Câu hỏi liên quan đến bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành là một bệnh tim mạch phổ biến và nghiêm trọng, gây ra bởi sự hẹp hoặc tắc nghẽn của các động mạch vành cung cấp máu cho tim. Khi tình trạng mạch vành hẹp nặng hoặc tắc nghẽn hoàn toàn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
1. Đông y có chữa được bệnh mạch vành không?
NỘI DUNG::
1. Đông y có chữa được bệnh mạch vành không?
2. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
3. Người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành không?
4. Bệnh mạch vành có chữa khỏi hoàn toàn không?
5. Chăm sóc người bệnh mạch vành tại nhà thế nào?
6. Khi nào người bệnh mạch vành được chỉ định đặt stent? Chăm sóc người bệnh sau đặt stent thế nào?
Bệnh mạch vành đang có xu hướng gia tăng trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi Tây y tập trung vào việc điều trị các triệu chứng và nguyên nhân trực tiếp gây bệnh mạch vành, thì Đông y lại tập trung cân bằng cơ thể và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Đông y cho rằng bệnh tật xảy ra khi âm dương trong cơ thể mất cân bằng. Bằng cách sử dụng các bài thuốc, châm cứu, xoa bóp, Đông y giúp điều chỉnh lại sự cân bằng này, từ đó cải thiện chức năng của tim.
Đông y có thể hỗ trợ điều trị và quản lý bệnh mạch vành ở một số người, chủ yếu thông qua việc giảm triệu chứng, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nó thường được xem như phương pháp hỗ trợ thay vì điều trị chính thức.
Đông y hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành bằng các bài thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu, giúp giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn mạch vành. Ngoài ra, một số bài thuốc Đông y có tác dụng giảm cholesterol, triglyceride trong máu, giúp làm chậm quá trình xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, các bài thuốc trong Đông y cũng có thể giúp giảm đau thắt ngực, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?
Bệnh mạch vành là một căn bệnh tim mạch nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử...
Nhồi máu cơ tim: Là biến chứng phổ biến và nguy hiểm của bệnh mạch vành. Khi các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị vỡ, tạo cục máu đông làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, khiến một phần cơ tim bị thiếu máu cấp tính và chết đi, vĩnh viễn không hồi phục.
Khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh sẽ bị đau thắt ngực dữ dội, kéo dài, khó thở, toát mồ hôi lạnh, buồn nôn, nôn. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng rối loạn nhịp tim, suy tim, vỡ cơ tim, phình động mạch...
Suy tim:Khi một phần cơ tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim hoặc do thiếu máu kéo dài, khả năng bơm máu của tim giảm sút dẫn đến suy tim. Triệu chứng điển hình của suy tim là khó thở, phù từ chân tiến triển dần lên, mệt mỏi, tức ngực.
Rối loạn nhịp tim:Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim là do tổn thương cơ tim do thiếu máu hoặc các yếu tố khác có thể gây rối loạn hệ thống dẫn truyền điện của tim. Triệu chứng bao gồm tim nhịp nhanh, nhịp chậm hay loạn nhịp, hồi hộp, choáng váng.
Nếu không cấp cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể đột tử.
Rối loạn nhịp tim ác tính, vỡ tim, huyết khối phổi... là những nguyên nhân chính dẫn đến đột tử ở bệnh nhân mạch vành. Bệnh nhân đột ngột ngất xỉu và tử vong.
Ngoài ra, bệnh mạch vành có thể dẫn đến một số biến chứng như huyết khối động mạch, phình động mạch, hở van tim…
3. Người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh mạch vành không?
Theo thống kê, những năm gần đây nhóm đối tượng trẻ tuổi (đặc biệt là những người trong độ tuổi 40-45) được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành ngày càng gia tăng, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở nhóm người nàycó thể từ 2-10%. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi trẻ hơn (dưới 35, thậm chí có ca bệnh chỉ mới 26 tuổi). Mức độ nguy hiểm của căn bệnh đã và đang là mối đe dọa đối với giới trẻ. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại.
Nếu như ở người già, bệnh mạch vành xảy ra do quá trình lão hóa thì đối với những người trẻ tuổi, lối sống thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới căn bệnh này:
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây vữa xơ động mạch nói chung và động mạch vành nói riêng. Người trẻ thường tìm đến thuốc lá như một cách giải tỏa tâm trạng hay kích thích sự tỉnh táo. Điều này đã khiến họ phải đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh mạch vành. Nicotin và nhiều chất độc khác trong khói thuốc có thể gây tăng huyết áp, làm tổn thương thành mạch. Đáng lưu ý, hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Một nguyên nhân đáng kể là do người trẻ tuổi thường xuyên tiêu thụ đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán, thực phẩm đóng hộp… làm tăng nguy cơ tích tụ chất béo, dẫn đến xơ vữa mạch vành.
Ngoài ra, lối sống tĩnh tại, ít vận động phổ biến ở những người trẻ tuổi thời hiện đại, đặc biệt người làm việc văn phòng dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì, khiến các chất béo không được chuyển hóa, gây ra bệnh mạch vành.
