Chính sách vay vốn: Chắp cánh hy vọng cho người hoàn lương
Sau khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, Bạc Liêu đã tiên phong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho người chấp hành xong án phạt tù. Những khoản vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là nhịp cầu nhân ái, tiếp thêm nghị lực để họ vượt qua mặc cảm, vững vàng tái hòa nhập và viết tiếp hành trình cuộc đời bằng chính đôi tay của mình.
Thấu hiểu được tâm lý của người người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về địa phương thường đối mặt với rất nhiều khó khăn, kể từ khi Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là Công an tỉnh đã lập danh sách, thẩm định đủ điều kiện, tiêu chuẩn, việc tiến hành cho vay, giải ngân đảm bảo đúng thời gian quy định, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người CHXAPT hoặc người đại diện hợp pháp đối với người CHXAPT.

Người CHXAPT được hỗ trợ vay vốn tại ngân hàng
Tính đến 31/3/2025, tổng dư nợ cho vay chương trình tín dụng đối với người CHXAPT là 3,8 tỷ đồng, với 78 người được vay vốn để lao động sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng.
Điển hình là trường hợp ông P.V.V (ngụ khóm 2, phường 7, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), sau khi được đặt xá, tha tù trước thời hạn vào dịp 30/4/2021. Bản thân ông V lúc này không có nghề nghiệp, nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào việc buôn bán của vợ để nuôi 3 nhân khẩu trong gia đình.
Nhưng nhờ sự quan tâm của ban ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, đặc biệt là hỗ trợ nguồn vốn vay từ NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho ông V vay với số tiền 40 triệu đồng có thời hạn trả dần trong 3 năm.
Từ đây ông V đã cùng vợ có thêm nguồn vốn tập trung đầu tư mua thêm dụng cụ, chỉnh trang lại quán ăn bán đồ ăn sáng để kiếm thêm nguồn thu nhập. Hiện nay quán ăn của gia đình ông V dần đi vào ổn định.

Ông P.V.V (người áo sọc bên phải) trò chuyện cùng cán bộ NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
“Do quán nhỏ nên không có thuê thêm nhân viên phụ bán mà 2 vợ chồng tôi trực tiếp đứng bán, tự phục vụ để lấy công làm lời. Được khách thương nên hàng ngày lượng khách đến quán đều ổn, mỗi ngày trừ tất cả các khoản chi, vợ chồng tôi thu nhập trên 500 ngàn đồng, phần nào đã giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Tôi xin chân thành cảm ơn chính quyền địa phương, các ngành đoàn thể và NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ để những người lầm lỗi như tôi có cơ hội làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng. Tôi mong thời gian tới NHCSXH sẽ tạo thêm điều kiện để gia đình tôi được vay thêm nguồn vốn mới để tập trung phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn”, ông V chia sẻ.
Hay trường hợp khác là hộ ông Lâm Hoàng Dũng (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu), được biết vợ ông Dũng là bà N.T.T (46 tuổi) là một trong những người sau khi mãn hạn tù từ tháng 10/2022 đủ điều kiện để được nhận vay từ NHCSXH.
Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ công an, các ngành đoàn thể và chính quyền địa phương, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cán bộ NHCSXH tỉnh mà gia đình ông Dũng, bà T. đã được vay vốn với số tiền 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này ông đã tập trung đầu tư vào tiệm sửa chữa xe mô tô của gia đình.
Bằng tính cần cù, chịu khó, đến nay tiệm sửa chữa xe của ông Dũng ngày càng ăn nên làm ra, nguồn thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo thu nhập cuộc sống gia đình.

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh và Công an Bạc Liêu thăm hỏi gia đình ông Lâm Hoàng Dũng nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2025
“Tôi luôn mong rằng trong thời gian, chính quyền, đoàn thể, các anh công an và cán bộ NHCSXH sẽ luôn đồng hành cùng với những người từng lỡ lầm như chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn NHCSXH để có điều kiện sản xuất, làm ăn chân chính, thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng ở địa phương, qua đó còn làm giảm nguy cơ tái phạm và góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội”, ông Dũng chia sẻ.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, ông Trần Quang Sơn – Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu cho biết, Chi nhánh NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã sẽ phối hợp cùng với Công an cấp tỉnh, Công an cấp xã tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về chính sách.
Tuyên truyền về những mô hình sử dụng vốn có hiệu quả để tạo sức lan tỏa và đồng thời tiếp tục rà soát trường hợp những người CHXAPT trở về địa phương và tuyên truyền về chính sách và giúp cho họ có nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quang Sơn – Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu
“NHCSXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt quy trình, thủ tục cho vay, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người CHXAPT vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần giảm nguy cơ tái phạm tội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn;
Đồng thời tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, lực lượng công an giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay và thu hồi nợ, bảo đảm chương trình được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng và đạt hiệu quả”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu thông tin.
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay từ NHCSXH đối với người CHXAPT mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp những người từng mắc sai lầm trong cuộc sống có thể tái hòa nhập cùng cộng đồng, "làm lại cuộc đời", góp phần đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.