Chủ động chuẩn bị hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2025 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn biến thời tiết phức tạp và dự báo nắng nóng gay gắt; các cơn bão có khả năng đổ bộ vào nước ta nhiều hơn cũng như sẽ có cường độ mạnh hơn, do vậy ảnh hưởng của bão lũ đối với các tỉnh ven biển như Nam Định có thể sẽ nặng nề hơn. Nhằm đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), công tác dự trữ hàng hóa năm 2025 trên địa bàn tỉnh được Sở Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp lên phương án chuẩn bị chu đáo.

Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh luôn đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu ổn định.

Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh luôn đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu ổn định.

Việc dự trữ hàng hóa thiết yếu được Sở Công Thương xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phục vụ PCTT và TKCN. Ngay từ đầu năm, ngành Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, Sở đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn khảo sát nhu cầu tiêu dùng của mỗi địa phương, xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi bão lụt… để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa phù hợp, bảo đảm đúng đối tượng và khu vực cần thiết. Chú trọng rà soát những địa bàn xung yếu, có nguy cơ cao bị chia cắt, ngập úng nặng khi mưa lũ xảy ra để thực hiện tốt kế hoạch dự trữ tại chỗ và xây dựng phương án cung ứng hàng hóa cho các vùng bị cô lập, chia cắt khi thiên tai, bão lũ xảy ra, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng bình thường trong mọi tình huống.

Theo thống kê của Sở Công Thương, các doanh nghiệp đã chuẩn bị dự trữ 3 nhóm hàng hóa cơ bản là lương thực, thực phẩm và xăng dầu với tổng lượng hàng hóa trên 15 nghìn tấn gạo, lương thực các loại; 38.450 thùng mì ăn liền; 24 nghìn thùng nước uống đóng chai; 1.300 thùng lương khô, bánh các loại… Trong đó, Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định dự trữ thường xuyên trên 400 tấn gạo tại tổng kho ở thành phố Nam Định; Công ty TNHH Cường Tân, xã Trực Hùng (Trực Ninh) dự trữ thường xuyên khoảng 1.000 tấn gạo; Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) có khả năng cung ứng 300 tấn gạo. Nhóm các doanh nghiệp chuyên doanh thực phẩm, nông sản chế biến đã chuẩn bị một lượng lớn mì tôm, lương khô, nước uống đóng chai… Các siêu thị: Go!, Lan Chi Mart, Countrymart và các nhà phân phối, đại lý lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Mai Phương, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bắc sông Hồng, Công ty TNHH Huy Hùng… đã chủ động nhập tăng thêm số lượng hàng hóa trong mùa mưa bão nhằm đảm bảo dự trữ thêm một lượng hàng hóa nhất định phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, mô hình cửa hàng tiện lợi như Winmart+, Minmart, Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, Thành Nam Food… đang ngày càng phổ biến và được mở rộng trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo lượng cung ứng hàng hóa cho tiêu dùng của nhân dân trong mùa mưa bão. Các đầu mối kinh doanh xăng, dầu như: Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An, Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Nam Định… cùng 290 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh đã dự trữ khoảng 2 triệu lít xăng dầu; chủ động bám sát nguồn hàng, cung cấp xăng dầu theo hợp đồng đã ký kết, đảm bảo đủ chất lượng, số lượng, chủng loại và đúng kế hoạch cho các thương nhân là tổng đại lý, đại lý nhượng quyền thương mại, không để gián đoạn nguồn cung ứng. Khi các địa bàn bị cô lập do mưa bão, thiên tai thì nguồn xăng dầu mỗi cửa hàng cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của nhân dân trong vùng. Ngoài 3 nhóm hàng thiết yếu, các mặt hàng khác như vật liệu xây dựng, tấm lợp tôn, đinh vít, dây thép cũng được các Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dân Phú, Công ty Cổ phần Vật tư kim khí Tùng Nam và hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng ở các huyện, thành phố duy trì số lượng hàng hóa, cung ứng đầy đủ đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân.

Toàn bộ số hàng hóa trên được các doanh nghiệp phân bổ ở cả 23 siêu thị, 192 chợ truyền thống và hơn 100 cửa hàng tiện lợi bố trí ở khắp các huyện, thành phố tạo sự thuận lợi cung ứng cho người dân khi thiên tai xảy ra. Trường hợp thời tiết diễn ra phức tạp, mưa lũ gây chia cắt kéo dài hơn so với thời gian dự trữ, Sở Công Thương sẽ đề xuất UBND tỉnh huy động sự hỗ trợ của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố lân cận và các tập đoàn cung ứng hàng hóa nông sản lớn trong khu vực, đảm bảo có đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Cùng với việc chuẩn bị lực lượng, phương án cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương cũng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính. Duy trì thông tin báo cáo theo quy định về tình hình thị trường, kịp thời nhận diện hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật có thể phát sinh trong điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt; triển khai kiểm tra, xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ của quản lý thị trường và các vụ việc xử lý các hành vi vi phạm để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

Với sự chủ động của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng, đại lý…, các loại hàng hóa thiết yếu được cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần PCTT và TKCN hiệu quả.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202505/chu-dong-chuan-bi-hang-hoa-thiet-yeutrong-mua-mua-bao-98d7416/
Zalo