Chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Trong năm 2024 và những ngày đầu năm 2025, hoạt động của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, đã khiến nhiều người sập bẫy. Đáng nói, các đối tượng tội phạm tổ chức thành những đường dây lừa đảo, tổ chức chuyên nghiệp hoạt động mạnh tại các quốc gia láng giềng với nước ta.

Thủ đoạn biến hóa khó lường

Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), tại Khánh Hòa, trong năm 2024, lực lượng công an đã tiếp nhận 122 vụ việc chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, với thiệt hại tài sản lên đến 135 tỷ đồng. Phổ biến vẫn là các phương thức như: Kêu gọi tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán; dẫn dụ làm cộng tác viên trực tuyến, làm việc trực tuyến, mua bán hàng qua mạng; giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án, bảo hiểm xã hội, thuế; giả mạo fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có thương hiệu lớn nằm ở trung tâm TP. Nha Trang nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc dịch vụ; sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ảnh động, video giả mạo người thân quen đang nói chuyện trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chung của các đối tượng là lợi dụng mạng xã hội tạo lập các fanpage, group đăng quảng cáo, đưa thông tin gây chú ý để tiếp cận bị hại một cách rộng rãi; khi bị hại tương tác sẽ bị các đối tượng dẫn dụ tham gia vào các nhóm trò chuyện trên các nền tảng: Telegram, Whatsapp, Viber…, từ đó nạn nhân bị dẫn dụ theo nhiều kịch bản và thực hiện các yêu cầu đối tượng đưa ra.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lần theo dấu vết tội phạm trên không gian mạng.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lần theo dấu vết tội phạm trên không gian mạng.

Trong những ngày đầu năm 2025, nhu cầu mua sắm, bán hàng, nghỉ dưỡng, du lịch, đi lại của người dân tăng cao, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cũng tập trung vào chính những nhu cầu này bằng kịch bản lừa đảo giả mạo các khu du lịch, khách sạn, trung tâm mua sắm, dịch vụ đi lại với thông tin giới thiệu hấp dẫn để tiếp cận, đưa nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng linh hoạt nhiều hình thức khác nhau, xây dựng nhiều kịch bản tiếp cận khác nhau, tập trung đánh vào lòng tham, tâm lý hoang mang, thiếu nhận thức, cảnh giác của người dân. Nếu người dân thiếu kỹ năng hoặc lơ là, mất cảnh giác khi tham gia mạng xã hội sẽ rất dễ trở thành nạn nhân khi tham gia mua sắm, đặt phòng, mua vé du lịch trực tuyến.

Người dân cần cẩn trọng với các giao dịch

Theo Thượng tá Đào Thanh Bình - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, người dân trước hết cần nhận diện những dấu hiệu rõ ràng của tội phạm lừa đảo qua mạng là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng qua tin nhắn, e-mail, điện thoại. Thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp mã OTP, mật khẩu tài khoản ngân hàng với lý do khẩn cấp như: Đóng phí bảo hiểm, thanh toán hóa đơn, hay nhận tiền thưởng. Các chiêu trò lừa đảo như “bán hàng online”, “đầu tư vào dự án lợi nhuận cao”, hay “các chương trình khuyến mãi hấp dẫn” là những dấu hiệu dễ nhận diện. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, bao gồm: Không chia sẻ thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP, mã thẻ tín dụng, hoặc bất kỳ thông tin cá nhân nào qua các kênh không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, các cuộc gọi, tin nhắn hoặc e-mail yêu cầu thông tin này đều là dấu hiệu của hành vi lừa đảo.

Đối với giao dịch trực tuyến, khi tham gia mua bán, đầu tư trực tuyến, hoặc tham gia các hoạt động khác qua mạng, người dân cần kiểm tra nguồn gốc và tính xác thực của các website, nền tảng giao dịch. Các trang web có địa chỉ không rõ ràng hoặc yêu cầu thanh toán qua phương thức không an toàn cần đặc biệt cảnh giác; sử dụng các phương thức thanh toán bảo mật như chuyển khoản qua ngân hàng hoặc sử dụng các cổng trung gian thanh toán đã được xác thực. Người dân cũng cần cẩn trọng với ưu đãi quá hấp dẫn. Cụ thể, nếu một lời mời gọi đầu tư, mua sắm, hoặc nhận quà tặng quá hấp dẫn, cần đặt nghi vấn và tự kiểm tra tính hợp lý của ưu đãi đó.

Cùng với đó, người dân cần thường xuyên cập nhật các biện pháp bảo mật như: Sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực hai yếu tố (2FA) cho các tài khoản ngân hàng, mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, phần mềm, hệ điều hành và ứng dụng điện thoại luôn được cập nhật phiên bản mới nhất để tránh bị tấn công qua các lỗ hổng bảo mật. Cùng với đó, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về các hình thức lừa đảo mới qua các phương tiện truyền thông, từ đó nhận diện sớm và tránh sập bẫy của tội phạm.

Khi nhận thấy mình là nạn nhân của một vụ lừa đảo qua mạng, người dân cần phải thực hiện ngay các biện pháp sau để giảm thiểu thiệt hại: Dừng ngay mọi giao dịch và hành động theo yêu cầu của đối tượng; thông báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn giải quyết. Nếu đối tượng có thể truy cập vào tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, e-mail, người dân cần lập tức thay đổi mật khẩu và bật tính năng xác thực hai yếu tố (2FA) cho các tài khoản quan trọng như: Tài khoản ngân hàng, e-mail, tài khoản mạng xã hội. Khi bị lừa đảo, nạn nhân cần giữ lại tất cả các chứng cứ liên quan đến vụ lừa đảo như: Tin nhắn, e-mail, cuộc gọi, hoặc các tài liệu mà đối tượng gửi đến. Đây là những thông tin quan trọng giúp cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh, làm rõ.

THÀNH LONG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202502/chu-dong-phong-ngua-toi-pham-lua-dao-tren-khong-gian-mang-e0a7eae/
Zalo