Căng thẳng, stress kéo dài do công việc, cuộc sống cũng là một nguyên nhân gây tắc mạch vành cấp tính, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của các loại bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao… ở người trẻ là yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành ở đối tượng này.
Không thể không nói đến sử dụng thuốc kích thích ở người trẻ tuổi cũng là một nguy cơ đáng kể dẫn đến các triệu chứng và biểu hiện của bệnh mạch vành và nhồi máu cơ tim.
4. Bệnh mạch vành có chữa khỏi hoàn toàn không?
Bệnh mạch vành chủ yếu do sự tích tụ mảng xơ vữa trong lòng mạch, làm hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch, việc loại bỏ hoàn toàn các mảng xơ vữa và phục hồi hoàn toàn cấu trúc mạch máu là rất khó. Hơn nữa, bệnh mạch vành thường tiến triển âm thầm và chậm, ngay cả khi đã được điều trị, vẫn có nguy cơ tái phát.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ của y học, bằng các phương pháp điều trị hiện đại, bệnh mạch vành có thể được kiểm soát. Điều quan trọng là người bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch điều trị của bác sĩ.
Ngoài ra, cần kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn bệnh tiến triển nhanh hơn, giảm biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng cuộc sống.
5. Chăm sóc người bệnh mạch vành tại nhà thế nào?
Sau khi được điều trị tại bệnh viện, việc chăm sóc người bệnh mạch vành tại nhà đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ bệnh nhân phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng. Người bệnh cần áp dụng các biện pháp dưới đây:
Kiểm soát cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân.
Giảm muối trong chế độ ăn, chỉ nên ăn 2-4g muối mỗi ngày.
Ăn nhiều rau xanh, củ, quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt, tăng cường khoáng chất.
Hạn chế chất béo từ động vật, nên ăn dầu thực vật.
Tránh tối đa rượu, bia và các chất kích thích.
Bỏ hút thuốc lá.
Kiểm soát cảm xúc, tránh các xúc cảm mạnh.
Không để cơ thể bị lạnh đột ngột.
Ngủ đủ giấc.
Tăng cường vận động, cố gắng duy trì 30-45 phút đi bộ mỗi ngày. Khi ổn định hơn, có thể tập những môn thể thao yêu thích trong khả năng gắng sức.
Thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà bằng máy điện tử.
Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không được tự ý thay đổi hoặc ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp cần thiết, liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.
Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Khi bị đau ngực trở lại hoặc có triệu chứng bất thường, nên nhập viện hoặc tư vấn bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí kịp thời.
6. Khi nào người bệnh mạch vành được chỉ định đặt stent? Chăm sóc người bệnh sau đặt stent thế nào?
Đặt stent mạch vành là thủ thuật giúp giải quyết tình trạng tắc, hẹp ở mạch vành, giữ cho lòng mạch vành được thông thoáng, giúp máu dễ dàng lưu thông đến tim.
Bệnh nhân được chỉ định đặt stent mạch vành khi bị tắc hẹp mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực ổn định không đáp ứng với điều trị nội khoa, đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim cấp… Thủ thuật này thường được chỉ định cho bệnh nhân bị tắc nghẽn một hoặc nhiều vị trí trong động mạch vành. Tùy thuộc từng trường hợp người bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại stent phù hợp. Sau khi đặt stent người bệnh thường được kê thuốc chống ngưng tập tiểu cầu nhằm ngăn ngừa nguy cơ tái hẹp, hình thành huyết khối trong stent và hỗ trợ quá trình làm lành của nội mạc đông mạch.
Bệnh nhân sau khi đặt stent mạch vành nếu được chăm sóc tốt sẽ nhanh hồi phục, kéo dài được tuổi thọ của stent, đồng thời hạn chế được các biến chứng sau đặt stent.
Người bệnh cần được chăm sóc tốt vị trí được luồn ống thông, giữ vùng da xung quanh khô ráo, tránh để ướt hoặc tổn thương. Nếu thấy có dịch, rỉ máu, sưng hoặc đau nhức vị trí mổ, cần báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra, tránh bị nhiễm trùng.
Không hoạt động mạnh hoặc mang vật bên tay được chọn để luồn ống thông. Nên vận động nhẹ nhàng trong tuần đầu sau đặt stent, sau đó có thể vận động thoải mái hơn.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho tim mạch. Ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh, bổ sung protein từ thịt nạc, cá, thịt gà (bỏ da) với lượng vừa phải. Hạn chế các món ăn chứa nhiều đường, muối.
Uống đủ nước mỗi ngày.
Tránh sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia, nước ngọt có ga...
Nên bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào và tránh nơi có khói thuốc.
Duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh.
Vận động nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, stress.
Đo huyết áp thường xuyên.
Tuân thủ liều lượng, thời gian dùng thuốc theo y lệnh của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng thuốc.
Tái khám định kỳ.
Điều quan trọng là người bệnh cần theo dõi sát sao các biểu hiện bất thường và báo ngay với bác sĩ khi có các biểu hiện: đau ngực, khó thở đột ngột; dấu hiệu bất thường tại vị trí đặt ống thông như: đau, sưng tấy, chảy dịch, chảy máu…; sốt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu, ho ra máu, rối loạn nhịp tim…