Cuộc điện thoại của mẹ đẻ trong kỳ nghỉ lễ khiến tôi cắn chặt môi không dám bật khóc

Nghỉ lễ nhưng lòng tôi không được vui. Tôi nghĩ đến mẹ, không biết bố mẹ ở nhà ra sao, mẹ có còn nhắc đến tôi trong bữa cơm không…

Tôi mới kết hôn nửa năm, vẫn còn đang tập làm quen với vai trò của một người vợ, người con dâu mới. Từ khi lấy chồng, cuộc sống của tôi thay đổi gần như hoàn toàn. Những điều từng quen thuộc nay đã trở thành xa xỉ, ngay cả việc về thăm bố mẹ đẻ, điều tưởng chừng giản đơn đôi khi cũng trở nên thật khó khăn.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tôi được nghỉ 5 ngày nhưng không đi đâu cả. Nhà bố mẹ tôi cách nhà chồng chỉ hơn 40 cây số, song tôi vẫn đành ngậm ngùi ở lại. Chồng tôi không cấm tôi về ngoại, anh bảo "nếu muốn thì cứ về", nhưng tôi hiểu điều đó chỉ là một câu xã giao.

Vì trong ánh mắt, trong thái độ của cả gia đình chồng, tôi vẫn cảm nhận được sự kỳ vọng: Dâu mới thì nên ở nhà lo cơm nước, tiếp họ hàng, thể hiện mình là người vợ hiền, dâu thảo. Tôi chọn im lặng, không cố đòi về, tuy nhiên trong lòng tôi thấy buồn đến lạ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tôi nhớ mẹ tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ tảo tần, cả đời hy sinh vì chồng con, chưa một lần đòi hỏi gì cho riêng mình. Khi tôi chuẩn bị về nhà chồng, mẹ đã dặn tôi đủ điều: "Làm dâu phải nhịn một chút, đừng để ai buồn. Có khổ cũng cố gắng, đừng để người ta nói con gái mẹ không biết điều".

Những lời ấy, tôi vẫn ghi nhớ từng chữ. Nhưng mẹ có biết rằng, đôi khi, những hy sinh thầm lặng ấy lại khiến lòng tôi chênh vênh nhường nào.

Khi còn ở nhà, mỗi kỳ nghỉ lễ là một dịp sum vầy. Nhà tôi không đi du lịch xa, chỉ đơn giản là những bữa cơm đông đủ, tiếng cười rộn ràng của mọi người trong gia đình.

Giờ tôi về làm dâu trong một gia đình nề nếp và truyền thống, nơi mà mọi thứ đều phải được sắp đặt theo tôn ti trật tự và có những "luật" bất thành văn mà ai cũng phải tuân theo, nhất là con dâu mới.

Vì vậy, ngay ngày đầu của kỳ nghỉ lễ, tôi dậy sớm hơn thường lệ, phụ mẹ chồng nấu nướng, bày biện mâm cỗ. Khách khứa đến nhà rôm rả, ai cũng khen tôi nhanh nhẹn, khéo tay. Tôi mỉm cười đáp lại, cố gắng giữ vẻ vui tươi.

Nhưng chỉ cần một khoảnh khắc lặng người, lòng tôi lại chùng xuống. Tôi nghĩ đến mẹ – không biết mẹ đã nấu món gì hôm nay, bố có còn nhắc đến tôi trong bữa cơm không, em trai tôi có hỏi "chị không về hả mẹ".

Buổi tối, mẹ gọi điện cho tôi. Mẹ vẫn giữ giọng hồ hởi thường ngày: "Nghỉ lễ có vui không con? Ở nhà chồng nhớ giữ gìn sức khỏe nhé". Tôi cố cắn chặt môi để không bật khóc, chỉ dám đáp khẽ: "Vui mẹ ạ. Ở đây mọi người thương con lắm". Mẹ không hỏi sao tôi không về và tôi biết mẹ hiểu. Nhưng chính sự thấu hiểu im lặng đó lại khiến tôi xót xa hơn cả.

Đêm nằm, tôi cứ trằn trọc mãi. Tôi hiểu, làm dâu là một hành trình học làm người lớn – học cách chấp nhận, nhẫn nhịn và đôi khi là cả hy sinh. Tôi không trách ai cả. Nhà chồng không ghét bỏ gì tôi, ngược lại, mọi người đối xử với tôi rất đàng hoàng. Nhưng có lẽ, thứ khiến tôi buồn không phải là cách người khác đối xử với mình, mà là cảm giác mình đang dần rời xa những điều từng rất thân thuộc, mà không thể níu giữ.

Tôi biết, thời gian sẽ giúp tôi quen dần. Có thể vài năm nữa, tôi sẽ không còn quá xúc động mỗi dịp lễ về, có thể tôi sẽ thành thạo hơn trong vai trò làm dâu, làm mẹ. Nhưng có một điều tôi mong lắm – là xã hội sẽ dần cởi mở hơn với những nàng dâu mới như tôi, để chúng tôi được phép sống thật với cảm xúc, được phép nhớ nhà và quan trọng hơn cả, được về nhà mà không cần phải lo sợ, phải nhìn sắc mặt của người khác!

H.T

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cuoc-dien-thoai-cua-me-de-trong-ky-nghi-le-khien-toi-can-chat-moi-khong-dam-bat-khoc-172250503161930047.htm
Zalo