Thu hút các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công để đầu tư phát triển hệ thống đô thị, nông thôn
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ định hướng ưu tiên phát triển hệ thống đô thị và nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để tổ chức thu hút các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đầu tư phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo các quy hoạch, kế hoạch đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.
Mới đây (ngày 5/1/2025), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 28/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2024 (Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn) bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp trong việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, đảm bảo với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phân công trách nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương theo chức năng nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn.
Theo Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công: Việc đầu tư các dự án quan trọng quốc gia được thực hiện theo danh mục các dự án quan trọng quốc gia đã được phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành tại Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ.
Các dự án đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng, dự án nâng cấp, phát triển đô thị, nông thôn và các khu chức năng của từng vùng sử dụng nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch tỉnh và theo Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục triển khai các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, các dự án phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển đô thị giảm phát thải, các chương trình, đề án phát triển đảm bảo an sinh nhà ở và các dự án phát triển nông thôn theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với Dự án sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ định hướng ưu tiên phát triển hệ thống đô thị và nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để tổ chức thu hút các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đầu tư phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo các quy hoạch, kế hoạch đảm bảo hiệu quả và đúng quy định.
Kế hoạch phân công các Bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và các văn bản dưới Luật quy định chi tiết; Luật Quản lý phát triển đô thị và các văn bản dưới Luật quy định chi tiết; Luật Cấp, thoát nước và các văn bản dưới Luật quy định chi tiết.
Các Bộ ngành, địa phương liên quan xây dựng các đề án, chương trình trình Thủ tướng Chính phủ gồm: Chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc...
Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chỉ tiêu phát triển đô thị, nông thôn thời kỳ đến năm 2030:
Hệ thống đô thị: Tỷ lệ đô thị hóa năm 2030 đạt trên 50%; năm 2050 đạt 70%; số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 03 - 05 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.
Hệ thống nông thôn: Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu cả nước có khoảng 70% số huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó 35% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu 100% huyện có đô thị.
Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa - Thể thao...
Cũng theo quy hoạch, có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).