Chính sách tín dụng đặc biệt: Cần ranh giới rõ giữa điều hành và giám sát

Chiều 20/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về 3 dự án luật sửa đổi, gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Các tổ chức tín dụng.

ại Tổ 17, đại biểu Đinh Ngọc Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, đã có nhiều đóng góp quan trọng, đáng chú ý là các vấn đề liên quan đến sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Một trong những nội dung được đại biểu Minh đặc biệt quan tâm là đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0% từ Thủ tướng Chính phủ sang Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo đại biểu, về mặt thủ tục hành chính, đây có thể được xem là cải cách nhằm đơn giản hóa quy trình. Tuy nhiên, bản chất vấn đề lại liên quan trực tiếp đến dòng tiền rất lớn từ ngân sách Nhà nước.

Đại biểu dẫn quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư công, theo đó Quốc hội có thẩm quyền quyết định các khoản đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, nếu ngân hàng thương mại (đặc biệt là các ngân hàng ngoài Nhà nước) không thể tự dùng vốn của mình để cho vay đặc biệt với lãi suất 0%, thì khoản lãi suất chênh lệch bắt buộc phải được bù từ ngân sách Nhà nước. Với các dự án lớn như cảng biển, năng lượng, hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ USD, mức bù lãi suất trong thời gian dài hoàn toàn có thể vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng.

“Vấn đề này không đơn thuần là cải cách thủ tục hành chính, mà là sử dụng ngân sách Nhà nước ở quy mô lớn. Vì vậy, việc chuyển quyền quyết định từ Thủ tướng xuống Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần được cân nhắc hết sức thận trọng, tránh để vượt thẩm quyền của Quốc hội”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Ngọc Minh bày tỏ nhiều suy tư về đề xuất khôi phục quy định cho phép tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm - nội dung từng có trong Nghị quyết 42 nhưng không tiếp tục được đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo đại biểu, về mặt lý, việc thu giữ tài sản bảo đảm là phù hợp với nguyên tắc tín dụng thương mại. Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, nơi phần lớn người vay là nông dân, người lao động sản xuất nhỏ, điều này có thể dẫn đến nhiều hệ quả xã hội nghiêm trọng. Ông nêu ví dụ về một nông dân dùng mảnh đất canh tác để thế chấp vay vốn chăn nuôi, nhưng không may mất trắng vì thiên tai: “Liệu chúng ta có nên áp dụng cứng nhắc các quy định xử lý tài sản với họ như với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn?”.

Đại biểu đặt vấn đề về vai trò xã hội của ngân hàng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Tại sao các ngân hàng lớn của Nhà nước năm nào cũng lãi hàng tỷ USD? Phải chăng, đúng như Mác đã nói, ngân hàng là tư bản tài chính và luôn nắm phần chuôi? Chúng ta cần điều tiết chính sách để ngân hàng không chỉ là công cụ tài chính mà còn là thiết chế phục vụ phát triển và an sinh”.

Từ những phân tích trên, đại biểu Đinh Ngọc Minh kiến nghị các cơ quan soạn thảo và Quốc hội cần tiếp tục thận trọng rà soát toàn diện các nội dung của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, phải bảo đảm sự hài hòa giữa hiệu quả tài chính, trách nhiệm xã hội và vai trò giám sát ngân sách tối cao của Quốc hội. Việc hoàn thiện pháp luật cần được đặt trong tổng thể mục tiêu phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau vì bất cập chính sách./.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chinh-sach-tin-dung-dac-biet-can-ranh-gioi-ro-giua-dieu-hanh-va-giam-sat-a39113.html
Zalo