Chó cưng đi… học ngoại ngữ
'Sit down'. Con Mina hơi ngớ người. Nghe thầy hô 'sit down' một lần nữa, nó lật đật nằm xuống. 'Stand up!', Mina đứng lên bằng hai chân, hai tay co lại trước bụng. 'Handshake!', nó đưa tay bắt rất tự tin. Xung quanh nó là tiếng 'gâu gâu, ẳng ẳng' cổ vũ của hơn 30 'đứa bạn' đủ mọi trang lứa. Vào 'trường' được một tháng, con Mina khiến chủ rất hài lòng khi thuần thục mọi động tác bằng khẩu lệnh tiếng Anh.
Bỏ tiền triệu cho chó đi học
Thứ bảy hằng tuần, “phụ huynh” của những “em” chó lại tập trung rất đông ở Trường huấn luyện chó Vũ Hùng (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Ai cũng nôn nóng chờ đợi đến màn chó cưng của mình “trả bài”. Đa số “phụ huynh” là những cậu ấm, cô chiêu, hoặc những tay lắm tiền. Bởi túi tiền tàng tàng, làm sao cho chó học mỗi tháng từ 2 - 3 triệu sáng đi chiều về. Còn nếu “học trò” ở xa, phải “nội trú” thì chi phí cứ thế mà phát sinh với đủ tiền ăn ngon, mặc đẹp, tiền chải lông, tắm rửa…
Mà học cho thành thục, được chụp hình thẻ, đóng mộc, cấp chứng chỉ xuất sắc hẳn hoi, ít nhất cũng phải 5 - 6 tháng. Chưa kể chó cưng bị “lưu ban” vì học dốt, ngày tốt nghiệp phải chờ đến hai, ba năm “mài đuôi trên ghế nhà trường”. Vậy nhưng nhiều “phụ huynh” rất chịu chơi, miễn sao chó cưng chóng có cái bằng tốt nghiệp cho “bằng chị bằng em”.
Vũ Thị Huyền (ngụ ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vừa vuốt ve chú chó Nhật của mình vừa bộc bạch: “Em đi làm hoài nên không có thời gian nuôi dạy Sami. Nó ở nhà một mình hoài, lâu ngày sinh ra lầm lì. Tụi em cho nó đi học để khôn ra. Ở đây cũng có nhiều bạn bè nên nó vui hơn”.
Tờ mờ sáng, các “thầy” đã tỏa đi khắp thành phố để đón “học trò” tại nhà. Xe đưa đón là chiếc Honda, phía sau gắn lồng sắt có ba dây bảo hiểm đủ để chở ba chú chó. “Học trò” đến lớp sẽ đeo xích huấn luyện. Những con chó lớn, dữ như becgie, ngao Tạng, boxer, dobermann… được buộc vào những cây cột gỗ xếp thẳng hàng ngay ngắn đầu lớp. Những con chó kiểng nhỏ như chó Nhật, chihuahua, bulldog, poodle… ngồi học ở khu phía sau. Lớp học hôm nay có đủ mọi lứa tuổi, quốc tịch, loại giống. Già nhất trong số đó là “cụ” đã gần… chục tuổi. Nhỏ nhất là chó 5 tháng tuổi vì theo quy định của trường thì như thế mới đủ tuổi đi học.
Sau khi ổn định chỗ ngồi, 7 giờ lớp học bắt đầu. Lần lượt từng “học trò” “lên bảng” học bài mới và ôn lại bài cũ. Con Lucky hôm nay tỏ ra rất phấn khích. Thầy chưa kịp mở xích nó đã chạy băng băng lên sân huấn luyện. Khi thầy yêu cầu đứng lên thì con chó boxer này lại giơ tay ra bắt. Thầy bảo làm lại thì nó không thèm làm, lại còn sủa thầy. Thái độ hỗn hào của Lucky khiến nó phải đeo xích phạt và đứng riêng ở góc lớp.
Ngay cột kế bên con Lucky là con chó cỏ lai becgie đang nằm lặng lẽ. Mõm của nó bị rọ. Hỏi ra mới biết do mới đến, còn cộc tính và hay cắn bạn, đớp thầy. Thầy Trần Quốc Tình giải thích: “Với những con chậm hiểu hoặc không chịu học, đòi hỏi mình phải kiên trì, dạy từ từ. Còn “mấy đứa” này do hỗn quá nên bị phạt. Có con láu ta láu táu, mình chưa kịp hô hay ra hiệu thì nó đã làm xong hết mọi động tác rồi. Nó làm thế để nhanh chóng được thầy cho về chỗ ngồi. Tụi như vậy tui cũng phạt”.
