Bộ Nội vụ yêu cầu điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu sau sáp nhập

Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, nghiên cứu chính sách hỗ trợ với giáo viên trong diện điều chuyển.

Ngày 13/5, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 2317 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức đang công tác trong ngành giáo dục và y tế.

Bộ Nội vụ yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên và viên chức y tế.

Bộ Nội vụ yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên và viên chức y tế.

Theo đó, để đáp ứng yêu cầu cần thiết bố trí giáo viên và viên chức y tế phục vụ giảng dạy và chăm sóc sức khỏe tại địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên, viên chức y tế được cấp có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần sự phân cấp hợp lý giữa chính quyền địa phương các cấp, bảo đảm phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và định hướng sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ Nội vụ đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyển dụng giáo viên tại các trường phổ thông, mầm non và viên chức làm việc tại các cơ sở y tế trong tổng số chỉ tiêu biên chế được giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, phù hợp với nhu cầu của địa phương, đặc biệt là số biên chế giáo viên được bổ sung giai đoạn 2022-2026.

Các tỉnh cũng phải thực hiện việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại công văn 03 ngày 15/4.

Riêng với lĩnh vực giáo dục, Bộ Nội vụ đề nghị cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên như nghiên cứu, dự báo tốt quy mô dân số trong độ tuổi đi học của từng cấp, bậc học tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục.

Các địa phương cần thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng, có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên (bao gồm: sinh viên sư phạm, sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên...) về công tác tại địa phương.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng được yêu cầu rà soát số giáo viên được đào tạo ra trường chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, lập kế hoạch, ký hợp đồng đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục đại học được giao đào tạo giáo viên thực hiện đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

"Các địa phương cần rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối với những giáo viên trong diện điều chuyển, đặc biệt là những người làm việc tại vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận tiện... và cam kết tiếp nhận lại sau khi hết thời hạn điều chuyển nếu giáo viên có nhu cầu", văn bản nêu.

Bộ Nội vụ cũng gợi ý việc đặt hàng, giao nhiệm vụ tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tại các địa bàn có điều kiện xã hội hóa, kinh tế - xã hội phát triển, khu công nghiệp tập trung đông dân cư nhằm tăng số lượng cơ sở giáo dục công lập thực hiện tự chủ, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Đồng thời đẩy mạnh phân cấp cho các cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng hoặc ký hợp đồng giáo viên theo định mức, bảo đảm kịp thời khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-noi-vu-yeu-cau-dieu-chuyen-giao-vien-tu-noi-thua-sang-noi-thieu-sau-sap-nhap-ar943041.html
Zalo