Chờ cho đến Tết

Khoảng từ giữa tháng Mười âm lịch, khi dự cảm đã hết mùa bão lũ, chỉ còn mưa lây phây, người miền Trung quê tôi bắt đầu nghĩ đến Tết. Tâm trạng chờ Tết không ai giống ai, nhưng hầu như ở mỗi độ tuổi đều có chút tương tự nhau.

Ngày hai chín, ông bà nội tôi đều gói bánh chưng, bánh tét và ngồi cùng nhau canh lửa nấu qua đêm - Ảnh: H.C.D

Ngày hai chín, ông bà nội tôi đều gói bánh chưng, bánh tét và ngồi cùng nhau canh lửa nấu qua đêm - Ảnh: H.C.D

Những đứa trẻ rục rịch chuẩn bị cho đợt thi hết học kỳ một, lo lắng có, sợ sệt có. Và chúng tự bảo nhau gắng cho qua kỳ thi, rồi sẽ được nghỉ chừng nửa tháng ăn Tết.

Đám thanh niên đi làm mong cuối năm có tiền thưởng. Những dự tính sắm sửa dường như chỉ chờ có Tết, để một dịp làm mới mình hoặc đắp bù những thứ đang thiếu. Đôi giày rạn da, thôi kệ, đằng nào mùa mưa chẳng ai nhìn xuống chân mình mà lo, để Tết khô ráo sắm luôn. Sơ mi công sở trời lạnh khuất trong mớ áo len áo ấm rồi, cũng chả ai thấy, mặc đồ cũ xấu xấu chút cũng chả sao .

Cần một cái điện thoại trượt trượt lướt lướt cũng phải chờ tới Tết. Vì năm mới phải mới đồng bộ, vân vân, mọi thứ đều phải chờ tới Tết có tiền mới sắm sửa được. Rồi cũng tới cái lúc nhận được xấp tiền thưởng (có khi chỉ mỏng dính vài tờ), phải cân đong đo đếm coi sắm được chừng nào, mà hẳn bao nhiêu cũng không đủ nhu cầu.

Cưới vợ lấy chồng rồi thì những nhu cầu trưng diện ít đi, họ chuyển qua nỗi lo cơm áo gạo tiền. Những kẻ chật vật thường vay chỗ này mượn chỗ kia với lời hứa: “Tết trả hết”. Họ chờ Tết trong tâm trạng run rẩy dè dặt, vừa mong hết năm để giải quyết nợ nần nhưng vừa sợ Tết tới sớm quá không kịp trở tay .

Miền Trung ba tháng cuối năm mưa rét dầm dề, chẳng ai xây dựng gì vào lúc này, đám thợ hồ gói áo quần nhảy vào miền Nam kiếm tiền ăn Tết. Cuối năm, vợ ở nhà trông chồng, con ngong ngóng cha về, ngoài sự mong nhớ còn là chờ xem trong cái túi quần người đi xa mang về được bao nhiêu tiền. Tết với họ dường như gói gọn một cục trong đó, rồi nở ra, thế là Tết!

Sống ở quê, tôi thấy Tết quê có cầu kỳ chuẩn bị thật nhưng không đến nỗi phải tốn kém quá nhiều. Bánh chưng bánh tét thì nếp nhà đã trồng được, lá chuối ra vườn tước xén. Rượu trắng mua mấy lò trong làng, đem về ngâm ít trái cây, cũng rẻ. Mấy thứ mứt kẹo cho trẻ con ra chợ mua cỡ mấy trăm ngàn là ê chề.

Cái quan trọng nhứt là mâm cỗ tất niên cúng mời ông bà thì cũng “ăn gì cúng nấy”, hơn bữa cơm thường một chút thôi. Cho nên nói kiếm tiền ăn Tết với nhiều người thực chất là kiếm tiền để trả nợ trước khi đónTết. Cả một năm ăn, vây nợ ra, Tết như một dịp thanh toán. Cùng đường không trả được, sẽ có câu hẹn: “Ra năm tính sau”.

Mấy thím ở quê hay kêu “Tết thêm mệt”. Hồi nhỏ tôi không hiểu ý các thím, lại cảm giác dường như họ làm cho mấy đứa trẻ mất hứng theo. Lớn lên mới biết nhà mình cũng rơi vào cảnh tối ba mươi có người tới hỏi thăm đủ tiền trả nợ hay chưa. Phải qua giao thừa mới tin là Tết thật. Nhưng cái niềm hào hứng chưa được bao lâu thì cũng lại phải lo lắng, vì cái câu “ra năm tính sau” cũng rất gần.

Những cụ già chờ Tết để mình được thọ thêm một tuổi. Nhưng thêm một tuổi cũng đồng nghĩa gần với cái sự nhắm mắt vĩnh viễn hơn. Thế nên người già chờ mà không phải chờ. Ở cái tuổi ấy, những nhu cầu hình như đã không còn quá quan trọng. Càng ngày chỉ càng già đi, nhức mỏi hơn, ho nhiều thêm, ăn ít đi, mọi thứ trên thân thể đều theo chiều hướng xấu. Chỉ có tuổi là được thêm một, cũng có cớ để hãnh diện.

Trong nỗi chờ đợi của những người già, có chút ngậm ngùi. Nhưng để ý một chút sẽ thấy chính họ lại mang nhiều tín hiệu mùa xuân nhất, tự trong sự rục rịch chuẩn bị. Giữa tháng Mười một, ông già sẽ lo chuyện hái lá mai. Giống hoàng mai năm cánh vùng Bình Trị Thiên hái lá sớm so với mai miền Nam, nhưng lại không nhất thiết phải hái đúng ngày, cứ túc tắc cả tuần cũng được. Cung cách thong dong đó của mai, gần với những ông già.

Đầu tháng Chạp, các bà cụ sẽ đi quanh vườn nhắm coi buồng chuối nào để dành được, mấy bụi lá gai có đủ lá để làm bánh ít đen không. Áp Tết, trong lúc người trẻ lo đi coi chợ hoa thì người già lo gói bánh. Bây giờ nhà nào vắng những ông bà già thường không bày biện gói bánh nữa. Thế nên, nhà nào có ông bà già thì Tết ấm áp hơn.

Người già chờ Tết bằng những cựa quậy tay chân, để chống lại sự tàn phai mà mùa xuân ban cho họ. Ngày hai chín, ông bà nội tôi đều gói bánh chưng bánh tét và ngồi cùng nhau canh lửa nấu qua đêm. Dường như đó là khoảnh khắc chờ Tết ý nghĩa nhất mà tôi cảm nhận được.

Ai cũng biết thời gian đi rất đều, không vì mình mong mà nó đi nhanh hơn, hoặc mình sợ mà nó chậm lại. Chờ hay không chờ rồi đằng nào nó cũng đến, tuần tự đúng hẹn. Chờ Tết không hẳn là nôn nao đợi chờ, háo hức mong ngóng. Có khi vừa chờ vừa đề phòng, một cảm giác không gì thoải mái cả. Thế nhưng người ta vẫn nghĩ Tết là vui. Chắc vì phải như thế mới là Tết, chứ đời bình lặng suôn sẻ quá cần Tết làm chi nữa.

Hoàng Công Danh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cho-cho-den-tet-190878.htm
Zalo