và tranh minh họa sách Cao Ly đồ hình.
Về tranh xăm hình tác giả cho biết người xưa có tập tục xin xăm ở một số cơ sở thờ tự. Xăm là quẻ thẻ ở đền chùa để đoán tương lai lành hay dữ, tốt hay xấu. Nội dung hình họa trong mỗi lá xăm ngoài một số cảnh tượng thế tục là các điển tích cổ được lấy từ thần tích, Phật tích…
Theo tác giả về Phật có tranh vẽ Phật Tổ sư xuất thế độ nhơn, Quan Âm Bồ Tát. Về thần tiên có tranh vẽ Chúa Tiên, Bà Thủy Long, Bà Chúa Thai sanh, Thổ Thần, Thổ Địa, Đông Hải Long Vương, Hà Tiên Cô, thần Xạ Tiễn, Ngũ đạo diễn binh, Thiên lôi chấn tử, Mộc thần… Về quỷ ma có Càn Nương quan sát, quỷ Ma Da, Thổ quỷ, Mộc quỷ, Mộc xà, Bạch xà hóa quỷ… Về điển tích văn học có Vọng Phu nương, Chiêu quân Cống hồ, Tôn các tầm sư, Trịnh Hâm, Quan Bình xuất thế, Khổng Minh thu tiễn, Điêu Thuyền - Lữ Bố - Đổng Trác, Quan Thánh phò nhị tẩu…
Với tập hợp phong phú về các loại đối tượng phản ánh như trên, tác giả cho rằng bộ xăm hình là tập thành tranh dân gian hiếm hoi còn sót lại đến nay.
Về bộ tranh minh họa sách Cao Ly đồ hình, đây là tập sách xem duyên phận và tương lai của những cặp trai gái / vợ chồng dựa trên sự kết hợp của can và chi của họ; bộ tranh này ngoài lời bàn là một tập thành những minh họa 2D có tô màu: phản ánh các cảnh ngộ diễn ra trong xã hội thời bấy giờ.
Về Tranh cuộn Phật giáo, theo tác giả đây là loại tranh vẽ trên giấy các đối tượng được lễ bái trong các nghi lễ của Phật giáo dùng để thiết lập các đàn lễ khi tiến hành các nghi lễ thuộc khoa nghi nhà Phật, cả nghi lễ tại gia của tín đồ lẫn các nghi lễ lớn tổ chức nơi tự viện).
Sự thịnh hành của loại tranh này gắn bó mật thiết với việc thực hành các khoa nghi nhà Phật của chư tăng. Hoạt động này gọi là Ứng phú, theo tài liệu lịch sử Phật giáo, hoạt động Ứng phú có từ sớm song với quy củ và bài bản khởi đi từ giữa thế kỷ 19, theo chủ trương lấy chùa Giác Viên ở Gia Định làm trung tâm đào tạo Ứng phú do Tổ Hải Tịnh đề xướng.
Theo đó, loại tranh cuộn Phật giáo này có lẽ cũng khởi phát sau mốc thời gian đó. Theo thời gian, loại tranh vẽ trên giấy “bổi” dễ hư hỏng này luôn được thay thế bằng những bức vẽ mới nên đến nay những gì chúng tôi sưu tầm được là những tranh vẽ có niên đại cổ nhất là từ 1940, 1950, 1960.
Trong những thập niên gần đây, loại tranh này được thay thế bằng tranh in, đặc biệt gần đây là loại tranh in canvas, hiflex. Theo đó, rất hiếm chùa còn bảo quản loại tranh cuộn truyền thống. Điều này cũng giải thích về số lượng hiếm hoi của loại tranh này trong bộ sưu tập.
Bên cạnh ba loại tranh trên, trong bộ sưu tập, tác giả còn giới thiệu loại Tranh kiếng (Tranh kiếng Chợ Lớn, Tranh kiếng Lái Thiêu, Tranh kiếng Mỹ Tho…) và Tranh gói (loại tranh đắp nổi bằng vải xuất phát từ Sa Đéc rồi lan rộng ra các địa phương khác. Thoạt tiên là tranh chân dung, rồi dần dần mở rộng ra các loại tranh thần, Phật, Bồ Tát và sau đó là tranh cảnh vật biểu đạt ý nghĩa chúc tụng cát tường như ý).