Chủ động xây dựng sớm các khu tái định cư phục vụ hàng loạt dự án
Hàng loạt dự án, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, đang được Đồng Nai lên kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới. Đi kèm với đó là đòi hỏi việc xây dựng các khu tái định cư (TĐC) phục vụ cho công tác thu hồi đất cũng cần được 'khởi động' sớm.

Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh:B.Nguyên
Việc xây dựng trước các khu TĐC là tiền đề quan trọng để rút ngắn thời gian thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án.
Nhu cầu lớn về tái định cư
Trong tháng 5-2025, Sở Xây dựng đã có các thông báo mời gọi nhà đầu tư tham gia hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh, trong đó chiếm số lượng lớn là các dự án hạ tầng giao thông.
Cụ thể, các dự án hạ tầng giao thông được mời gọi các nhà đầu tư tham gia gồm có: kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đến Trảng Bom; đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 1); nâng cấp, mở rộng đường Bùi Văn Hòa, thành phố Biên Hòa; cầu thay phà Cát Lái; cầu Đồng Nai 2; đường từ cầu Mã Đà đến giao với đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh; đường trên cao dọc quốc lộ 51 từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao vòng xoay Cổng 11; hương lộ 2 nối dài đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Trong các dự án nói trên, phần lớn đều phải thực hiện thu hồi đất khi triển khai thực hiện. Do đó, nhu cầu bố trí TĐC cho người dân trong quá trình đầu tư các dự án cũng rất lớn.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà, vị trí xây dựng các khu TĐC phải phù hợp, thuận lợi về giao thông, hạn chế thấp nhất việc thu hồi đất để xây các khu TĐC, dẫn đến tình trạng phải bố trí TĐC cho TĐC.
Theo đại diện Công ty CP Tập đoàn MIK Group Việt Nam, nhà đầu tư đề xuất dự án, Dự án Đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài gần 47km, đi qua địa bàn 5 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và Cẩm Mỹ. Tính toán sơ bộ cho thấy, để thực hiện dự án, các địa phương cần thu hồi diện tích đất hơn 482 hécta với gần 1,7 ngàn hộ dân cần bố trí TĐC. Trong đó, huyện Trảng Bom là địa phương có số lượng hộ dân cần bố trí TĐC lớn nhất.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Nguyễn Quốc Tần cho biết, dự kiến địa phương phải thu hồi diện tích đất hơn 175 hécta với hơn 1 ngàn hộ dân phải bố trí TĐC.
Một dự án khác cũng có số lượng các hộ dân phải bố trí TĐC lớn khi triển khai thực hiện là đường trên cao dọc quốc lộ 51 từ ngã tư Vũng Tàu đến nút giao vòng xoay Cổng 11. Thống kê sơ bộ cho thấy, để thực hiện dự án này, thành phố Biên Hòa phải bố trí TĐC cho khoảng 1 ngàn hộ dân.
Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh từ báo cáo của 8 địa phương cho thấy, từ năm 2025-2030, tổng nhu cầu về TĐC của các địa phương này là 11 ngàn lô đất.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà, với hàng loạt dự án sẽ được tỉnh triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhu cầu bố trí TĐC của các dự án trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Tái định cư phải đi trước
Trước nhu cầu rất lớn về TĐC trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát, báo cáo nhu cầu TĐC cho các dự án trong năm 2025 và dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời với đó là việc quy hoạch và lập kế hoạch triển khai xây dựng các khu TĐC để đáp ứng nhu cầu.
Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Vũ Quốc Thái cho biết, nhu cầu về TĐC trên địa bàn thành phố trong năm 2025 là khoảng 1,6 ngàn lô đất, năm 2026 hơn 1,4 ngàn lô đất. Thành phố đã đầu tư 25 dự án xây dựng các khu TĐC và 15 dự án khác đang chuẩn bị được đầu tư.
“Quỹ đất TĐC trên địa bàn thành phố hiện nay nằm rải rác tại các phường và không tập trung tại khu vực có dự án trọng điểm, dẫn đến mất cân đối quỹ đất TĐC tại khu vực, địa điểm có dự án thu hồi đất” - ông Thái nêu khó khăn.
Hiện nay, UBND thành phố Biên Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư các khu TĐC trên địa bàn các phường: Hiệp Hòa, Bửu Long, Hóa An… để phục vụ các dự án trọng điểm.
Trong khi đó, theo UBND thành phố Long Khánh, để sớm triển khai xây dựng các khu TĐC, cần phải đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, phân khu, chi tiết dự án đầu tư và thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu TĐC, cũng như việc cân đối, bố trí và huy động nguồn vốn để xây dựng. Quy hoạch các khu TĐC phải phù hợp với đặc điểm của từng phân khu, sau khi được quy hoạch phải tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh quy trình đầu tư đảm bảo nhanh, gọn, đúng quy định pháp luật.
Tại buổi làm việc để nghe báo cáo nhu cầu TĐC cho các dự án trong năm 2025 và dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh vào giữa tháng 4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà nhấn mạnh, thời gian tới, Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng các khu TĐC phải đi trước thu hồi đất. Các khu TĐC phải được xây dựng có hệ thống hạ tầng đồng bộ, khang trang, hiện đại để phục vụ tốt nhất đời sống người dân có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án.