Chính sách tiền tệ 2025: Linh hoạt trước mọi biến động
Năm 2025, chính sách tiền tệ (CSTT) với 'mục tiêu kép' tiếp tục là bài toán 'cân não', đòi hỏi ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một tâm thế chủ động, linh hoạt trước mọi biến động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, 'mục tiêu kép' của CSTT cũng đặt ra những yêu cầu, kỳ vọng cao hơn đối với hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm toán - TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ với Báo Kiểm toán dịp đầu Xuân.
Thưa ông! Ngành ngân hàng khép lại năm 2024 với những con số: Tăng trưởng tín dụng 15,08%, tỷ giá VND/USD tăng 5,03%, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,59%/năm, chuyển giao bắt buộc 2/4 ngân hàng yếu kém… Ông có bình luận gì về những con số này?
Tôi cho rằng những con số đó chứng tỏ năm 2024, NHNN đã đạt được một số chỉ tiêu đề ra, trước hết là về tăng trưởng tín dụng để góp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, biến động tỷ giá 5% là mức biến động phù hợp với tình hình kinh tế của thế giới. Nhìn lại năm 2024, có thể thấy, tỷ giá xuống mức thấp vào khoảng tháng 9 nhưng sau đó bật tăng khiến thị trường hối đoái của chúng ta biến động rất mạnh. Dĩ nhiên, biến động đó phụ thuộc vào tình hình kinh tế của thế giới, đặc biệt là những tháng cuối năm, tỷ giá bị ảnh hưởng bởi chỉ số USD Index (Chỉ số đồng đô la Mỹ) tăng cao, thậm chí lên đến mức 108% sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Đối với 2 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc (Ngân hàng Xây dựng - CBBank chuyển giao cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank chuyển giao cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - MB), về mặt kỹ thuật, đó là sự thành công. Tuy nhiên, điều mà tôi quan tâm là sau khi chuyển giao, các ngân hàng con này sẽ được “vực dậy” và tái cấu trúc như thế nào với sự hỗ trợ của các ngân hàng mẹ để trở thành những ngân hàng hoạt động bình thường. Thành ra, vẫn cần thêm thời gian để thẩm định kết quả đạt được trong việc chuyển giao 2 ngân hàng này.
Điểm đáng lưu ý, thành công của NHNN năm 2024 là điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát một cách khả quan, lãi suất cho vay giảm nhẹ, bình quân là 0,59%/năm. Các yếu tố này tạo thuận lợi trong việc điều hành CSTT năm 2025.
Vậy cụ thể hơn, sự thuận lợi trong điều hành CSTT năm 2025 ở đây là gì thưa ông?
Như tôi đã nói, chúng ta có thuận lợi là khởi đầu kiểm soát được lạm phát, lãi suất cho vay có giảm. Điều đó tạo tiền đề cho NHNN trong năm 2025 có thể tiếp tục nới lỏng CSTT để giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp mà không sợ rơi vào lạm phát.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, theo ông, đâu là thách thức của NHNN trong điều hành CSTT năm 2025?
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam chịu tác động của tình hình kinh tế thế giới. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thay vì giảm lãi suất thì có thể Việt Nam cũng sẽ phải tăng lãi suất, bởi nếu chúng ta giữ khoảng cách lớn giữa lãi suất của USD và lãi suất VND (Việt Nam đồng) thì điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Vì vậy năm nay, mặc dù chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng thách thức trong điều hành CSTT của Việt Nam là làm sao duy trì được tỷ giá ở mức ổn định.
Mặt khác, theo tính toán và dự báo, Mỹ sẽ áp thuế quan rất mạnh đối với hàng hóa của Trung Quốc và các nước xuất siêu vào Mỹ, trong đó có Việt Nam. Mỹ tăng thuế quan thì hàng hóa của Mỹ bán cho người tiêu dùng sẽ tăng giá. Thêm vào đó, Chính phủ mới của ông Donald Trump có thể trục xuất hàng triệu lao động di dân bất hợp pháp khỏi Mỹ, làm tăng giá lao động tại Mỹ. Ngoài ra, với những biện pháp miễn giảm thuế cho giới nhà giàu, bội chi ngân sách Mỹ tiếp tục tăng cao. Các yếu tố này tạo áp lực, đẩy lạm phát của Mỹ lên. Do đó, Fed có thể sẽ phải đảo ngược CSTT và tăng lãi suất để kiểm soát lạm phạt, đồng thời làm tăng giá trị của đồng USD. Những diễn biến trên thị trường tài chính thế giới, địa chính trị cũng như CSTT, chính sách ngoại thương và các chính sách khác của Mỹ đòi hỏi NHNN phải rất chủ động, linh hoạt trong điều hành, đặc biệt là linh hoạt để ứng phó với tỷ giá có thể tăng mạnh trong năm 2025.
