Lừa đảo lập fanpage tích xanh, chạy quảng cáo đặt phòng du lịch đầu năm
Đối tượng lừa đảo lập fanpage giả mạo có chứng nhận tích xanh, chạy quảng cáo fanpage giả, thậm chí 'mua' các bình luận ảo nhận xét tốt về đặt phòng, khen homestay, khách sạn… nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi…
![Cẩn thận chiêu trò lập fanpage tích xanh, chạy quảng cáo đặt phòng du lịch trên không gian mạng - Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_3_51439029/c31199f5adbb44e51daa.jpg)
Cẩn thận chiêu trò lập fanpage tích xanh, chạy quảng cáo đặt phòng du lịch trên không gian mạng - Ảnh minh họa.
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời; Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản nhân hàng, mã OTP dưới mọi hình thức…
LỪA ĐẢO ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN TRONG CAO ĐIỂM DU XUÂN
Đầu năm là khoảng thời gian cao điểm khi nhu cầu đi du xuân của người dân tăng cao. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để các đối tượng lừa đảo du lịch, bán vé máy bay, vé tàu và phòng khách sạn giả mạo tiếp diễn.
Mới đây, một du khách đặt phòng trên fanpage khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà, Ninh Bình. Sau khi chuyển khoản tiền cọc 6,5 triệu đồng lần đầu tiên, kẻ lừa đảo thông báo khách đã chuyển sai nội dung và yêu cầu chuyển lại tiền để bộ phận kế toán xác nhận và hoàn lại số tiền thừa. Đáng chú ý, qua nhiều lần chuyển khoản, tổng số tiền mà khách đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Trên thực tế, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo lựa chọn hình thức lập fanpage giả mạo rồi thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ Facebook. Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin với du khách.
Đối với vấn nạn fanpage giả mạo tràn lan, các nạn nhân, đại diện một số homestay bị mạo danh và chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như sở văn hóa thể thao và du lịch, sở thông tin và truyền thông và cơ quan công an địa phương để kiểm soát tình hình.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng trước các fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch. Thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin kỹ về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp.
“Tuyệt đối không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được độ uy tín của đối tượng. Người dân được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ nguồn gốc của tài khoản; tính xác thực của đối tượng trước khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
THỦ ĐOẠN CÀI ĐẶT 12 ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt Dịch vụ công để nhận điểm giao thông. Cụ thể, ngày 5/1/2024, chị L.T.L, ở xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa được một người nữ giới gọi điện thoại đến số thuê bao của chị L tự xưng là cán bộ Công an và tư vấn Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, sẽ có cán bộ của phòng Kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn cài đặt để tích hợp 12 điểm vào dịch vụ công.
Mặc dù chị L cảnh giác nói bản thân đã cài đặt dịch vụ công và nghi ngờ lừa đảo, nhưng được trấn an, thuyết phục, chị L đã cài đặt dịch vụ. Các đối tượng yêu cầu chị L nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng mặt trước, mặt sau. Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, tài khoản của chị L đã bị trừ mất số tiền 7.910.000 đồng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội. Điểm Giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có Giấy phép lái xe, cơ quan công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm. Đặc biệt lưu ý khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.
GIẢ MẠO TRUNG TÂM HỖ TRỢ APPLE TIẾP TỤC TÁI DIỄN
Mới đây, trang tin về công nghệ Gadget Lite vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo trung tâm hỗ trợ Apple, gửi tin nhắn giả mạo đến cho những nạn nhân sử dụng các thiết bị Apple nhằm đánh cắp thông tin và tài khoản iCloud.
Các đối tượng tạo lập tin nhắn giả mạo, sử dụng logo của Apple với tiêu đề: “Cảnh báo từ Apple”, thông báo rằng tài khoản Apple Pay của nạn nhân vừa thực hiện thành công một giao dịch trực tuyến. Để tăng thêm mức độ uy tín, các giao dịch giả mạo này thường dựa trên những ứng dụng hoặc sản phẩm mà nạn nhân đã từng sử dụng hoặc đặt hàng trước đây.
Các đối tượng cũng khuyến cáo liên lạc thông qua số điện thoại được đính kèm trong tin nhắn nếu giao dịch này không được thực hiện bởi chính nạn nhân. Thông thường, những tin nhắn này thường tạo cảm giác khẩn trương, thúc ép người nhận chủ động liên hệ lại để xác minh thông tin, phòng ngừa khả năng tài khoản bị đánh cắp dẫn đến những giao dịch không mong muốn khác.
Sau khi gọi điện vào số điện thoại được đính kèm, nạn nhân sẽ được nối máy tới kẻ giả mạo nhân viên làm việc tại trung tâm hỗ trợ khách hàng, những kẻ này sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tên đăng nhập và mật khẩu tài khoản Apple, đồng thời dụ dỗ tải về thiết bị các ứng dụng điều khiển từ xa như AnyDesk hoặc TeamViewer để trực tiếp xử lý và khắc phục vấn đề.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn thông báo về những khoản tiền bất thường. Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web hoặc danh tính của người gửi.