Giá gạo xuất khẩu giảm 20%

Giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không có nhiều biến động. Song nhìn lại 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân đã giảm 20% so với trung bình cùng kỳ năm ngoái.

Thu hoạch lúa tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Thu hoạch lúa tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, tuần qua, giá lúa khô loại IR 50404 ở Vĩnh Long là 6.600 đồng/kg, còn ở Đồng Tháp là 7.900 đồng/kg, ở Tiền Giang là 6.700 đồng/kg, Hậu Giang là 8.500 đồng/kg.

Với OM18, tại Cần Thơ là 7.600 đồng/kg, Sóc Trăng là 8.200 đồng/kg, Hậu Giang là 9.000 đồng/kg, Tiền Giang là 7.200 đồng/kg và Sóc Trăng là 8.200 đồng/kg.

Với lúa Jasmine, tại Cần Thơ là 8.000 đồng/kg, Tiền Giang là 7.300 đồng/kg…

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.400 - 5.700 đồng/kg, OM 5451 ở mức từ 6.200 - 6.400 đồng/kg, Đài thơm 8 từ 6.900 - 7.00 đồng/kg, OM 18 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 từ 6.550 - 6.750 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 - 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…

Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.200 - 8.250 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 - 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 8.00 - 8.100 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.150 - 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Vụ Hè Thu năm nay, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch gieo trồng 67.500 ha, được chia thành 2 đợt xuống giống. Trong vụ này, tỉnh Trà Vinh có 37 hợp tác xã đăng ký trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên tổng diện tích hơn 5.121 ha.

Trước đó, trong vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, Trà Vinh có 16 hợp tác xã tham gia đề án với 883,72 ha. Đến nay, các hợp tác xã đã thu hoạch dứt điểm với năng suất bình quân từ 7 - 7,5 tấn/ha. Trong mô hình, chi phí giảm ít nhất 15% so với ngoài mô hình, lợi nhuận cao hơn khoảng 30%.

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 398 USD/tấn trong tuần này, tăng nhẹ so với mức 395 USD của hai tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết động thái mua gạo dự trữ của chính phủ đã hỗ trợ giá phần nào, nhưng nhìn chung, nhu cầu vẫn yếu và hoạt động giao dịch cũng thưa thớt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt 1,75 tỷ USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 514 USD/tấn, giảm 20% so với trung bình cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm vào tuần này do nhu cầu giảm và đồng rupee mất giá. Trong khi đó, giá gạo Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức từ 384 - 391 USD/tấn, giảm so với mức từ 390 - 397 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 378 - 385 USD/tấn trong tuần này.

Một nhà xuất khẩu tại Kolkata cho biết đồng rupee tiếp tục mất giá so với đồng USD trong tuần này, giúp các thương nhân giảm giá gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu từ người mua châu Phi vẫn yếu.

Các giám đốc điều hành của những doanh nghiệp trong ngành cho rằng giá gạo toàn cầu, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, khó có thể giảm thêm, nhưng lượng dự trữ lớn của Ấn Độ và mùa màng bội thu ở châu Á sẽ hạn chế giá gạo phục hồi trong năm nay.

Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 420 USD/tấn từ mức 410 USD/tấn được báo giá trong hai tuần qua, do đồng baht tăng giá, nhưng theo các thương nhân, nhu cầu vẫn ảm đạm.

Một thương nhân tại Bangkok cho biết hiện chưa có giao dịch mua lớn nào, nhưng xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan có thể ảnh hưởng đến nguồn cung. Thương nhân này cũng cho biết nguồn cung tại Thái Lan được dự đoán sẽ dồi dào trong năm nay nhờ mực nước thuận lợi.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá đậu tương và ngô kỳ hạn tại trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng trở lại trong phiên 9/5, nhờ hoạt động mua vào trước khi cuộc gặp giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc diễn ra vào ngày 10/5 và báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được công bố vào đầu tuần tới.

Hợp đồng lúa mỳ kỳ hạn giảm xuống mức thấp kỷ lục, do thời tiết thuận lợi ở khu vực đại bình nguyên Bắc Mỹ của nước Mỹ và nhu cầu xuất khẩu ảm đạm khiến các nhà giao dịch và các quỹ hàng hóa tăng cường bán khống.

Giá lúa mỳ trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất trên CBOT đã giảm 7,5 xu Mỹ, đóng cửa ở mức 5,2075 USD/bushel. Đặc biệt, giá lúa kỳ giao tháng Bảy chạm mức thấp kỷ lục 5,215 USD/bushel.

Ngược lại, giá đậu tương trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất trên CBOT tăng 6,75 xu Mỹ lên 10,5175 USD/bushel. Giá ngô trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất cũng tăng 2,25 xu Mỹ lên 4,4975 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các quan chức Nhà Trắng cho biết những cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Geneva vào cuối tuần này là một bước hướng tới giảm leo thang căng thẳng và kiềm chế cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thị trường đậu tương đặc biệt nhạy cảm với tình trạng bế tắc về thuế quan giữa Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, và Mỹ, nước xuất khẩu đậu tương lớn thứ hai thế giới.

Doanh số xuất khẩu ngô và đậu tương của Mỹ cũng hỗ trợ giá hay mặt hàng này.

Tuy nhiên, điều kiện gieo trồng lý tưởng ở các vùng trồng ngô và đậu tương của Mỹ đã kìm hãm đà tăng giá, trong khi vụ thu hoạch ngô sắp tới của Brazil được dự đoán sẽ khiến nhu cầu toàn cầu dịch chuyển khỏi nguồn cung ngô của Mỹ trong những tuần tới.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê trên hai sàn London và NewYork diễn biến trái chiều trong phiên 9/5. Giá cà phê Robusta quay đầu giảm, trong khi giá cà phê Arabica tiếp đà tăng nhẹ. Thông tin xuất khẩu cà phê tháng 4/2025 của Brazil giảm tới 31,9% đã tiếp tục hỗ trợ cà phê trên sàn New York. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường khá trầm lắng do tâm lý thận trọng trước các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, giá cà phê Robusta tại London giao tháng Bảy giảm 39 USD/tấn xuống 5.226 USD/tấn, giá giao tháng Chín giảm 32 USD/tấn xuống 5.181 USD/tấn.

Trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng Bảy tăng 0,3 xu Mỹ/lb lên 387,65 xu Mỹ/lb, giá giao tháng Chín tăng 0,5 xu Mỹ/lb lên 382,3 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).

Còn tại Việt Nam, giá cà phê ngày 10/5 trong khoảng 128.000 - 128.200 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 127.800 đồng/kg.

Tại các huyện Cư M'gar, Ea H'leo và Buôn Hồ của Đắk Lắk, giá cà phê hôm nay ở mức 128.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thu mua cà phê ở Gia Lai và Kon Tum.

Tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 128.200 đồng/kg; tại Gia Nghĩa và ở Đắk R'lấp là 128.100 đồng/kg.

Bích Hồng - Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-gao-xuat-khau-giam-20-20250511122324950.htm
Zalo