Chọn metro đi học, đi làm

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, trong ngày thứ hai (ngày 23-12) vận hành thương mại, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đón khoảng 20.000 lượt hành khách. Trong đó, có nhiều hành khách là sinh viên, nhân viên văn phòng... quyết định chuyển sang sử dụng metro thay cho phương tiện cá nhân. Nhiều người còn nói rằng họ đang cân nhắc chuyển nhà đến gần các ga metro để tiện đi làm mỗi ngày.

Nhanh, an toàn

Sinh viên Võ Văn Hoàng (ngụ đường số 10A, ấp 47, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, đang học tại Đại học Quốc gia TPHCM), chia sẻ về lần đầu tiên đi học bằng metro. Hoàng khởi hành lúc 5 giờ 30 bằng xe buýt số 152, sau 20 phút đến trạm Hàm Nghi, rồi di chuyển vào ga Bến Thành. Chỉ sau 25 phút trên tàu, Hoàng đã đến ga Đại học Quốc gia, nhanh hơn rất nhiều so với đi bằng xe máy.

Hoàng hào hứng nói: “Metro không chỉ nhanh mà còn rẻ, chỉ 150.000 đồng/tháng, tiết kiệm hơn nhiều so với chi phí đi xe máy”.

 Hành khách chờ tàu metro số 1 tại ga Phước Long, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hành khách chờ tàu metro số 1 tại ga Phước Long, TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chị Nguyễn Thị Kim Nhạn (sống gần Khu Du lịch Suối Tiên) từng mất hơn 55 phút để đến nơi làm việc ở quận 5 bằng xe máy. Giờ đây, chị chỉ mất 26 phút cho hành trình 17km. Chị Nhạn chia sẻ: “Trên tàu tôi có thể thư giãn, ngắm cảnh, không còn lo khói bụi, kẹt xe hay thời tiết. Khi tuyến metro thu phí, với vé tháng khoảng 300.000 đồng, tôi thấy còn rẻ hơn nhiều so với việc đi xe cá nhân”.

Anh Trần Thanh Chương (làm việc tại Khu Công nghệ cao TPHCM) đánh giá: “Metro chạy đúng giờ, không bị ảnh hưởng bởi ùn tắc giao thông, giúp tôi tiết kiệm thời gian và giảm căng thẳng khi di chuyển bằng xe cá nhân”.

 Nhiều thanh niên nhường ghế cho người lớn tuổi trên chuyến metro vào trưa 23-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhiều thanh niên nhường ghế cho người lớn tuổi trên chuyến metro vào trưa 23-12. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những ngày đầu khai trương, không khí trên các chuyến tàu metro khá nhộn nhịp. Nhiều hành khách cho biết, ngoài tốc độ và sự tiện lợi, metro còn tạo điều kiện để họ sống khỏe mạnh hơn nhờ việc đi bộ hoặc đạp xe đến các nhà ga.

Anh Nguyễn Trí Tuấn, kỹ sư công nghệ thông tin làm việc tại TP Thủ Đức, cho biết, với giá vé hợp lý, metro phù hợp với nhiều đối tượng, từ học sinh, sinh viên đến người đi làm. Dịch vụ gửi xe tại các nhà ga chỉ 4.000 đồng/lượt cũng tạo điều kiện thuận lợi để kết hợp giữa xe cá nhân và metro.

Không nên tập trung quá đông tại ga Bến Thành

Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, cho biết trong ngày đầu vận hành thương mại, tuyến metro số 1 đã đón 150.000 lượt hành khách. Do lượng hành khách đổ về ga Bến Thành tăng đột biến, khiến nhiều chuyến tàu xuất phát từ ga này quá tải nên đã không đón thêm khách ở các ga khác trên tuyến tàu. Điều này khiến hành khách chờ nhiều giờ đồng hồ tại các ga.

Để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng quá tải, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 sẽ tăng cường các biện pháp bổ trợ như tăng cường thông tin qua loa phát thanh, màn hình điện tử và hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên nhà ga sẽ được triển khai.

 Xe buýt điện kết nối với ga Bình Thái. Ảnh: QUỐC HÙNG

Xe buýt điện kết nối với ga Bình Thái. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bên cạnh đó, công ty khuyến cáo người dân ngày lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch không nên tập trung quá đông tại ga Bến Thành, đặc biệt vào giờ cao điểm như sáng (6g30 - 8g30) và chiều (17g - 19g). Người dân có thể tận dụng các ga lân cận hoặc các điểm kết nối để lên tàu thay vì tập trung quá đông tại ga Bến Thành.

Hành khách chú ý tuân thủ quy định tại các nhà ga như không chen lấn, xô đẩy tại các lối vào, thang cuốn hoặc trên tàu; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khu vực nhà ga và tuân thủ hướng dẫn của nhân viên; không tụ tập chụp ảnh hoặc đứng lâu tại các khu vực công cộng, tránh ảnh hưởng đến luồng di chuyển của những người khác.

61 tuyến xe buýt kết nối với nhà ga

Hiện nay có 61 tuyến xe buýt kết nối với nhà ga tuyến metro số 1. Trong đó, 44 tuyến xe buýt hiện hữu và 17 tuyến mở mới có số từ 153 đến 169.

Trong 61 tuyến có 27 tuyến xe buýt để người dân từ các huyện ngoại thành có thể đến ga trung tâm Bến Thành, quận 1. Cụ thể, từ 2 huyện Cần Giờ, Nhà Bè và quận 7 có thể đón tuyến xe buýt số 75, 102, 34, 31, 44. Bên cạnh những tuyến trên, hành khách từ huyện Nhà Bè và quận 7 có thêm lựa chọn với 3 tuyến 20, 72, 139.

Từ khu vực quận 5, 6, hành khách có thể đón các tuyến xe buýt số 01, 39, 53, 56… đến ga Bến Thành. Từ quận Gò Vấp, Bình Thạnh, đón khách là các tuyến số 18, 19… Khu vực huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Tân Bình, khách có thể lên các tuyến buýt số 04, 13, 27… để đến ga Bến Thành.

Tại ga Bến Thành, hành khách được khuyến cáo di chuyển ra cửa số 5 hoặc số 6 để thuận tiện tiếp cận trạm trung chuyển xe buýt Hàm Nghi, nơi có nhiều tuyến buýt kết nối với các khu vực trong thành phố.

Khách đi xe buýt đến ga Nhà hát Thành phố có thể chọn tuyến số 3, 19, 45 vì đều có trạm dừng trên đường Hai Bà Trưng và tuyến xe buýt điện số 155 kết nối trực tiếp. Khách đi xe buýt đến ga Ba Son có thể đón các tuyến xe buýt số 44, 56, 88. Những tuyến này đều có lộ trình qua trạm đường Tôn Đức Thắng và tuyến xe buýt điện 155 kết nối trực tiếp.

Khách đi xe buýt đến ga Tân Cảng có thể đón tuyến số 159, 160, 161.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chon-metro-di-hoc-di-lam-post774551.html
Zalo