'Chợ' nợ xấu nhộn nhịp, ngân hàng rầm rộ thanh lý tài sản

Nhiều ngân hàng liên tục rao bán nợ xấu hàng trăm tỷ đồng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, bất động sản, dự án đầu tư và máy móc thiết bị...

Gần đây, trên trang web của nhiều ngân hàng, các thông báo bán nợ, đấu giá khoản nợ xuất hiện dày đặc. Không ít ngân hàng đang phải đối mặt với việc khó bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, dù đã giảm giá rất thấp so giá trị khoản vay.

NGÂN HÀNG RÁO RIẾT THANH LÝ NỢ XẤU

Khoản nợ của Công ty Cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (mã chứng khoán: APT) vừa được thông báo bán đấu giá. Việc bán đấu giá này theo đề nghị từ ngân hàng Sacombank nhằm xử lý nợ xấu.

Khoản nợ của APT phát sinh từ tháng 1/2009, được ký kết với Ngân hàng Phương Nam (nay là Sacombank), liên quan đến doanh nhân Trầm Bê. Vào năm 2015, Ngân hàng Phương Nam đã được sáp nhập vào Sacombank, kèm theo tất cả tài sản và các khoản nợ, trong đó có khoản nợ của APT. Tổng dư nợ bao gồm gốc và lãi lên tới 1.768 tỷ đồng.

Thời gian qua, Sacombank đã nhiều lần đấu giá khoản nợ nói trên và cũng liên tục đại hạ giá nhưng không thành công. Dự kiến ngày 15/5 tới, Sacombank sẽ tiếp tục đấu giá khoản nợ này, với mức giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho lần này xuống còn 317 tỷ đồng, tiếp tục giảm so với những lần trước đó. Có thời điểm khoản nợ này được rao bán với giá trên 1.000 tỷ đồng.

Thông báo của tổ chức đấu giá không đề cập chi tiết về hợp đồng tín dụng giữa hai bên. Tuy nhiên, dựa trên báo cáo tài chính của APT có thể thấy doanh nghiệp này chủ yếu vay vàng, còn lại một phần tiền mặt.

Cụ thể, báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2023 cho thấy doanh nghiệp này có khoản vay 5.833 lượng vàng miếng SJC phát sinh từ hợp đồng tín dụng tại năm 2009 tại Sacombank (trước đây là Ngân hàng Phương Nam). Với khoản vay vàng, doanh nghiệp đều đặn đánh giá lại gốc của khoản vay theo biến động giá kim loại quý này vào cuối năm.

Ngoài ra còn có một hợp đồng tín dụng với hạn mức 103 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng (từ năm 2009 đến 2010) với lãi suất 12%/năm.

Tính tới chiều 17/4, giá vàng miếng SJC được một số công ty vàng niêm yết từ 118 - 121 triệu đồng/lượng chiều bán ra, chiều mua vào khoảng 115,5 triệu đồng/lượng.

Theo Công ty APT, cả hai khoản vay tại Sacombank đều phát sinh từ năm 2009 và đã quá hạn nhưng công ty chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Báo cáo tài chính năm 2024 của Công ty APT đã kiểm toán cho thấy tính tới cuối năm 2024, công ty này đã lỗ lũy kế 1.642 tỷ đồng, làm âm nguồn vốn chủ sở hữu hơn 1.466 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm khoản nợ quá hạn của Sacombank.

Hiện, Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc công ty này đang tích cực thương lượng với ngân hàng tìm biện pháp giải quyết nhằm bảo đảm sự tồn tại của công ty.

Trước đó, vào cuối tháng 3 vừa qua, ngân hàng Sacombank đã thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty Cổ phần địa ốc Vạn Phát tính đến 27/4/2021 là hơn 596 tỷ đồng, trong đó nợ gốc hơn 188 tỷ đồng, nợ lãi gần 408 tỷ đồng.

