Chọn cổ phiếu chờ sóng cuối năm

Thị trường chứng khoán trong nước trầm lắng được cho là cơ hội để mua tích lũy cổ phiếu

Khoảng 1 tháng nay, anh Minh Nam - nhà đầu tư chứng khoán lâu năm ở TP HCM - không lướt sóng cổ phiếu nào mà chỉ mua tích lũy mỗi khi giá giảm mạnh. Danh mục cổ phiếu của Nam gồm một vài mã ở nhóm chứng khoán, đầu tư công và bất động sản - tất cả đều đang lỗ nhưng anh vẫn tin vào cơ hội từ nay tới cuối năm. "Tôi nắm giữ cổ phiếu nhiều tháng nay vì thấy lướt sóng giai đoạn này quá khó" - anh Nam giải thích.

Đang tạo đáy?

Nhiều nhà đầu tư khác cũng thừa nhận mua bán cổ phiếu ngắn hạn - lướt sóng trong giai đoạn này là không đơn giản. Không ít nhà đầu tư bắt đầu tin vào lý thuyết "thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn". Vì vậy, họ chọn cách mua cổ phiếu tốt, tiềm năng rồi "tắt app", chờ thị trường sôi động sẽ chốt lời.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng nhà đầu tư cần duy trì tầm nhìn dài hạn, khi thị trường điều chỉnh là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu. Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi.

Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố hỗ trợ, như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến hạ lãi suất điều hành khoảng 0,75 điểm % trong những tháng cuối năm; áp lực tỉ giá và lạm phát hạ nhiệt giúp Ngân hàng Nhà nước có điều kiện chuyển hướng mục tiêu sang ưu tiên tăng trưởng kinh tế, gia tăng cung tiền và duy trì mặt bằng lãi suất ở vùng thấp. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết tiếp tục cải thiện và sự tiến triển trong tiến trình nâng hạng thị trường. Đỉnh thị trường luôn xuất hiện trong giai đoạn giao dịch sôi động và đáy hình thành khi thanh khoản trầm lắng…

Tại talkshow chứng khoán với chủ đề "Cơ hội nào cho chứng khoán cuối năm?" do Báo Người Lao Động tổ chức tuần qua, các chuyên gia đã phân tích những cơ hội ở các nhóm ngành cụ thể để nhà đầu tư thêm góc nhìn trong việc lựa chọn cổ phiếu.

Ông Lê Tự Quốc Hưng, Trưởng Phòng Cao cấp, Trung tâm Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nhận định triển vọng VN-Index lên 1.300 điểm là có thể dù trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn. Lúc này, nếu nhà đầu tư chọn phương án nắm giữ cổ phiếu lâu hơn và "chịu nhiệt" trong ngắn hạn thì sẽ có thành quả vào cuối năm, đến từ triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của DN nửa cuối năm có thể đạt 2 con số.

"Nếu VN-Index giảm sâu hơn, đây sẽ là cơ hội mua tích lũy cổ phiếu, với chiến lược phân bổ tài sản phù hợp mức độ rủi ro của từng nhà đầu tư" - ông Hưng nhìn nhận.

Nhà đầu tư ngày càng khó lựa chọn cổ phiếu để mua bán trong bối cảnh thị trường ảm đạm, dòng tiền cạn kiệt Ảnh: Hoàng Triều

Nhà đầu tư ngày càng khó lựa chọn cổ phiếu để mua bán trong bối cảnh thị trường ảm đạm, dòng tiền cạn kiệt Ảnh: Hoàng Triều

"Soi" nhóm ngành cổ phiếu

Thực tế, thanh khoản của thị trường chứng khoán hiện nay không tích cực khi giá trị giao dịch mỗi phiên chưa tới 15.000 tỉ đồng, chỉ bằng một nửa so với những tháng trước. Đáng lưu ý, trong 2 phiên cuối tuần ngày 12 và 13-9, thanh khoản mỗi phiên chỉ đạt 11.000 - 12.000 tỉ đồng - mức thấp kỷ lục nhiều tháng qua.

