Chủ động ứng phó trước biến động thương mại toàn cầu
Thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc về thương mại với nhiều thách thức chồng chất từ xung đột địa chính trị đến xu hướng bảo hộ gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển nhanh chóng, đặc biệt là những chính sách thuế quan mới của Mỹ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thể hiện rõ khả năng thích ứng linh hoạt, tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị, giới chuyên gia, nhà quản lý và DN đều bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào đường lối ngoại giao, đàm phán của Chính phủ; đồng hành cùng cộng đồng DN tự tin vượt khó, biến thách thức thành cơ hội vươn lên, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Đa dạng hóa thị trường, tăng cường chống gian lận xuất xứ

Những khó khăn từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DN để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn. Để làm được việc này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ DN, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Trước mắt, Bộ đã đề nghị các hiệp hội, DN xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản về Bộ Công Thương để Bộ rà soát và tập trung giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc chuyển cho các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là giúp các hiệp hội, DN ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới, tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn.
Bộ cũng xác định rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hiện nay là tiếp tục hỗ trợ DN, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh, 17 hiệp định FTA để khai thác có hiệu quả các thị trường trọng điểm và thị trường truyền thống, phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới. Song song đó, triển khai mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng, thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới các DN, đề xuất đàm phán các FTA mới với các thị trường có nhiều tiềm năng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; xử lý nghiêm các vi phạm.
Tuy nhiên, những khó khăn từ việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội cho chúng ta chủ động tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc DN để tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong dài hạn và để thực hiện được mục tiêu này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan từ DN, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
Bình Minh ghi
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công: Xây dựng thương hiệu mạnh, chống chịu tốt trước các rào cản

Đây không phải lần đầu Việt Nam gặp phải những biến động lớn từ thị trường thế giới. Chính phủ cùng DN đã có những kinh nghiệm từ các bài học trước đó, tôi tin rằng Việt Nam luôn sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt, tranh thủ thời cơ tìm ra được động lực tăng trưởng mới.
Theo đó, các DN cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng và danh mục sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, đánh giá lại những mặt hàng có nguy cơ chịu thuế cao và cần ưu tiên tìm giải pháp thay thế, như tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là từ các thị trường đang bị Mỹ áp mức thuế cao. Điều này không chỉ giúp giảm rủi ro bị áp thuế xuất xứ mà còn nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, các DN cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và xây dựng được thương hiệu mạnh, tạo ra sức chống chịu tốt hơn trước các rào cản thương mại.
Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA, RCEP… đây là lợi thế lớn để DN mở rộng thị trường. Song song với việc chờ quyết định cuối cùng về đàm phán thuế quan với Mỹ, các DN cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường trong khu vực ASEAN, là những nơi Việt Nam có lợi thế về ưu đãi thuế với các FTA đã có hiệu lực để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Phạm Ngọc ghi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội - TS Mạc Quốc Anh: Hỗ trợ tư vấn pháp lý, phòng vệ thương mại

Mặc dù Mỹ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng song nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt. Trong giai đoạn tiếp theo, cộng đồng DN mong chờ cơ quan quản lý hoặc hiệp hội ngành hàng sẽ kịp thời cập nhật thông tin chính thức khi có thay đổi về chính sách, giúp họ có đủ thời gian chuẩn bị. Trong đó, cần có kênh tư vấn, giải đáp vướng mắc nhanh hơn để DN hiểu rõ quy trình, thủ tục liên quan đến thuế phòng vệ thương mại. Khi có biến động về thuế, cần có lộ trình cụ thể, tránh gây “sốc” về chi phí. Các biện pháp phòng vệ thương mại hay thuế đối ứng nên được triển khai nhất quán, hạn chế tình trạng bất ngờ khiến chuỗi cung ứng xáo trộn.
Mặt khác, DN cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn luật thương mại quốc tế, hướng dẫn về hồ sơ chứng minh, giấy tờ cần thiết. Các chương trình tập huấn, hội thảo chuyên sâu do cơ quan quản lý hay hiệp hội ngành hàng tổ chức giúp DN củng cố năng lực ứng phó tốt hơn. Đặc biệt, DN kỳ vọng Nhà nước và các tổ chức xúc tiến đẩy mạnh kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường dễ có nguy cơ bị phòng vệ thương mại.
Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, phía DN cũng cần tích cực củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó nếu rủi ro tái diễn bằng cách giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát xuất xứ minh bạch để hạn chế nguy cơ bị gắn “bán phá giá”. Đa dạng hóa nhà cung cấp và kênh phân phối, tránh tập trung quá mức vào một thị trường hoặc một nguồn cung duy nhất. Song song với đó, thường xuyên cập nhật tin tức từ các cơ quan quản lý, hiệp hội, tham tán thương mại; xây dựng đội ngũ chuyên trách để kịp thời nắm bắt thay đổi; chuyển dần từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu chế biến sâu, tạo điểm khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm.
Phương Nga ghi
Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt Nguyễn Thanh Lam: Minh bạch hóa nguồn gốc nguyên liệu

Tình hình thế giới hiện nay nhiều biến động, gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành đồ gỗ xuất khẩu. Mỹ đang chiếm 50% doanh thu của DN. Mặc dù công ty đã nhận đơn hàng đến hết quý III/2025, song chúng tôi đã đàm phán với đối tác khách hàng và thống nhất rủi ro sẽ cùng chia sẻ. Một mặt, công ty đang hướng đến xuất khẩu trực tuyến, trong tháng 4 này, Lâm Việt có 3 container hàng được xuất khẩu và thử bán trên sàn thương mại điện tử Amazon. Mặt khác, nếu Mỹ tăng thuế, DN đã có ngay kế hoạch ứng phó, từ tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất đến điều chỉnh mục tiêu kinh doanh. Đơn cử, Lâm Việt tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất và quản trị để giảm chi phí sản xuất, giảm công nhân lao động và giảm giá thành sản phẩm. Bởi thực tế cho thấy, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, chúng tôi được các đối tác đánh giá cao hơn, có đơn hàng nhiều hơn...
Ngoài ra, Lâm Việt cũng nghiên cứu sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, vừa phục vụ xuất khẩu vừa tiêu thụ trong nước. Khi các thị trường nhập khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhờ sử dụng nguồn gỗ hợp pháp, minh bạch. Được biết, người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm từ gỗ nguyên liệu trong nước họ, nên nếu DN tận dụng lợi thế này, vừa có thể hạ giá thành vừa gia tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Chúng tôi tin rằng, việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ trong minh bạch hóa nguồn gốc gỗ không chỉ giúp DN vượt qua các rào cản kỹ thuật mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, dài hạn.
Ngọc Ánh ghi
Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia của Chính phủ - TS Cấn Văn Lực: Ưu tiên chuyển đổi xanh và kinh doanh tuần hoàn

Việc Mỹ đề xuất áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã tạo ra một số thách thức đối với nền kinh tế. Do đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn là ưu tiên hàng đầu đối với các DN hiện nay.
Với kịch bản dự báo Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 20 - 25% lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, ước tính giá trị phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD/năm. Trong trường hợp Việt Nam giảm thuế xuống 0% cho hàng Mỹ, tổn thất giảm thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam có một số cơ hội nhất định khi có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác; cơ hội mới từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ, tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh. Đồng thời, sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ bằng cách tăng nhập khẩu hàng, tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ nước bạn... Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ DN và ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực; cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch hóa chính sách, nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng logistics, để DN có thể cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững.
Ánh Ngọc ghi