Vướng mắc về vốn, đơn giá tại tuyến metro số 2 TP.HCM
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại TP.HCM đã có 99% mặt bằng 'sạch', nhưng chưa thể khởi công trong năm 2025, vì chưa bố trí được vốn ngân sách và gặp vướng mắc liên quan đến đơn giá các gói thầu.
Sớm nhất năm 2026 mới khởi công
Sau gần 2 tuần đưa tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi vào vận hành chính thức, lượng khách dùng phương tiện công cộng này đã đạt cột mốc hơn 1 triệu lượt khách. Điều này cho thấy, người dân Thành phố rất mong chờ việc đưa vào vận hành các tuyến metro tiếp theo và trước mắt là tuyến số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) gửi UBND Thành phố vào giữa tháng 12/2024, Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Trong đó, hạng mục khó khăn và kéo dài thời gian nhất là giải phóng mặt bằng đã hoàn thành gần 99%. Các đơn vị đang tiến hành di dời các công trình điện; cấp nước; thoát nước, biển báo… tại 12 vị trí, dự kiến hoàn thành vào cuối quý II/2025.
Dự án metro số 2 có 8 gói thầu xây lắp, trong đó gói thầu xây dựng Tòa nhà văn phòng depot Tham Lương (Gói thầu CP1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các gói thầu chính là xây dựng đường tàu và nhà ga hiện chưa khởi công.
Theo báo cáo của MAUR, các gói thầu tư vấn luật chung đang vướng mắc đơn giá thị trường, nên chưa duyệt được dự toán để tổ chức đấu thầu. Ngoài ra, MAUR đang triển khai các thủ tục hòa giải thương mại các vấn đề tồn đọng để tiến tới hoàn thành, thanh lý Hợp đồng CS2 - Tư vấn thực hiện Dự án (IC) và Hợp đồng Tư vấn chương trình phát triển xã hội và xu hướng phát triển về giới (CS3).
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là vốn thực hiện Dự án, cuối tháng 11/2024, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM ra thông báo kết luận thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách thành phố để đầu tư Dự án, thay vì tiếp tục dùng vốn vay ODA.
Ngay sau đó, đầu tháng 12/2024, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) có văn bản gửi UBND Thành phố báo cáo về phương thức huy động vốn để đầu tư tuyến metro số 2. HFIC nhận định, giai đoạn 2026-2030, với nhu cầu vốn 28.849 - 29.817 tỷ đồng, khả năng cân đối ngân sách thành phố bố trí cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 từ nguồn phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với khối lượng như trên là cần thiết và đáp ứng nhu cầu cho Dự án.
Theo nhận định của HFIC, với khối lượng dự kiến phát hành trái phiếu chính quyền địa phương lên đến 30.669 tỷ đồng trong giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư dự án metro 2, thì phương thức bảo lãnh phát hành khó có thể thực hiện được, nên phương thức đấu thầu phát hành sẽ phù hợp hơn. Vì vậy, HFIC đề xuất, cần xây dựng kế hoạch phát hành phân kỳ theo năm phù hợp với tiến độ và nguồn vốn thực tế của Dự án để đảm bảo tính khả thi của phương án phát hành và hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Liên quan đến tiến độ Dự án sau khi chuyển sang dùng vốn ngân sách, theo tính toán của MAUR, trường hợp đấu thầu song song với quá trình điều chỉnh Dự án, thì sẽ khởi công gói thầu chính sớm nhất vào năm 2026.
Sự chậm trễ tuyến số 1 là bài học để làm nhanh hơn tuyến số 2
So với việc thi công tuyến metro số 1 trước đây, đến thời điểm này, tuyến metro số 2 đã có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, như đã có mặt bằng “sạch” 99%, tòa nhà văn phòng và depot Tham Lương đã hoàn thành. Mặt khác, từ việc đầu tư tuyến metro số 1, quá trình làm thủ tục và năng lực quản lý dự án của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ rút ra được nhiều bài học quý.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km, kéo dài từ trung tâm TP.HCM về cửa ngõ phía Tây Bắc, đi qua 6 quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12. Dự án sẽ đi ngầm 9,2 km, còn lại đi trên cao. Toàn tuyến có 10 nhà ga, trong đó 9 ga ngầm, một ga trên cao.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án hoàn thành năm 2016, nhưng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến vốn vay ODA, nên bị chậm tiến độ. Mới đây nhất, TP.HCM xin lùi tiến độ Dự án đến năm 2030.
Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban MAUR cho biết, tuyến metro số 1 chính thức vận hành là tiền đề để thúc đẩy đầu tư tuyến metro số 2. Hiện nay, các công việc chuẩn bị đầu tư tuyến metro số 2 đang được gấp rút triển khai.
Theo Trưởng ban MAUR, Dự án metro số 1 đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm để làm tuyến metro số 2 nhanh hơn. Trong đó, có 2 yếu tố quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng và công tác chuẩn bị hợp đồng, pháp lý, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên.
Việc TP.HCM quyết định dùng vốn ngân sách để đầu tư tuyến metro số 2 thay cho vốn ODA, theo đánh giá của nhiều sở, ngành của Thành phố, sẽ rút ngắn được quá trình làm thủ tục và thúc đẩy khởi công Dự án sớm hơn. Đặc biệt, theo MAUR, việc chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách sẽ giúp MAUR linh hoạt trong áp dụng nhóm cơ chế chính sách để thực hiện tuyến metro số 2 nhanh hơn.
Từ những bất cập trong đầu tư tuyến metro số 1, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, việc TP.HCM quyết định dùng ngân sách để đầu tư tuyến metro số 2 là định hướng chiến lược lâu dài giúp tự chủ nguồn lực để đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, thay vì trông chờ vào nguồn vốn vay ODA.
“Khi đầu tư bằng vốn ngân sách, thủ tục đầu tư sẽ đơn giản hơn và rút ngắn được quy trình triển khai so với nguồn vốn vay ODA. Hơn nữa, TP.HCM có quyền lựa chọn công nghệ, thiết bị, nhà thầu, kể cả việc chọn nhà thầu trong nước để thuận lợi cho quá trình vận hành, bảo trì mạng lưới metro sau này”, ông Hiển nêu ý kiến.