Khoản nợ phát sinh theo hợp đồng tín dụng từng lần ngày 23/11/2012 và thỏa thuận sửa đổi, bổ sung ngày 20/11/2013. Tài sản đảm bảo là 40 triệu cổ phiếu DTR của Công ty Cổ phần Bất động sản Đô Thành.

Mặc dù giá trị khoản nợ lên đến gần 600 tỷ đồng nhưng Sacombank cho hay giá khởi điểm của khoản nợ chỉ 189 tỷ đồng. Bên mua được khoản nợ sẽ chịu thanh toán toàn bộ các khoản thuế, chi phí liên quan đến việc mua, bán khoản nợ (nếu có).

Khách hàng có trách nhiệm tìm hiểu kỹ về hồ sơ pháp lý của khoản nợ, tự tìm hiểu và tự chịu trách nhiệm về các vấn đề pháp lý, thông tin liên quan đến khoản nợ bán đấu giá trước khi đăng ký tham gia đấu giá.

Ngoài khoản nợ “khủng” trên, Sacombank đang rao bán đấu giá khoản nợ hơn 473 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kim Kim Hoàn Mỹ, theo hợp đồng tín dụng ký từ năm 2010. Giá khởi điểm của khoản nợ trên chỉ hơn 108 tỷ đồng. Khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản số 21-23 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5, TP.HCM.

Cùng thời điểm, ngân hàng này cũng liên tiếp thông báo đấu giá các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng của các Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn TPP, Công ty Cổ phần Ngọc Sương... với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Mới đây, ngân hàng Agribank vừa có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá cho khoản nợ của hai doanh nghiệp ngành thép là Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư Khang Duy tại Agribank chi nhánh An Phú.

Giá trị ghi sổ của hai khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là 360,9 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 250,5 tỷ đồng và nợ lãi là 110,4 tỷ đồng.

Cụ thể, khoản nợ của công ty Thép KDG Việt Nam, giá trị ghi sổ của khoản nợ tạm tính đến ngày 31/3/2024 là 182,6 tỷ đồng, với nợ gốc 130,8 tỷ và nợ lãi 51,8 tỷ đồng.

Khoản nợ của Đầu tư Khang Duy có giá trị ghi sổ là 178,3 tỷ đồng, với nợ gốc 119,7 tỷ và nợ lãi 58,6 tỷ đồng. Hai khoản nợ này phát sinh lần lượt vào năm 2018 và 2022.

Theo thông tin ngân hàng cung cấp, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Thép KDG Việt Nam bao gồm: quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng thuê đất giữa Thép KDG Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV Becamex IDC Corporation; dự án đầu tư nhà xưởng Thép KDG Việt Nam và máy móc thiết bị của nhà xưởng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Đầu tư Khang Duy bao gồm: quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác phát sinh từ Hợp đồng thuê đất ký giữa Thép KDG Việt Nam và Becamex IDC Corporation; dự án đầu tư Nhà xưởng Thép KDG Việt Nam; xe đầu kéo và sơ mi rơ moóc tải, xe ô tô.

Agribank đặt giá khởi điểm đấu giá cho hai khoản nợ trên là 360,9 tỷ đồng, bằng đúng giá trị ghi sổ tính đến ngày 31/3. Giá khởi điểm nêu trên không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí, lệ phí khác (nếu có) theo quy định pháp luật.

Không chỉ hai khoản nợ này, gần đây, Agribank AMC (công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Agribank) cũng thông bán đấu giá tài sản đảm bảo là bất động sản cho khoản vay của Công ty TNHH Thương mại Thép UK.

Tài sản đấu giá là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc thửa đất số 89, tọa lạc tại số 104 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Diện tích thửa đất là 75 m2; hình thức sử dụng riêng, diện tích xây dựng 62,5 m2 với kết cấu tường gạch, sàn, mái bê tông cốt thép; quy mô hầm, trệt, lửng, ba lầu, mái che cầu thang và sân thượng.

Ngân hàng đưa ra mức giá khởi điểm là 16,8 tỷ đồng (giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật).

Tài sản được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm nguyên trạng tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy” với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá.

