Mỹ điều tra hoạt động nhập khẩu chip và dược phẩm
Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra tác động của hoạt nhập khẩu chip và dược phẩm đối với an ninh quốc gia. Đây là bước đi đầu tiên nhằm chuẩn bị các động thái áp thuế tiềm tàng vào hai lĩnh vực này, đe dọa mở rộng cuộc chiến thương mại toàn diện của Tổng thống Donald Trump.

Chính quyền Tổng thống Donald có khả năng áp thuế với chip và dược phẩm nhập khẩu sau khi Bộ Thương mại Mỹ hoàn tất cuộc điều tra với hai ngành này. Ảnh: Bloomberg
Hôm 14-4, trong thông báo đăng trên công báo, Bộ Thương mại Mỹ chính thức xác nhận đã mở cuộc điều tra tác động an ninh quốc gia Mỹ từ hoạt động nhập khẩu bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn cũng như dược phẩm và thành phần dược phẩm.
Cuộc điều tra được tiến hàng theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962, có thể kéo dài trong nhiều tháng. Theo luật, Bộ trưởng Thương mại dự kiến công bố kết quả điều tra trong vòng 270 ngày nhưng ông Trump ám chỉ rằng cuộc điều tra có thể kết thúc nhanh hơn. Các bên liên quan được mời tham gia đóng góp ý kiến về cả hai cuộc điều tra trong vòng 21 ngày tới.
Ông Trump từ lâu chỉ trích dược phẩm và chip của nước ngoài là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu nhằm khôi phục hoạt động sản xuất các sản phẩm này ở Mỹ.
Chuỗi cung ứng chip toàn cầu vẫn đang chịu ảnh hưởng từ tình trạng gián đoạn trong đại dịch Covid-19 và có thể phải đối mặt với áp lực mới từ thuế quan trong thời gian tới.
Thông báo của chính quyền được đưa ra vài ngày sau khi Cục Hải quan và biên phòng Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng đối với các mặt hàng bán dẫn, điện thoại di động, máy tính và các thiết bị điện tử nhập khẩu khác từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump lưu ý, động thái miễn thuế này chỉ là tạm thời để các công ty chip có thời gian chuyển hoạt động sản xuất đến Mỹ. Ý định áp một mức thuế riêng với chip nhập khẩu vẫn được duy trì.
Trước đây, người đứng đầu Nhà Trắng đe dọa áp thuế 25% với ngành dược phẩm và bán dẫn.
Thuế quan của Mỹ áp vào ngành bán dẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công ty xuất khẩu chip ở châu Á, vốn đang có doanh thu từ Mỹ đến hàng chục tỉ đô la mỗi năm.
Các nhà sản xuất chip cao cấp như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (Đài Loan) và SK Hynix (Hàn Quốc) có thể buộc phải tăng giá hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa đánh thuế nhập khẩu.
Tổng thống Mỹ xem việc phục hồi ngành sản xuất chip và cơ sở công nghiệp của Mỹ là điều cấp thiết đối với an ninh quốc gia. Chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu để thống trị ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo cũng là ưu tiên hàng đầu của Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo sẽ mất nhiều năm để đưa hoạt động sản xuất chip về Mỹ.
Nếu Mỹ áp thuế quan với ngành dược phẩm thì sẽ là một đòn giáng nặng nề các hãng dược phẩm lớn của Mỹ có nhiều cơ sở sản xuất trên toàn cầu. Theo phân tích của TD Cowen, các hãng dược của Mỹ, trong đó có Lilly và Pfizer vận hành gần hai chục nhà máy ở Ireland để xuất khẩu sang Mỹ, tận dụng thuế doanh nghiệp thấp và lực lượng lao động trình độ cao ở nước này.
Các hãng dược đã chạy đua công bố các khoản đầu tư lớn vào Mỹ trước khả năng áp thuế quan. Gần đây nhất, hãng dược Novartis của Thụy Sĩ cho biết sẽ đầu tư 23 tỉ đô la vào Mỹ trong 5 năm tới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, việc này có thể sẽ không làm giảm bớt tác động của thuế quan.
“Theo quan điểm của chúng tôi, không có giải pháp nhanh chóng nào cho các hãng được bị ảnh hưởng. Việc chuyển hoạt động sản xuất đến Mỹ sẽ mất nhiều năm và rất tốn kém”, nhà phân tích David Risinger của Leerink Partners cho biết trong một báo cáo.
Các hãng dược sẽ phải lựa chọn giữa việc chịu chi phí thuế quan tiềm tàng hoặc tăng giá thuốc tại thị trường Mỹ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần than phiền về việc các hãng dược của Mỹ phụ thuộc vào sản xuất ở nước ngoài và muốn phá vỡ điều này.
Trong một diễn khác, hôm 14-4, ông Trump tuyên bố sẽ xem xét tạm thời hoãn mức thuế 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu để các công ty có thời gian đưa sản xuất đến Mỹ.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu ô tô, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Michigan, thuế quan sẽ làm tăng chi phí của các nhà sản xuất ô tô chỉ riêng tại Mỹ thêm 107,7 tỉ mỗi năm. Việc này sẽ làm cho giá xe mới lẫn xe cũ ở Mỹ tăng đáng kể đối với người tiêu dùng.
Theo Bloomberg