Chủ động thích ứng với mức thuế đối ứng từ Hoa Kỳ- Bài 1
Bài 1: Nắm bắt thông tin, kịp thời ứng phó
Ngày 2-4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố áp dụng mức thuế đối ứng mới với hơn 180 nền kinh tế. Trong đó, với Việt Nam, Hoa Kỳ áp thuế lên tới 46%, tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại song phương, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp bách cho doanh nghiệp về việc tái cấu trúc chiến lược tiếp cận thị trường và củng cố năng lực cạnh tranh.
Quan ngại với mức thuế đối ứng cao
Những ngày qua, các doanh nghiệp (DN) tại Bình Dương có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Hoa Kỳ như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, nông sản… tỏ ra lo lắng trước việc Hoa Kỳ áp thuế quan đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết ban đầu phía hiệp hội cũng rất lo lắng khi thuế đối ứng được đưa ra 46% là con số quá cao. Với các DN xuất khẩu gỗ Bình Dương, Hoa Kỳ là thị trường chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của tỉnh. Thời gian qua, biên lợi nhuận hàng xuất khẩu gỗ sang thị trường này khoảng 5 - 7% là tốt, giờ đây nếu thuế nhập khẩu lên đến 46% thì DN lo sức mua mặt hàng gỗ sẽ giảm. Tuy nhiên, với những thông tin nhận được từ Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội, hội viên, DN đang nghe ngóng tình hình để kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả. Chính sách thuế của Hoa Kỳ khá phức tạp, kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ DN.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP.Thuận An), đơn vị có trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu là vào thị trường Hoa Kỳ, cho rằng: “Mức thuế 46% nhập khẩu vào Hoa Kỳ là quá cao, rất khó cho ngành gỗ Việt Nam cạnh tranh tại thị trường này. Tuy nhiên, sau tâm trạng lo lắng ban đầu, nhiều DN đã bình tâm hơn và đang trong tâm thế chờ đợi, hy vọng. Trước hết, chúng tôi chờ đợi những thông tin chi tiết hơn về nhóm ngành nào, mặt hàng nào sẽ chịu thuế đối ứng bao nhiêu, vì mức 46% là con số tổng quát nhưng không phải sẽ áp dụng cho tất cả các mặt hàng. Bên cạnh đó, hy vọng Việt Nam có thể trao đổi, đàm phán để đưa thuế đối ứng về mức chấp nhận được. Chúng tôi cho rằng mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump là kéo các bên vào bàn đàm phán. Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng Chính phủ và các DN Việt Nam sẽ có đối sách linh hoạt, phù hợp trong tình hình hiện nay để đàm phán với phía Hoa Kỳ”.
Hiện tại, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang ở Hoa Kỳ để đàm phán về thuế đối ứng. Nếu việc này đạt được kết quả tốt thì có thể Hoa Kỳ sẽ lùi ngày áp thuế đối ứng 46% với các mặt hàng từ Việt Nam để hai nước đàm phán, thỏa thuận thêm. Mục đích chuyến đi của đoàn đặc phái viên Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ nhằm giải quyết các vướng mắc về thuế đối ứng mà còn là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm các cơ hội và kêu gọi hợp tác đầu tư từ các DN Hoa Kỳ liên quan đến lĩnh vực công nghệ, dầu khí, an ninh, quốc phòng và hàng không dân dụng.
Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết mức thuế đối ứng 46% là quá cao, DN trong hiệp hội đang chờ thông tin chính thống từ đàm phán của Chính phủ cùng với sự kỳ vọng rằng Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ đạt được sự thỏa thuận về mức thuế đối ứng. Các DN thành viên hiệp hội cũng trao đổi thông tin chính thống, động viên nhau không quá lo lắng để duy trì sản xuất kinh doanh.
Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương, những năm qua hiệp hội khuyến khích DN thành viên tập trung vào các giải pháp tối ưu hóa nguồn cung ứng và chuyển đổi mô hình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa. Hiệp hội hỗ trợ DN đầu tư nhiều hơn vào công nghệ sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững mà các thị trường này yêu cầu. Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay là nhiều DN dệt may chưa thể phát triển được nguồn nguyên phụ liệu tại chỗ, dẫn đến phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Do đó, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng quá cao đối với hàng hóa Việt Nam tạo ra thách thức lớn với ngành dệt may.
Nỗ lực đàm phán
Mới đây, tại hội nghị giao ban với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức định kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết các chính sách điều chỉnh thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu được Hoa Kỳ áp dụng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phía cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đề xuất cần đẩy mạnh hợp tác song phương thông qua các cơ chế đối thoại hiệu quả như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), từ đó tạo nền tảng để tháo gỡ các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, minh bạch. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu rào cản hành chính, đồng thời hỗ trợ các DN nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh, việc vận động chính sách, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với các đối tác thương mại lớn và các tổ chức kinh tế quốc tế cũng được đặt lên hàng đầu. Đây không chỉ là nỗ lực bảo vệ lợi ích trước mắt mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trên bản đồ thương mại toàn cầu.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, thông tin những ngày qua DN xuất khẩu tại Bình Dương đối mặt với áp lực lớn từ việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan. Để duy trì và phát triển thị trường này, hiệp hội kiến nghị Chính phủ có những động thái mạnh mẽ hơn trong đàm phán thương mại, đồng thời hỗ trợ DN điều chỉnh chuỗi cung ứng để phù hợp với quy định mới của các thị trường xuất khẩu. Hiệp hội cũng đề xuất thành lập Tổ công tác xử lý rào cản thuế quan để cung cấp thông tin kịp thời và tư vấn pháp lý cho DN.
Còn tiếp...