Để con được khôn lớn trong tư tưởng của cha mẹ
Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng thái quá về con cái. Họ thay con làm mọi thứ và không để chúng có cơ hội tự lập. Điều này sẽ khiến bé cảm thấy tự ti vì không được tin tưởng.
Trong lĩnh vực tâm lý học, có một thuật ngữ chuyên môn gọi là “mạng lưới hỗ trợ tinh thần”, chỉ mức độ hỗ trợ mà một người có thể nhận được về mặt tinh thần từ gia đình và xã hội xung quanh.
Cụ thể, những người có mạng lưới hỗ trợ tinh thần vững chắc luôn có người lắng nghe, chia sẻ và đồng hành khi họ gặp khó khăn hay tổn thương. Ngược lại, những người không có mạng lưới này thường cảm thấy cô đơn và thiếu sự thấu hiểu, không có ai giúp đỡ khi họ đau khổ. Kết quả là, những người này dễ rơi vào tình trạng tuyệt vọng và có thể thực hiện những hành vi tiêu cực.
Nguyên nhân khiến nhiều trẻ cư xử quá khích không nhất thiết là vì các em phải chịu đựng những nỗi đau quá lớn, mà có thể là vì trái tim của các em không có đủ không gian để chứa đựng nỗi đau ấy. Điều này giống như việc đặt một hạt vừng lên một tờ giấy nhỏ, hạt vừng sẽ nổi bật, nhưng nếu đặt nó trên một chiếc đĩa lớn hoặc giá to, hạt vừng sẽ trở nên khó thấy.
Trái tim của trẻ cũng vậy: Khi không gian nội tâm nhỏ hẹp, một nỗi đau nhỏ cũng có thể lấp đầy nó; nhưng khi không gian ấy rộng hơn, những tổn thương sẽ không còn quá đáng sợ.
Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ thường cố tránh làm con cái buồn bực hoặc tổn thương, nhưng trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi trưởng thành. Chính vì vậy, thay vì bao bọc con quá mức, cha mẹ nên giúp trẻ mở rộng không gian nội tâm, kiên trì nuôi dưỡng trái tim trẻ bằng tình yêu thương.
Một vấn đề cần nhắc đến là nhiều bậc cha mẹ hiện nay có xu hướng “tụt hậu” so với sự phát triển của con mình. Khi con mới chào đời, họ chăm sóc kỹ lưỡng và lo lắng về mọi mặt cho trẻ. Tuy nhiên, khi con đã 12 tuổi, nhiều phụ huynh vẫn chăm chút mọi thứ cho trẻ như thể các em vẫn còn là trẻ sơ sinh.
Đến tuổi 14, khi trẻ đã bắt đầu có khả năng tự lập và tự bảo vệ mình, cha mẹ vẫn áp đặt nhiều hạn chế và cấm đoán như khi các em còn nhỏ. Điều này xuất phát từ việc nhiều phụ huynh thường tự cho mình là đúng và nhìn nhận con cái theo cách mà họ tưởng tượng, đánh giá thấp năng lực thực sự của trẻ, từ đó làm hạn chế khả năng phát triển của các em.
Cha mẹ cần phải bắt kịp sự phát triển của con cái để hiểu rõ khả năng và năng lực của trẻ đã đến mức nào. Từ đó, họ mới có thể điều chỉnh phương pháp nuôi dạy phù hợp và linh hoạt hơn.
Đây chính là việc “theo kịp thời đại” trong việc làm cha mẹ. Nếu không, cha mẹ sẽ chỉ kìm hãm con cái và không thể hoàn thành vai trò dẫn dắt con trưởng thành.
Chỉ khi “theo kịp thời đại” và đồng hành cùng con cái trong quá trình trưởng thành, cha mẹ mới có thể thực sự hiểu con mình hơn, cung cấp cho con những “dưỡng chất yêu thương” cần thiết. Điều này giúp tạo ra một mảnh đất vững chắc để trẻ có thể phát triển về mặt tinh thần.Trên nền tảng này, trẻ sẽ xây dựng được mạng lưới hỗ trợ tinh thần cho bản thân.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ sẽ không còn căng thẳng. Dù có bất đồng quan điểm hay cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, trẻ vẫn sẽ tin tưởng rằng cha mẹ luôn yêu thương và sẵn sàng đồng hành cùng mình. Điều này mang lại cảm giác an tâm cho trẻ.
Thứ hai, với sự ủng hộ và tình yêu từ gia đình, trẻ sẽ mở rộng được các mối quan hệ xã hội, có nhiều bạn bè hơn. Khi gặp khó khăn hoặc cảm thấy không vui, trẻ có thể tâm sự và nhờ bạn bè hỗ trợ, góp ý, từ đó giúp trẻ cảm thấy có điểm tựa tinh thần vững chắc.
Thứ ba, khi trẻ có một mạng lưới hỗ trợ tinh thần và cha mẹ giữ vị trí quan trọng trong đó, điều này cho thấy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đã phát triển như những người bạn thực sự.
So với bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức phong phú hơn, nhờ đó, họ có thể hỗ trợ con cái hiệu quả hơn khi đối mặt với những khó khăn. Đồng thời, cha mẹ có thể đưa ra những góp ý thiết thực, giúp trẻ định hướng và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.