Hạt đậu Phật là đậu gì?

NSGN - Trong tác phẩm Ích bộ phương vật lược ký (益部方物畧記) của nhà văn, nhà sử học thời Bắc Tống 北宋 (960-1127), tên là Tống Kỳ 宋祁 (998-1061), đã ghi nhận về một loại đậu, gọi là Đậu Phật (Phật đậu, 佛豆)1.

Trong bộ Khâm định tứ khố toàn thư (欽定四庫全書)2, phần Triết giang thông chí (浙江通志), mục Sản vật (Vật sản, 物産) cũng bổ sung và xác định thêm: Đậu Phật còn gọi là đậu Oản (佛豆一名豌豆).3

Trong kinh điển Phật giáo, cụ thể là kinh Trung A-hàm, số 63, kinh Tỳ-bà-lăng-kỳ kinh (鞞婆陵耆經) đã ghi nhận về loại đậu này qua lời dạy của Đức Phật liên quan đến thợ gốm Nan-đề-bà-la (難提波羅, Ghatikara):

"Này A-nan! Thợ gốm Nan-đề-ba-la trọn đời không cày cuốc, không tự tay đào đất, không bảo người đào, chỉ lấy đất sạt lở nơi bờ đê hoặc đất do chuột đào hang để làm đồ gốm, rồi đem ra trao đổi với người mua, bảo với họ: “Các vị nếu có đậu Oản (豌豆), lúa thóc, lúa mì, hạt mè, hạt cải thì đem đến đây, rồi mang đồ gốm này đi, tùy theo ý muốn”.4

Bản kinh Trung A-hàm này có kinh tương đương là kinh Ghaikāra5. Sau khi đối chiếu với đoạn liên quan thì đậu Oản được kinh Trung bộ ghi là Kalāya6. Thuật ngữ này được các bộ từ điển Pāli giải thích không trùng nhau, nhưng căn cứ theo từ điển Pāli-Myanmar của U Hoke Sein và Ba-Hán từ điển (巴漢詞典) của ngài Minh Pháp (明法尊者) thì được xác định là đậu Oản, với tên gọi khoa học là Pisum Sativum.

Loài Pisum sativum, Phạn ngữ ghi là Kalāya (कलाय), được cổ thư y khoa Āyurveda (आयुर्वेद) ghi nhận và định danh. Theo từ điển (CRC World Dictionary), trong thuật ngữ sinh học Kalāya, đã xác nhận rằng, Kalāya (कलाय) có tên gọi là Pisum sativum và cũng có tên đồng nghĩa là Lathyrus oleraceus Lam7. Căn cứ vào tên khoa học Pisum sativum vừa nêu, loại đậu này được xác định bằng tên gọi thông dụng hiện nay ở Việt Nam là đậu Hà Lan.

Trong kinh điển Phật giáo, đậu Oản (豌豆) cũng còn được gọi là đậu Hồ (Hồ đậu, 胡豆), là một vị thuốc, đồng thời cũng là thức ăn bổ dưỡng. Theo Phật thuyết Phật y kinh (佛說佛醫經): Trong ba tháng mùa đông có gió lạnh, âm và dương hòa quyện, nên ăn gạo tẻ, đậu Hồ, canh và đề-hồ8. Theo Luật Ma-ha-tăng-kỳ, đậu Hồ là một trong mười bảy loại lương thực (十七種穀)9 mà Tỳ-kheo được phép dùng.

Theo Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội (Hanoi Drug, Cosmetic, Food Quality Control Center), đậu Hà Lan có thể dùng làm những vị thuốc sau:

Chữa chứng rối loạn tiêu hóa, bụng đầy tức khó chịu: đậu Hà Lan 200g, Hương Nhu 60g, sắc với nước, chia làm 3 phần uống trong ngày khi thuốc còn ấm. Chữa ung thũng, mụn lở loét: đậu Hà Lan sao khô, tán thành bột mịn, bôi vào những chỗ lở loét. Chữa tăng huyết áp: đậu Hà Lan nấu nhừ, thêm đường đỏ vào thành món chè, ăn sau các bữa cơm hàng ngày. Hỗ trợ chữa đái tháo đường: dùng đậu Hà Lan nấu thành các món ăn khác nhau, ăn trong bữa cơm hàng ngày. Hoặc: ủ đậu cho mọc thành giá, khi dùng đem giã nát, ép lấy nước cốt, uống 2 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 100ml. Sản phụ sau sinh ít sữa: đậu Hà Lan 200g, Móng lợn 1 đôi, cùng nấu chín, thêm mắm muối, gia vị cho vừa để ăn. Có thể chỉ dùng đậu Hà Lan nấu canh ăn. Chữa tiểu khó: đậu Hà Lan 60g, sắc nước uống ngày 3 lần.10

