Chọn ngành nào để được miễn học phí?

Ngoài các ngành đã được miễn, giảm học phí theo quy định, một số ngành học khác cũng đã được đề xuất để giảm gánh nặng kinh tế cho người học.

 Nhiều ngành học miễn học phí, trợ cấp chi phí học tập cho sinh viên. Ảnh: Khương Nguyễn.

Nhiều ngành học miễn học phí, trợ cấp chi phí học tập cho sinh viên. Ảnh: Khương Nguyễn.

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, một số ngành sư phạm được miễn học phí, bao gồm: Sư phạm mầm non, Sư phạm tiểu học và ngành sư phạm các môn học ở bậc THCS công lập, Giáo dục THPT, Giáo dục đặc biệt, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh.

Trong khi đó, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Như vậy, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản là học phí và sinh hoạt phí.

Mức hỗ trợ hàng tháng dành cho sinh viên là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tại trường. Mỗi năm học, sinh viên được hỗ trợ 10 tháng, tương đương 10 tháng học tập.

Tuy nhiên, sinh viên lưu ý nếu đã được hưởng chính sách nhưng không thực hiện công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm hoặc đủ 2 năm, tính kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo quy định.

Bên cạnh sư phạm, các trường công an, quân đội cũng nằm trong chính sách hỗ trợ 100% học phí cho sinh viên theo học theo quy định của Nhà nước.

 Các ngành khoa học cơ bản, bán dẫn được đề xuất miễn học phí cho sinh viên. Ảnh: Phương Lâm.

Các ngành khoa học cơ bản, bán dẫn được đề xuất miễn học phí cho sinh viên. Ảnh: Phương Lâm.

Ngoài học phí, sinh viên còn được phụ cấp sinh hoạt phí, tiền ăn và khi tốt nghiệp, sinh viên được phân công nhiệm vụ, bổ nhiệm công tác. Tuy nhiên, các chính sách trên chỉ áp dụng với hệ quân sự của các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp của công an, quân đội.

Còn theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, sinh viên thuộc một số ngành/chuyên ngành sau đây sẽ được miễn 100% học phí:

Chuyên ngành Mác-LêNin
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chuyên ngành Lao
Phong
Tâm thần
Giám định pháp y
Pháp y tâm thần
Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Luật khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (thay thế cho luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009) quy định thêm 2 ngành được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học là Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu.

Tuy nhiên, một lưu ý là sinh viên phải đạt kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước mới được miễn học phí.

Các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cũng được miễn 100%.

Cụ thể, tổng số 36 ngành, lĩnh vực được liệt kê trong danh mục bao gồm: Kỹ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế, dân ca, chèo, tuồng, cải lương, múa dân gian dân tộc, dân ca quan họ, diễn viên múa, biên đạo múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đờn ca nhạc tài tử Nam bộ, nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, kỹ thuật sơn mài và khảm trai, công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển, công nghệ sản xuất sản phẩm từ cao su, chế biến mủ cao su, kiểm lâm, kiểm ngư, xử lý rác thải, cấp thoát nước, xây dựng cầu đường.

Ngoài các ngành học nêu trên, nhiều ngành khác cũng đang được đề xuất miễn, giảm học phí để giảm gánh nặng cho người học. Ví dụ, vào đầu năm 2025, Bộ Y tế mới có đề xuất với Chính phủ về việc hỗ trợ học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y nhằm thu hút người học trong bối cảnh ngành này đang thiếu nhân lực về cả số lượng và chất lượng.

Cùng thời gian này, Bộ GD&ĐT cũng nghiên cứu, đề xuất về chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành bán dẫn, đồng thời triển khai mô hình liên kết để đào tạo nhân lực cho ngành này.

Dự kiến trong năm 2025, bộ sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.

Đến tháng 4/2025, Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất miễn học phí cho sinh viên ngành khoa học cơ bản.

Theo đó, trường đề xuất miễn học phí, cấp học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học theo học các ngành khoa học cơ bản, cùng với đó là thu hút, tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành làm việc tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chon-nganh-nao-de-duoc-mien-hoc-phi-post1552922.html
Zalo