Chống ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Cần cơ chế đặc thù cho vùng phát thải thấp
Giới chuyên gia cho rằng để cải thiện ô nhiễm không khí, cần phải thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù cho Hà Nội triển khai vùng phát thải thấp hiệu quả.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp, vừa qua, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm từ giao thông.
Mặc dù đây chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí, song theo giới chuyên gia, hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước nên cần phải thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù cho Hà Nội, để mô hình này phát huy hiệu quả.
Kinh nghiệm từ các thành phố lớn trên thế giới
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay thời gian qua, trên thế giới có rất nhiều nước đã triển khai vùng phát thải thấp. Ví dụ tại châu Âu, đã có hơn 300 vùng phát thải thấp. Rất nhiều nước (như Anh, Pháp, Đức,…) đã thành công với mô hình này.
Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm tại các thành phố cho thấy kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai và đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng, hành động đúng.
Dưới góc độ người làm khoa học, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đức Lượng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) khẳng định các nhà khoa học luôn sẵn sàng đồng hành các cơ quan liên quan tìm ra các giải pháp có tính khả thi để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội.
“Chúng tôi cũng đã tiến hành một số nghiên cứu tại các nước đã thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí. Ví dụ như tại Bangkok, Thái Lan (một nơi có nhiều điều kiện tương đồng về kinh tế xã hội với Việt Nam). Bangkok cũng có nhiều nguồn thải từ phương tiện cá nhân, trong đó có phương tiện truyền thống là xe tuk tuk là vấn đề nóng. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, chính quyền Bangkok đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp về quản lý như năm 2022 thí điểm dự án vùng phát thải thấp tại quận Pathum Wan - nơi có mức độ ô nhiễm nhất,” ông Lượng chia sẻ.
Đáng chú ý, việc thí điểm vùng phát thải thấp ở Bangkok không chỉ dừng lại ở việc hạn chế phương tiện, khuyến khích giao thông công cộng, mà còn có những chiến dịch xanh hướng đến nhiều bên liên quan, cộng đồng xanh, văn phòng xanh, trung tâm thương mại xanh,... trong vùng phát thải thấp.
Cùng với đó, theo ông Lượng, chính quyền thành phố Bangkok thực hiện quan trắc thường xuyên trong vùng phát thải thấp, liên tục truyền thông kết quả đến người dân. Người dân được biết chất lượng không khí cải thiện dần, từ đó họ thấy lợi ích và nâng cao ý thức về môi trường.
Hay như tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hồi tháng 9/2017, đã triển khai thí điểm đề án vùng phát thải thấp tại một số quận, thành phố. Trong đó, Bắc Kinh tập trung vào việc giảm nguồn thải giao thông như: Tăng giao thông công cộng, sử dụng nhiên liệu sạch, cấm phương tiện có nguy cơ ô nhiễm cao, kiểm soát nguồn thải xây dựng. Đến cuối 2021 đã có 92% các quận, thành phố trực thuộc thành phố Bắc Kinh (hơn 300 quận, thành phố) đã thực hiện các giải pháp vùng phát thải thấp.
Phải hành động ngay, bắt đầu ngay
Đúc rút bài học kinh nghiệm từ thế giới, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng để đảm bảo thực hiện vùng phát thải thấp thành công thì cần phải đảm bảo các điều kiện: Có định nghĩa rõ ràng về mục tiêu; có tầm nhìn về giao thông; có truyền thông sâu rộng về vùng phát thải thấp; có chiến lược thực hiện hiệu quả và công bằng; có chương trình giám sát; có chương trình hỗ trợ các đối tượng bị tổn thương; và có biện pháp bổ sung các phương tiện giao thông công cộng xanh.
Ông Tùng cũng lưu ý bên cạnh thách thức thì cơ hội trong “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí cũng rất nhiều, bởi việc này đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Hà Nội; nhất là việc ban hành Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp và Luật Thủ đô. Đây là cơ hội để thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội và đặc thù cho Hà Nội.
Bên cạnh đó còn có sự chung tay đồng lòng của các doanh nghiệp Việt Nam với nhiều chiến dịch để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc cả nước triển khai giải pháp thu phí không dừng, các giải pháp phương tiện thông minh, ứng dụng AI vào hệ thống điều khiển phương tiện giao thông,... cũng góp phần hỗ trợ thực hiện vùng phát thải thấp.
Trước mắt, ông Tùng khuyến nghị Hà Nội cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án. Đặc biệt, các giải pháp phải đi trước hành động theo cơ chế "win - win."
“Ví dụ như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận như thế nào, giảm giá giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện. Ngoài ra, cần phải chú ý đến các vấn đề liên quận để tăng cường năng lực thực hiện,” ông Tùng chia sẻ.
Có chung quan điểm, bà Nguyễn Hoàng Ánh - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng giao thông xanh là giải pháp cần thiết, song cần phải có góc nhìn rộng bởi giao thông xanh là hành vi ứng xử: Từ phương tiện, quy trình vận hành, người vận hành,... đến yếu tố ngoại cảnh, tích hợp lại thành văn hóa giao thông xanh.
“Cơ chế chính sách, khung pháp lý chung đã được hình thành, giờ phải thực hành nó. Qua các bài học thí điểm của Hà Nội thực hành, rồi mới biết nó hổng ở đâu, người dân, doanh nghiệp, chính quyền được hưởng lợi gì? Từ đó phân tích thiếu hụt trong hệ thống chính sách, đang thiếu gì để tất cả đều win. Do đó phải hành động ngay, bắt đầu ngay,” bà Phương nhấn mạnh.
Vị đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cũng lưu ý rằng không nên nhìn mọi thứ toàn màu xanh, bởi trước mặt chúng ta rất ô nhiễm. Do vậy cần hành động ngay. Và sau khi thí điểm phải triển khai rộng hơn.
“Quốc hội, Chính phủ rốt ráo rồi, đã đưa kiểm soát không khí vào chương trình giám sát của Quốc hội. Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Chúng tôi đã sẵn sàng, dự kiến trình vào quý III/2025,” bà Phương nói thêm./.
Theo Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố Hà Nội, vùng phát thải thấp là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D - F theo TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế; chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) đối với các thông số chính: SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2,5.