Chủ động ứng phó với thiên tai

Những năm gần đây, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là mưa đá, dông lốc xảy ra với tần suất ngày càng cao, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chủ động ứng phó, phòng ngừa hiệu quả thiên tai trong năm 2025, nhất là mùa mưa bão sắp tới, huyện Nậm Nhùn tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp.

Với địa hình đồi núi chia cắt mạnh, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều hộ dân vẫn sinh sống ở những khu vực ven sông, suối hoặc có nguy cơ sạt lở cao, huyện Nậm Nhùn luôn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề khi thiên tai xảy ra. Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện ghi nhận 11 đợt mưa lớn kèm dông lốc, sạt lở đất trên diện rộng. Trong đó, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, công trình thủy lợi hư hỏng, hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, hoa màu và vật nuôi của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, xác định phương châm hành động “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, lấy phòng ngừa là cơ bản”; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai. Các xã, thị trấn chủ động rà soát, đánh giá khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, lũ ống, ngập úng; xây dựng phương án ứng phó phù hợp; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư thiết yếu như: máy phát điện, đèn pin, áo phao, xuồng cứu hộ… theo phương châm “4 tại chỗ”. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tăng cường bám sát cơ sở, theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo xây dựng kế hoạch diễn tập phòng, chống thiên tai ở các xã trọng điểm nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng tại chỗ và nhận thức của cộng đồng.

Nhân dân bản Nậm Pồ (xã Nậm Manh) sửa chữa, gia cố nhà ở trước mùa mưa bão.

Nhân dân bản Nậm Pồ (xã Nậm Manh) sửa chữa, gia cố nhà ở trước mùa mưa bão.

Đến thời điểm này, nhiều hộ gia đình trong huyện đã gia cố nhà ở, chằng chống mái tôn, kiểm tra chuồng trại, cống rãnh, chuẩn bị lương thực cần thiết trong mùa mưa bão. Ông Chảo San Sênh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Chà chia sẻ: “Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bà con ý thức hơn trong phòng, chống thiên tai. Nhiều hộ có nhà ở kiên cố còn sẵn sàng hỗ trợ hộ khó khăn ngày công, vật liệu chằng chống, gia cố nhà, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng”.
Tương tự, ở xã Nậm Pì - địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, chính quyền địa phương huy động dân quân, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách sửa chữa, gia cố lại nhà ở. Ông Lò Văn Phiên ở bản Pá Bon tâm sự: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà đã xuống cấp nên rất lo khi có mưa to, gió lớn. Thật mừng là vừa rồi được các cháu đoàn viên, thanh niên và dân quân xã giúp ngày công chằng chống lại mái và tường”.
Trên cơ sở danh sách các điểm có nguy cơ sạt lở, hộ dân sinh sống ở ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt trượt của các xã, thị trấn, huyện Nậm Nhùn đẩy nhanh tiến độ các dự án sắp xếp dân cư; huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng, đảm bảo không để xảy ra sự cố trong mùa mưa bão.
Nhằm nâng cao hiệu quả cảnh báo thiên tai, UBND huyện giao Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tăng cường phát sóng các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền lưu động, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai cho người dân bằng nhiều hình thức, đảm bảo dễ hiểu. Kiểm tra, chằng chống biển quảng cáo, pa-nô, bảng hiệu; xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, giao thông. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được kiểm tra, gia cố để đảm bảo an toàn khi có dông lốc, mưa lớn xảy ra. Trong sản xuất nông nghiệp, chỉ đạo thu hoạch sớm các loại cây trồng đến kỳ có nguy cơ ngập úng, hư hại; hướng dẫn nông dân che chắn cây trồng, gia cố chuồng trại và bảo vệ vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Huyện xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và quan trọng. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, ban, ngành duy trì chế độ trực ban, theo dõi sát diễn biến thời tiết, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra”.

Chu Nguyễn Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ban-doc-viet/chu-dong-ung-pho-voi-thien-tai-1248499
Zalo