Chủ động ứng phó thiên tai trước mùa mưa lũ

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Chỉ thị (02 /CT-BNNMT) về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2025.

Giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở khu vực Biển Đông; tổng lượng mưa dự báo tương đương hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành chỉ thị về việc tăng cường phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ. Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành chỉ thị về việc tăng cường phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ. Ảnh minh họa.

Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung: Tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn (nhất là công tác ứng phó với bão Yagi và mưa lũ sau bão);

Kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng trên địa bàn theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thời gian hoàn thành”, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt, tính liên tục trong thực hiện, không để khoảng trống trong bối cảnh sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi.

Chỉ đạo sở nông nghiệp và môi trường phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình (nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu, những sự cố công trình xảy ra trong bão, lũ năm 2024 nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục) theo phương châm “4 tại chỗ”;

Hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt. Căn cứ phương án được duyệt, chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi; ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong Nhân dân, kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa, lũ...

Hà Nội chủ động ứng phó thiên tai

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội trước đó cũng đã có báo cáo công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2024, 4 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo của năm 2025.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Nguyễn Văn Quyến báo cáo công tác phòng chống thiên tai.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Nguyễn Văn Quyến báo cáo công tác phòng chống thiên tai.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Quyến, trong năm 2024, TP chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão (số 2 và số 3), 16 đợt không khí lạnh, 3 đợt rét đậm rét hại, 13 đợt nắng nóng, 7 đợt mưa lớn, kèm theo các hiện tượng nguy hiểm như sét, lũ rừng ngang, sạt lở đất, dông lốc, mưa đá và cháy rừng.

Thiên tai khiến 9 người thiệt mạng, 28 người bị thương, hơn 45.000 ngôi nhà bị ngập, 12.000ha lúa và 11.000ha hoa màu bị mất trắng. Bão số 3 và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về cây xanh, cơ sở hạ tầng và đời sống Nhân dân khiến hơn 130.000 cây xanh bị gãy đổ, 99ha rừng bị hư hại...

Bước sang năm 2025, Hà Nội tiếp tục đối diện nguy cơ thiên tai phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Do đó, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đến từng quận, huyện, sở, ngành.

Thành phố đã tiến hành rà soát, hoàn thiện các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, thủy lợi, chuẩn bị phương án hộ đê trọng điểm, ngập lụt khu vực ngoại thành và đảm bảo an toàn hồ đập.

Đặc biệt, công tác kiểm kê vật tư, thiết bị, lập kế hoạch mua bổ sung phục vụ công tác ứng phó thiên tai đã được triển khai bài bản. Một số sở, ngành và địa phương như các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, các huyện Thường Tín, Mê Linh, Gia Lâm… đã xây dựng xong phương án PCTT năm 2025; các đơn vị còn lại đang khẩn trương hoàn thiện trước ngày 15/5.

Một điểm nhấn là công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai được tăng cường hiệu quả. Thành phố đã tổ chức 45 lớp tuyên truyền pháp luật về đê điều, thủy lợi, PCTT tại nhiều địa phương; nhiều tài liệu, ấn phẩm như sách hỏi đáp, tờ rơi, pano, băng rôn… được cấp phát rộng rãi...

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/chu-dong-ung-pho-thien-tai-truoc-mua-mua-lu-192250509134010621.htm
Zalo