Cho thuê vỉa hè phải hợp tình, hợp lý

Các chuyên gia đề nghị dự thảo đề án của UBND TP Hà Nội về quản lý lòng đường, hè phố cần bổ sung quy định hợp lý, hài hòa lợi ích, tránh tiêu cực

Ngày 19-2, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án của UBND TP Hà Nội về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố.

9 mô hình và sơ đồ hóa

Trình bày tờ trình dự thảo đề án, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết việc khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm quy định hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3 m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ). Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3 m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Bên cạnh đó, hè phố đủ điều kiện để kinh doanh cần bảo đảm cho nhu cầu đỗ xe của khách. Trong điều kiện hộ kinh doanh không có chỗ đỗ xe cho khách thì có thể xem xét khi bảo đảm một trong các yêu cầu như: Từ địa điểm kinh doanh đến bãi đỗ xe gần nhất không lớn hơn 500 m; khoảng cách từ địa điểm kinh doanh đến ga, bến xe công cộng gần nhất không xa hơn 500 m; đối với các vỉa hè có bề rộng lớn hơn 4 m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện xe máy tùy theo nhu cầu của từng khu vực, bảo đảm không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ (tối thiểu 1,5 m)...

Vỉa hè TP Hà Nội bị chiếm dụng bán hàng

Vỉa hè TP Hà Nội bị chiếm dụng bán hàng

Sau khi khảo sát hiện trạng 273 tuyến phố trên địa bàn thành phố, dự thảo đề án đề xuất 9 mô hình và sơ đồ hóa hè phố có đủ điều kiện sử dụng tạm thời để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông…

Minh bạch, hài hòa lợi ích

Đóng góp vào dự thảo đề án, ông Lê Văn Hoạt (Hội đồng Tư vấn Dân chủ Pháp luật - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội) cho biết việc sử dụng lòng đường, hè phố ở những nơi có điều kiện để kinh doanh dịch vụ được đề cập từ lâu, có diễn biến khá phức tạp, đặt ra những yêu cầu khắt khe trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện và hiện tại cũng còn có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều tuyến đường, tuyến phố đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.

"Về phí và giá cả sử dụng tạm thời vỉa hè lòng đường ở trong dự thảo đề án là vấn đề quan trọng liên quan đến quyền lợi của người dân, cơ quan tổ chức khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố và cũng liên quan đến quyền lợi của thành phố. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đề án sớm bổ sung quy định cho hợp tình hợp lý, bảo đảm hài hòa các lợi ích không dẫn đến những tiêu cực" - ông Hoạt nêu.

Còn PGS-TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, đề nghị trong khâu tổ chức thực hiện đề án này cần bảo đảm rõ sự minh bạch trong xử lý các vi phạm, chỉ có như vậy mới hy vọng đạt được mục tiêu năm 2030, TP Hà Nội trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Cùng với đó, có sự chỉ đạo xuyên suốt, nghiêm khắc để thực hiện hiệu quả công tác quản lý lòng đường, vỉa hè.

Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cho-thue-via-he-phai-hop-tinh-hop-ly-196250219210015712.htm
Zalo