Cùng với tỷ giá, tín dụng cần được ngành ngân hàng tính toán liều lượng như thế nào để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra thưa ông?
Chúng ta biết rằng, tăng trưởng kinh tế năm vừa qua là 7,09% và năm nay, Quốc hội đặt mục tiêu 6,5-7%, thậm chí, Chính phủ mong muốn đạt được tối thiểu 8% và cao hơn thế nữa. Đây là mục tiêu khá thử thách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng bởi những biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới, địa chính trị, kinh tế toàn cầu cũng như CSTT của Mỹ.
Nếu muốn đạt GDP 8% thì tăng trưởng tín dụng phải ít nhất gấp đôi GDP, tức là 16%. Tuy nhiên, việc đẩy tín dụng ra nền kinh tế không phải chỉ phụ thuộc vào ý chí của NHNN mà vấn đề chính là các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế có đáp ứng được các điều kiện để vay vốn từ ngân hàng hay không? Năm 2024, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản vẫn rất cao. Chính vì vậy, để có thể vay vốn được ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần cải thiện sức khỏe tài chính.
Bên cạnh việc ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của CSTT. Theo ông, công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán cần phải làm gì để góp phần đảm bảo mục tiêu này?
Phải khẳng định rằng, công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Với công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, điều tiên quyết là những người làm công tác thanh tra, giám sát phải rất liêm chính. Bởi vậy, vấn đề quan trọng trước hết là phải lựa chọn những cán bộ thanh tra liêm chính.
Mặt khác, công cuộc chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các thanh tra viên phải nắm vững kỹ thuật số và không ngừng được bồi dưỡng, nâng cao năng lực.
Bên cạnh đó, phương pháp thanh tra cũng rất quan trọng. Thay vì chỉ tập trung thanh tra việc tuân thủ pháp luật, quy định của NHNN và các quy chế, quy trình nội bộ của ngân hàng, công tác thanh tra cần phải đảm bảo tính toàn diện thông qua việc đánh giá đồng bộ các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, điều hành, lợi nhuận, thanh khoản và sự linh hoạt trên thị trường (tương tự chỉ tiêu CAMELS). Mặt khác, công tác thanh tra cũng cần tập trung đánh giá việc áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế như Basel 2, Basel 3 để kiểm soát rủi ro tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Cùng với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, hoạt động kiểm toán NHNN và các ngân hàng thương mại nhà nước của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đóng một vai trò quan trọng như là một kênh giám sát từ bên ngoài. Công tác kiểm toán lĩnh vực ngân hàng đòi hỏi kiểm toán viên nhà nước phải đi sâu phân tích và có những tiêu chí đánh giá riêng.
Tôi được biết, thời gian tới, KTNN tiếp tục kiểm toán NHNN và các tổ chức tín dụng. NHNN sẽ điều hành chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá và hoạt động ngân hàng như thế nào để góp phần ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống? Quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và đặc biệt, sự chuyển giao bắt buộc có giúp các ngân hàng yếu kém tái cơ cấu được hay không, việc áp dụng Luật các TCTD sửa đổi để xử lý các ngân hàng yếu kém ra sao? Đây là những câu hỏi lớn mà tôi mong đợi lời giải đáp từ sự đánh giá khách quan của KTNN qua hoạt động kiểm toán.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Những diễn biến trên thị trường tài chính thế giới, địa chính trị cũng như CSTT, chính sách ngoại thương và các chính sách khác của Mỹ đòi hỏi NHNN phải rất chủ động, linh hoạt trong điều hành, đặc biệt là linh hoạt để ứng phó với tỷ giá có thể tăng mạnh trong năm 2025.
Cùng với công tác thanh tra, giám sát, việc kiểm toán NHNN và các ngân hàng thương mại nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng như là một kênh giám sát từ bên ngoài, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu