'Choáng váng' với đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo CrossFi hơn 2.000 tỷ đồng, lừa 1.900 người

Những buổi hội thảo tại khách sạn 5 sao, du lịch ở Dubai... là chiêu bài tội phạm dụ dỗ nạn nhân đầu tư mua năng lượng MPX để đào tiền ảo XFI của dự án CrossFi.

Dụ dỗ đầu tư tiền ảo qua trang web và các dự án quảng cáo CrossFi

Ngày 19/2, Công an Thành phố Hà Nội thông tin về chuyên án lừa đảo đầu tư tiền ảo. Nhóm tội phạm dụ dỗ nạn nhân mua đồng năng lượng MPX để đào XFI của dự án CrossFi.

Theo kết quả điều tra chuyên án, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã chỉ rõ phương thức lừa đảo của ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn kêu gọi đầu tư vào dự án tiền ảo CrossFi.

Giao diện website crossfi.org hiện tại, trông khá chuyên nghiệp, dễ dẫn dụ.

Giao diện website crossfi.org hiện tại, trông khá chuyên nghiệp, dễ dẫn dụ.

Các đối tượng hoạt động trá hình, tiếp xúc với nhiều người để quảng bá, dụ dỗ các nhà đầu tư tại nhiều quán cà phê, tổ chức các buổi hội thảo tại nhiều khách sạn sang trọng tại Hà Nội và một số tỉnh thành khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... để dụ dỗ những nhà đầu tư cả tin, đặc biệt là những người trung tuổi có tiền tiết kiệm, để dành, nhàn rỗi...

Các đối tượng quảng cáo về trang web Crossfi.org hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa trên thế giới. Qua đó, quảng cáo về nhiều dự án tiền mã hóa trong tương lai, về tiềm năng của đồng tiền XFI để đi chào mời, đánh lừa nhà đầu tư. Khi mua đồng tiền MPX, các đối tượng nói nhà đầu tư sẽ "đào" được đồng XFI.

Quá trình dụ dỗ bị hại, các đối tượng được trang bị kiến thức, kinh nghiệm, phương tiện như dàn siêu xe, các tài khoản thanh toán tiện lợi ở các siêu thị lớn trên thế giới đã giăng bẫy lòng tin mạnh mẽ khi tổ chức cho nhà đầu tư đi du lịch ở Dubai.

Nhóm tội phạm đã dễ dàng tạo dựng hình ảnh hào nhoáng, cộng thêm quảng bá việc có thể sử dụng thẻ visa tích hợp tiền ảo XFI để thanh toán ở siêu thị, cửa hàng trên toàn thế giới, nhằm đánh vào lòng tin và sự ham lợi nhuận của các bị hại.

Triệt phá đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo hơn 1.900 người

Ngày 16/1, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, triệu tập các đối tượng về trụ sở để đấu tranh làm rõ, đồng thời tạm giữ 10 máy tính, 100 điện thoại di động, 21 xe ô tô.

Căn cứ vào tài liệu điều tra, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 8 đối tượng cầm đầu.

Trong đó, nhiều đối tượng là dân có trình độ và học thức. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, từ năm 2023, Đỗ Huy Hoàng (sinh năm 1993, ở Bắc Giang) và Hoàng Văn Quyết (sinh năm 1994, ở Hà Nội) đã bàn bạc, thống nhất và liên hệ với đối tượng Alexsandr Mamasidikov (sinh năm 1986, quốc tịch Uzbekistan) để phân phối, bán tiền ảo MPX (là đồng tiền do các đối tượng tự tạo lập và không có giá trị) tại Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có hơn 1.900 người đã tham gia đầu tư đồng tiền kỹ thuật số trên với số tiền khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong số tài sản thu giữ và phong tỏa có hàng chục tài sản bất động sản, nhiều ô tô hạng sang và siêu sang như Rolls-Royce, Mercedes GLS 600, Maybach, Lexus LX600..., chưa kể khoảng 35 tỷ đồng trong tài khoản, tổng trị giá khoảng 500 tỷ đồng.

Dàn xe tang vật. Ảnh: CACC

Dàn xe tang vật. Ảnh: CACC

Theo thông tin điều tra, CrossFi tiền thân là MinePlex, nền tảng tự xưng là ngân hàng điện tử phi tập trung với các hứa hẹn có lợi nhuận hấp dẫn, mô hình này đã huy động được hàng triệu USD trong nhiều năm qua.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thế nào?

Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

"Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Như vậy, khung hình phạt cao nhất là trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp... sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Quang Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/choang-vang-voi-duong-day-lua-dao-dau-tu-tien-ao-crossfi-hon-2000-ty-dong-lua-1900-nguoi-179250220074838428.htm
Zalo