Ở lớp học này tuyệt nhiên không có chuyện phạt bằng đòn roi mà chỉ buộc xích cho đứng riêng một góc. Nội quy ở đây đề rõ: “Nếu các thầy đánh chó, đá chó sẽ bị đuổi việc”. Bởi đánh đập sẽ khiến con chó trở nên nhút nhát, gặp ai cũng hoảng, gia chủ rất dễ nhận biết. Đánh nhiều khiến chó luôn sợ hãi, không dám tập, điên lên nó còn tặng cho vài cú đớp chí mạng.
Đến lượt con Cookie “lên bảng”. Con chó poodle lông trắng được thầy dạy cho các bài học nhảy qua vòng tròn, đi cầu bập bênh, chui rào… rèn luyện thể lực. Môn tiếp theo là tấn công. Vừa hô “cắn”, Cookie đã lao mõm vào cánh tay đeo bao bố dày cộm của thầy Minh day lấy day để. Đến khi thầy hô “thôi”, nó mới dừng. Sau hơn 1 tiếng, lớp giải lao 15 phút. Các thầy đem nước đến cho từng “trò”. “Trò” nào cũng thi nhau uống ừng ực như chừng mệt và khát lắm. Đến khoảng 11 giờ, lớp học kết thúc. Các thầy lại lần lượt đưa từng “trò” về tận nhà. “Trò” nào ở nội trú thì chở về “kí túc xá” ở quận 8 để chuẩn bị chén bữa trưa đầy ụ món khoái khẩu.
Nghề “gõ đầu cẩu”
Hơn 30 năm anh Trần Quốc Tình gắn bó với nghiệp dạy chó. Thế nên “giáo trình” luyện chó ra sao thầy nắm rõ trong lòng bàn tay. “Thông thường có 3 khóa dạy cơ bản. Khóa một huấn luyện căn bản phục tùng gồm: nằm, ngồi, chào, bò, lăn, bắt tay, sát chân, vượt chướng ngại vật. Khóa hai huấn luyện chuyên môn: không ăn mồi bả, tấn công người lạ xâm nhập bất hợp pháp, bảo vệ chủ, canh giữ tài sản, tìm kiếm đồ vật… Khóa ba đào tạo bằng còi siêu âm, phát hiện vũ khí, chất cháy nổ… Ngoài ra chúng tôi cũng dạy cho chó biết nhảy qua vòng lửa, làm trò. Nhưng thông thường khách hàng chỉ yêu cầu dạy hai khóa căn bản vì chó nhà nên không cần học nâng cao. Đến nay cả trường có khoảng 70 con, chia làm hai lớp sáng chiều. Trong khi dạy chó chúng tôi cũng tranh thủ dạy cho khách những động tác, ký hiệu, khẩu hiệu để ra lệnh cho chó của mình”, anh Tình cho biết.
Đặc biệt nhất phải kể đến việc huấn luyện chó bằng… ngoại ngữ. Hiện nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 10 trường dạy và chăm sóc chó cưng. Tuy nhiên, số lượng nơi dạy chó học ngoại ngữ có tác phong chuyên nghiệp, cơ sở vật chất quy mô chưa đến 5 trường. Các huấn luyện viên được đào tạo theo kiểu nghề dạy nghề. Ngoài việc học hỏi những huấn luyện viên đi trước dày dạn kinh nghiệm, các huấn luyện viên trẻ phải đọc thêm sách, tìm hiểu tâm sinh lý của từng loài chó để có cách huấn luyện phù hợp.