Có thể nói, tên gọi đậu Phật (Phật đậu, 佛豆), đậu Oản (Oản đậu, 豌豆), đậu Hồ (Hồ đậu, 胡豆) đều có chung tên khoa học là Pisum sativum, đều là tên gọi khác chỉ cho đậu Hà Lan (Hà Lan đậu, 荷蘭豆). Thực chất của tên gọi đậu Hà Lan chỉ mới được định hình trong những giao thương buôn bán giữa Trung Quốc, Việt Nam và Hà Lan vào khoảng thế kỷ XVIII, thông qua con đường quan hệ ngoại giao, giao thương buôn bán giữa quốc gia này với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á11. Trong khi đó, tư liệu xưa nhất ghi nhận về loại đậu này là tác phẩm Ích bộ phương vật lược ký (益部方物畧記) xuất hiện từ thời Bắc Tống 北宋 (960-1127), với tên gọi là Đậu Phật (Phật đậu, 佛豆). Đây là một tên gọi vừa có ý nghĩa lịch sử, vừa gắn liền với địa danh lưu xuất và hơn hết là mang một ý nghĩa thiêng liêng. Trên tinh thần tìm lại cội nguồn, nên chăng hãy gọi đậu Hà Lan là Đậu Phật, như là sự tôn vinh một nguồn dinh dưỡng có nguồn cội từ cổ xưa và có tác dụng tích cực cho cả thân tâm.

______________

(1) Nguyên tác: Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Địa lý loại, Tạp ký chi thuộc, Ích bộ phương vật lược ký (欽定四庫全書,史部,地理類,雜記之屬,益部方物略記).

(2) Tứ khố toàn thư (四庫全書) được xem là bộ bách khoa vĩ đại nhất của Trung Quốc, được hoàng đế Càn Long (朝乾) nhà Thanh chỉ đạo thực hiện.

(3) Nguyên tác: Khâm định tứ khố toàn thư, Sử bộ, Địa lý loại, Đô hội quận huyện chi thuộc, Triết giang thông chí, quyển 106 (欽定四庫全書,史部,地理類,都會郡縣之屬,浙江通志,卷一百六).

(4) Tỳ-bà-lăng-kỳ kinh 鞞婆陵耆經 (T.01. 0026.63. 0499c27). Nguyên tác: 阿難!難提波羅陶師盡形壽手離鏵鍬,不自掘地,亦不教他,若水岸崩土及鼠[13][13]傷土,取用作器,舉著一面,語買者曰: 汝等若有豌豆、稻、麥、大小麻豆、豍豆、芥子,瀉已持器去,隨意所欲.

(5) M.081, Ghaikāra Sutta (kinh Ghaikāra).

(6) Cũng có bản ghi là Kalạ̄ya.

(7) Xem tại, CRC World Dictionary of Medicinal and Poisonous Plants: Common Names, Scientific Names, Eponyms, Synonyms, and Etymology. Mục từ Kalaya.

(8) Phật thuyết Phật y kinh 佛說佛醫經 (T.17. 0793. 0737b13). Nguyên tác: 冬三月有風寒,陽興陰合,宜食粳米、胡豆、羹、醍醐.

(9) Ma-ha tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.3. 0244b23): Nguyên tác 穀者,有十七種:一稻、二赤稻、三小麥、四 麥、五小豆、六胡豆、七大豆、八豌豆、九粟、十黍。十一麻子、十二薑句、十三闍致、十四波薩陀、十五莠子、十六脂那句、十七俱陀[28][28]婆,是名十七種穀.

(10) Xem tại: https://kiemnghiemhanoi.gov.vn/tin-tuc/chi-tiet/nhung-loi-ich-cua-dau-ha-lan. Truy cập ngày 17.8.2023.

(11) Xem thêm những liên hệ giữa Hà Lan và Trung Quốc tại: 欽定四庫全書, 福建通志卷十一; 皇朝文獻通考卷三十八; 欽定大清㑹典則例卷九十七…

Chúc Phú/Nguyệt san Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hat-dau-phat-la-dau-gi-post73786.html
Zalo