Chủ động khơi thông nguồn vốn cho khu vực kinh tế tư nhân - Kỳ I: Kinh tế tư nhân - Động lực phát triển
Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và là lực lượng tiên phong trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để khu vực kinh tế tư nhân vươn mình trong kỷ nguyên mới, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, đặc biệt trên các phương diện kinh tế, xã hội và đổi mới công nghệ…


Lãnh đạo UBND tỉnh luôn quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân để nắm bắt khó khăn, kịp thời tháo gỡ, tạo động lực phát triển giúp các doanh nghiệp tư nhân không ngừng lớn mạnh.
Tạo động lực tăng trưởng
Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế khu vực phía Bắc với sự đóng góp đáng kể của khu vực kinh tế tư nhân. Toàn tỉnh hiện có hơn 17 nghìn doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm phần lớn doanh nghiệp và có tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh khoảng 55%. Điều đó cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Những năm qua, để hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù riêng của Vĩnh Phúc. Theo đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; thường xuyên lắng nghe để kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2025 của tỉnh ước đạt 7,4 - 8%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng thời điểm giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 11,5 - 12%; khu vực dịch vụ tăng 5 - 6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 1 - 2% so với cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất ô tô tăng 22,42%.
Quý I/2025, việc triển khai các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực, ước tính vốn thực hiện các dự án FDI đạt hơn 115 triệu USD; vốn thực hiện các dự án trong nước đạt khoảng 650 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ và đạt 43% kế hoạch năm.
Nhờ những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, nền kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng việc huy động vốn từ ngân hàng và các tổ chức tài chính vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân phản ánh họ gặp trở ngại trong việc vay vốn, khiến kế hoạch mở rộng sản xuất bị đình trệ.


Công ty TNHH nấm Phùng Gia (Bình Xuyên) là một trong số doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực nông nghiệp phát triển nhanh trong những năm gần đây, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Chu Kiều
Vẫn còn những rào cản
Mặc dù tỉnh đã có những giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng thực tế việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Bởi thực tế, phần lớn dòng vốn vẫn tập trung vào các doanh nghiệp lớn hoặc các dự án đầu tư công, trong khi DNNVV vẫn khó tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất.
Theo lãnh đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, lý do các doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận nguồn vốn lại xuất phát từ chính các doanh nghiệp, bởi phải có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính rõ ràng và kế hoạch kinh doanh khả thi, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện vay vốn. Mặc dù ngành ngân hàng đã “cố gắng” đề ra mức lãi suất ưu đãi, không tạo áp lực tài chính nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Anh, xã Sao Đại Việt (Vĩnh Tường) là một ví dụ điển hình gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nhưng gặp trở ngại khi vay vốn mở rộng nhà máy do yêu cầu tài sản thế chấp cao và lãi suất chưa thực sự ưu đãi.
Để có thể tiếp cận nguồn vốn lớn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, phía ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo đủ lớn để được xét duyệt khoản vay, điều này gây khó khăn cho công ty đang có nhu cầu mở rộng sản xuất nhưng chưa có tài sản đủ giá trị.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần chứng minh dòng tiền ổn định và phương án kinh doanh rõ ràng. Nếu công ty chưa có báo cáo tài chính đủ mạnh hoặc chưa đáp ứng yêu cầu từ ngân hàng, việc vay vốn sẽ gặp trở ngại.
Dù có một số chương trình hỗ trợ của tỉnh nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn phải chịu mức lãi suất chưa thực sự ưu đãi, dẫn đến việc ngại vay vốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, quy trình xét duyệt khoản vay từ ngân hàng có thể kéo dài, yêu cầu nhiều giấy tờ và xác minh tài chính, gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn mong muốn tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn để giúp họ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Qua đó giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và tạo đòn bẩy đẩy mạnh mở rộng sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc có khoảng 17.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập, đến năm 2030 có khoảng 25.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Cùng với đó, phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 55% GRDP; đến 2030 đạt khoảng 60 - 65% GRDP toàn tỉnh. Phấn đấu năng suất lao động tăng 5%/năm; hằng năm khoảng 30 - 40% doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực tư nhân.