Theo yêu cầu của “phụ huynh”, chó sẽ được dạy tiếng Anh, Pháp, Thái Lan hoặc tiếng Trung (gồm tiếng Quan Thoại, Quảng Đông, Tiều…). Theo tiết lộ của các thầy, không chỉ chủ người nước ngoài mới có yêu cầu này mà nhiều chủ người Việt cũng cho chó học ngoại ngữ để khoe mẽ khi khách đến nhà. Việc dạy ngoại ngữ cho chó chỉ loanh quanh các động tác đứng lên, ngồi xuống, bắt tay, chào… Tưởng đơn giản nhưng đối với “học trò” đóng mác “nội quốc” thì việc dạy ngoại ngữ đòi hỏi sự kiên trì bền bỉ. Thông thường, chỉ cần 2 tuần dạy bằng “tiếng ta”, “học trò” đã bắt đầu vào guồng thì dạy tiếng Tây, tiếng Tàu phải mất ít nhất một tháng. Thầy hô “stand up” đến rã họng rồi nâng nhẹ cổ “trò” lên hàng trăm lần thì “trò” mới hiểu mơ hồ cái ngôn ngữ lạ hoắc kia có nghĩa là “đứng lên”.
Ở lớp này, những giống chó như dobermann, rooft weiler, boxer luôn xếp vào loại “học trò cá biệt” vì tính hung hăng, sủa bậy và đặc biệt là không chịu nghe lời. Thế nhưng khi đã vào nề nếp rồi thì việc học của chúng lại tỏ ra khá “tài tử”. Thái độ học hành láo lếu nhưng mỗi khi kiểm tra bài cũ chúng đều khiến các thầy hết sức ngạc nhiên vì sự tiến bộ của mình. Chúng là những “học sinh xuất sắc” được các thầy lựa chọn để tham gia tranh tài tại các hội thi chó giỏi, chó đẹp của thành phố. Trong khi đó, chó kiểng loại nhỏ lại học theo kiểu “cần cù bù thông minh”. Theo định kỳ hằng quý, trường lại tổ chức kiểm tra học lực. Các chú chó đều được cho điểm và xếp loại tốt, khá, trung bình hẳn hoi. “Trò” nào bị xếp loại yếu, phải “lưu ban”, thầy chủ nhiệm của “trò” đó bị phê bình, rút kinh nghiệm.
Lớp học lâu lâu lại có “ma mới”. “Trò” nào ở tỉnh, phải học nội trú thì hành trang mang theo là chiếc áo đẫm mồ hôi của chủ. Đêm đêm, nằm ngửi mùi chủ trong chuồng, chú mới thôi bỏ ăn, bỏ uống mà chuyên tâm học hành. Và dĩ nhiên cũng có tình trạng “ma cũ” bắt nạt “ma mới”. “Học trò” mới thường rúm ró trước “đàn anh đàn chị”, nhất là những con chó cái xinh xắn bị đàn anh xúm lại tán tỉnh. Có lần, một chú chó mới vào học bị “anh chị” “ra oai” dữ quá nên không dám ho he gì. Thầy Vũ Hùng phải tới ve vuốt, động viên, cho làm quen với từng bạn. Không ngờ làm quen được một hồi, hai con cắn nhau kịch liệt. Thầy nạt mấy cũng không được đành nhảy vào cản. Hai con đang hăng máu nên “tặng” luôn cho thầy mấy phát tơi bời đến nỗi tay phải bó bột.
Với người dạy chó, chuyện chó cắn vào tay, vào mặt là… chuyện thường ngày ở huyện. Có lần, mất máu quá nhiều, anh Tình suýt xỉu. Mấy hôm sau, bị sốt hầm hập khiến cả nhà một phen hết vía vì sợ bị dại. Vén tay áo để lộ chi chít sẹo lớn nhỏ, anh Minh chép miệng: “May mà tụi nó trước khi vào trường đều được tiêm chủng bệnh dại nên tụi tui mới không hề hấn gì. Nhưng cũng có con bị bệnh giun tim mà trường và chủ không hay biết. Sau vài lần tập luyện thì nó trụy tim mà chết”.
Chiều nay, anh Tình có khách. Chiếc Air Blade xúng xính túi quà còn chạy ở đầu ngõ, con becgie đã vội nhảy từ trên xe xuống đường, hớn hở lao về phía anh Tình đang dạy. Con chó ào đến, nhảy cẫng, không ngừng liếm láp lên khuôn mặt đã hằn vết thời gian.
Trong tiếng sủa inh tai của bọn “học trò”, giọng thầy Tình như nghẹn lại: “Sáu năm ra trường mà mày vẫn nhớ thầy à, Lu Lu?”.