Tương tự, ngân hàng Vietinbank thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ SHC Việt Nam tổng giá trị tạm tính đến ngày 27/8/2024 hơn 75 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc gần 52 tỷ đồng, lãi trong hạn hơn 18 tỷ đồng, lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng.

Dư nợ trên phát sinh từ 32 hợp đồng tín dụng, hợp đồng cho vay với tài sản đảm bảo quyền sử dụng đất, căn hộ chung cư, ô tô, quyền thương hiệu… Giá khởi điểm khoản nợ hơn 54 tỷ đồng chưa bao gồm thuế, phí.

NỢ XẤU TIẾP TỤC LÀ THÁCH THỨC CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG

Trong năm 2025, mặc dù lạc quan về tăng trưởng tín dụng và triển vọng lợi nhuận, song việc kiểm soát nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của các ngân hàng.

Năm nay, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng 3%. Cụ thể, Bac A Bank kỳ vọng duy trì nợ xấu dưới 1,5%, ACB và PGBank dưới 2%, VietinBank dưới 1,8%, trong khi các ngân hàng như MSB, ABBank, SeABank đều đặt mục tiêu dưới 3%. Song, các chuyên gia cho rằng mục tiêu này cũng là một thách thức đối với các nhà băng.

Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích từ Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cảnh báo rủi ro nợ xấu tiềm ẩn vẫn hiện diện, đặc biệt khi các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hiện chiếm gần 5% quy mô GDP.

Dù Thông tư 02 (quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ) đã hết hiệu lực từ tháng 1/2025, song nhóm phân tích đánh giá rủi ro từ dư nợ tái cơ cấu không lớn do các ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng. Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 chỉ còn khoảng 126.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 0,8% tổng dư nợ hệ thống.

Tuy nhiên, bộ đệm dự phòng rủi ro của ngành đã mỏng dần, hiện trở về mức tương đương trước đại dịch Covid-19. Trong đó, các chuyên gia TPS đánh giá các ngân hàng thương mại tư nhân quy mô nhỏ với bộ đệm vốn yếu hơn sẽ phải đối mặt với áp lực chi phí dự phòng cao trong năm nay.

Đáng chú ý, rủi ro nợ xấu cũng gắn liền với diễn biến của thị trường bất động sản. Theo TPS, nếu thị trường bất động sản hồi phục trong nửa cuối năm 2025 như kỳ vọng, điều này có thể góp phần cải thiện bức tranh nợ xấu và tăng cường bộ đệm vốn cho toàn hệ thống ngân hàng.

Kết quả từ cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 2/2024 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện vừa công bố, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong quý 1/2025 được nhận định tiếp tục tăng nhẹ so với quý trước, tăng cao hơn so với kỳ vọng ở kỳ điều tra trước và được dự báo tiếp tục tăng nhẹ trong quý 2/2025. Ở thời điểm hiện tại, 26,3% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng ở mức “cao” (24,5%) và “khá cao” (1,8%).

Trái với kỳ vọng về xu hướng giảm mặt bằng rủi ro trong năm 2025 ghi nhận tại kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng vẫn tiếp tục xu hướng “tăng nhẹ” trong năm 2025, tuy nhiên tốc độ tăng chậm lại hơn nhiều so với năm 2024. Dự báo cho năm 2026, các tổ chức tín dụng kỳ vọng mặt bằng rủi ro sẽ giảm dần.

Theo khảo sát, đúng như kỳ vọng ghi nhận ở kỳ điều tra trước, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng giảm trong quý 1/2025 và kỳ vọng giảm mạnh hơn trong quý 2/2025, trái ngược với nhận định “tăng” của cùng kỳ năm trước. Tại kỳ điều tra này, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh giảm dự báo về tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2025 so với kết quả ghi nhận tại cuộc điều tra kỳ trước.

Minh Thúy

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cho-no-xau-nhon-nhip-ngan-hang-ram-ro-thanh-ly-tai-san-post559353.html
Zalo