Ông Trần Quốc Toàn - Giám đốc Chi nhánh 2, Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset - cho rằng thanh khoản hiện tại không tốt cho thị trường. Định giá P/E của VN-Index hiện không rẻ nhưng hợp lý. Kỳ vọng thị trường bùng nổ vẫn có thể xảy ra với những yếu tố tích cực hỗ trợ từ việc lãi suất duy trì ở mức thấp; quy định về tháo nút thắt cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không cần ký quỹ (pre-funding) có thể được triển khai sớm vào cuối tháng 9; FED giảm lãi suất…

Trong các nhóm cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng nhóm ngân hàng sẽ tích cực hơn sau giai đoạn tích lũy từ 6 tháng tới 1 năm. Ông Phan Thành Nghiệp, Giám đốc khách hàng cao cấp Chi nhánh TP HCM - Công ty Chứng khoán DNSE, cũng đồng ý quan điểm trên. Ông dẫn chứng một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, STB, VPB đang có mức định giá P/B dưới 1,2 - một tiêu chí an toàn để mua nắm giữ trung và dài hạn.

"Những khó khăn của ngành ngân hàng đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian qua. Khi giá cổ phiếu đã tạo đáy và nhà đầu tư xác định nắm giữ dài hạn sẽ là cơ hội, với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sáng hơn vào cuối năm" - ông Lê Tự Quốc Hưng nhận định.

Tuy vậy, TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, lại có góc nhìn khác. Ông cho rằng tín dụng từ nay tới cuối năm dự báo tăng trưởng mạnh mẽ có thể giúp lợi nhuận ngân hàng duy trì ở mức khả quan. Tuy nhiên, điều cần quan tâm là thông tư về cơ cấu lại nợ của ngành ngân hàng sẽ có hiệu lực đến hết năm 2024, sau đó bức tranh nợ xấu sẽ thế nào?

TS Vũ phân tích: "Lợi nhuận của nhiều ngân hàng trước đây có sự đóng góp lớn từ mảng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Đến nay, phân khúc này vẫn còn khó khăn, tác động tới thu nhập ngoài lãi. Do đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ khó có bứt phá".

Trong khi đó, chuyên gia của VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư nên tận dụng giai đoạn này để gia tăng tỉ trọng cổ phiếu quanh vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Nhà đầu tư nên quan tâm cổ phiếu của những nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng tích cực vào cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ), bất động sản khu công nghiệp…

Vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn

Giá vàng liên tục lập đỉnh từ đầu năm tới nay, lãi suất tiền gửi nhích lên, các kênh trái phiếu DN và bất động sản cũng đang ấm dần… Dù vậy, TS Nguyễn Anh Vũ cho rằng giới trẻ hiện không chuộng đầu tư vào vàng. Bất động sản cũng chỉ có vài phân khúc ấm dần như căn hộ; còn đất nền, nhà phố vẫn rất ảm đạm. Trái phiếu DN vẫn chưa lấy lại được lòng tin của nhiều nhà đầu tư...

Trong khi đó, chứng khoán nếu nhìn dài hạn vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Điều này lý giải vì sao trong 8 tháng đầu năm 2024, có tới 1,4 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán được mở. Dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang chực chờ thị trường vào sóng, thanh khoản có thể tăng mạnh trở lại.

"Công nghệ và các tiện ích, dịch vụ tài chính bùng nổ đã giúp giới trẻ, dân văn phòng và nhiều tầng lớp khác tiếp cận các kênh đầu tư tài chính dễ dàng hơn. Chỉ cần một khoản tiền nhỏ là có thể tham gia thị trường chứng khoán - kênh tương đối hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác. Ngoài ra, các quỹ đầu tư còn là nơi nhà đầu tư ủy thác nguồn tiền của mình cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp" - TS Nguyễn Anh Vũ nhận xét.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chon-co-phieu-cho-song-cuoi-nam-196240915194916177.htm
Zalo