Chính thức xử phạt không phân loại rác tại nguồn từ ngày 1-1

Từ ngày 1-1, quy định xử phạt đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn chính thức có hiệu lực. Quy định này được kỳ vọng sẽ làm giảm lượng chất thải phải xử lý, từ đó tiết kiệm chi phí xử lý và quỹ đất chôn lấp rác, tăng tỷ lệ tái chế và tái sử dụng chất thải.

Phân loại rác thải sinh hoạt có khả năng tái chế tại Ngày Môi trường thế giới năm 2024. Ảnh:H.Lộc

Phân loại rác thải sinh hoạt có khả năng tái chế tại Ngày Môi trường thế giới năm 2024. Ảnh:H.Lộc

Đối với Đồng Nai, hoạt động PLRTN đã triển khai 15 năm nay.

Áp dụng xử phạt từ ngày 1-1

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ ngày 1-1-2025, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 nhóm (chất thải tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải khác) trước khi chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển. Trường hợp không PLRTN bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng.

Từ khi quy định được ban hành đến nay, Trung ương đã có nhiều thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn để việc PLRTN được áp dụng đúng thời điểm và mang lại hiệu quả. Giải pháp quan trọng mà các văn bản hướng dẫn đưa ra là tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu và thực hiện. Tiếp đến là đồng bộ hạ tầng kỹ thuật từ thùng chứa rác, điểm tập kết, trạm trung chuyển cho đến xe thu gom, phương tiện vận chuyển rác thải đã phân loại. Chuyển đổi từ công nghệ chôn lấp sang công nghệ xử lý và tái chế chất thải. Cùng với đó, xây dựng định mức đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Tại quyết định về giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của UBND tỉnh, ở lĩnh vực môi trường mục tiêu đặt ra trong năm nay là tỷ lệ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đạt 50% đối với các hộ gia đình và 100% đối với các cơ quan công sở.

Đối với Đồng Nai, đầu năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2024/QĐ-UBND về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Quyết định quy định hộ gia đình, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải sinh hoạt phải thực hiện PLRTN theo quy định. Tự trang bị bao bì chứa chất thải phân loại và bàn giao cho đơn vị thu gom đúng khung thời gian, vị trí.

Trên thực tế, từ năm 2009, Đồng Nai là một trong số địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện PLRTN ở một số phường của thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh. Sau đó, chương trình được nhân rộng ra nhiều phường, xã. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo thực hiện PLRTN và thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho rằng, PLRTN là việc làm mang lại giá trị kinh tế lẫn môi trường. Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến PLRTN. Ngành tài nguyên và môi trường, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân đăng ký thực hiện PLRTN.

Nhờ đó, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 488 ngàn hộ dân đăng ký thực hiện, đạt tỷ lệ gần 60% hộ dân toàn tỉnh và hơn 1,8 ngàn cơ quan, đơn vị có thực hiện PLRTN, đạt tỷ lệ 100%. Nhiều mô hình PLRTN đang được triển khai như: Dân vận khéo phân loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng; PLRTN vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng; Sản xuất IMO từ rác hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; Ngôi nhà rác…

Cần đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và thực hiện

PLRTN là chủ trương đúng đắn, bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp đơn thuần sẽ gây tốn diện tích đất, tốn chi phí vận hành bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Lượng lớn rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng bị chôn vùi ở bãi chôn lấp rất lãng phí.

Theo báo cáo của tỉnh, mặc dù đã triển khai 15 năm, có gần 60% hộ dân đăng ký thực hiện nhưng tỷ lệ rác thải được phân loại tại nguồn còn hạn chế. Nguyên nhân là một bộ phận người dân chưa thực hiện, số thực hiện cũng không thường xuyên. Có 177/432 phương tiện thu gom, vận chuyển rác chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, yêu cầu để riêng chất thải đã phân loại. Toàn tỉnh chỉ có 15/49 trạm trung chuyển chất thải đang hoạt động cơ bản đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và xây dựng, các trạm còn lại chưa đảm bảo lưu trữ riêng chất thải đã phân loại. Chi phí xử lý chất thải từ năm 2018 đến nay không tăng khiến chủ đầu tư khu xử lý gặp khó khăn trong nâng cấp hạ tầng, bổ sung công nghệ.

Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Sonadezi Trần Anh Dũng cho rằng, năm 2023, tỉnh cho điều chỉnh tăng giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức chuẩn hóa phương tiện, thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển và đáp ứng yêu cầu PLRTN. Thế nhưng, đơn giá xử lý rác 6 năm qua vẫn giữ nguyên khiến công ty gặp khó khăn trong duy trì hoạt động; bảo trì, bảo dưỡng máy móc; tái đầu tư công nghệ và nguyên vật liệu cho xử lý chất thải.

Hoạt động PLRTN phụ thuộc nhiều vào ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Tuy nhiên, để người dân tin tưởng, không bỏ cuộc thì phải có điểm tập kết rác, phương tiện thu gom, xe vận chuyển và tổ chức thu gom riêng từng loại chất thải đã phân loại. Đảm bảo mức giá dịch vụ phù hợp để cá nhân, tổ chức hoạt động dịch vụ môi trường duy trì và cải thiện chất lượng. Khi đã làm hết trách nhiệm mà người dân vẫn không thực hiện mới kiểm tra, giám sát, xử phạt.

Trong thời gian tới, các giải pháp trọng tâm thực hiện quy định PLRTN của tỉnh là: đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, trách nhiệm hoạt động PLRTN; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải; kiểm tra hoạt động PLRTN ở các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/chinh-thuc-xu-phat-khong-phan-loai-rac-tai-nguon-tu-ngay-1-1-bcc6526/
Zalo