Ngân hàng Chính sách xã hội và hành trình chuyển đổi số
Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chương trình chuyển đổi số Quốc gia và ngành Ngân hàng, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030 và chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đặt nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Từ những năm 2010, chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã chuyển động với tốc độ khá nhanh. Công nghệ thông tin và viễn thông thế hệ mới làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của dịch vụ tài chính. Các ứng dụng công nghệ len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, làm thay đổi mô hình kinh doanh và đem lại những chuyển biến trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân. Công nghệ số được xác định là động lực mới tạo ra bước ngoặt trong sứ mệnh thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam đa số người dân, đặc biệt tại các vùng thôn quê, còn e ngại công nghệ mới, bởi đã quá quen giao dịch tiền mặt. Để không bỏ lỡ chuyến tàu chuyển đổi số và để giúp người nghèo và những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau, có cơ hội tham gia quá trình tài chính toàn diện ở Việt Nam, từ năm 2017 Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động nhằm phát triển nền tảng tài chính số, cải thiện khả năng tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế của Việt Nam.
Từ dịch vụ tin nhắn thông báo số dư…
Bắt đầu từ năm 2018, dịch vụ tin nhắn SMS đã được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thông qua việc nhắn tin đối chiếu số dư tiền vay, tiền gửi của khách hàng. Năm 2019 tiếp tục triển khai nhắn tin thông báo nợ đến hạn và thử nghiệm dịch vụ nhắn tin thông báo biến động tài khoản khách hàng. Sau 2 năm đã có hơn 17 triệu tin nhắn được gửi đến khách hàng có điện thoại di động. Từ năm 2020 đến nay, dịch vụ tin nhắn SMS mở rộng đến tất cả các khách hàng trong hệ thống. Từ đây, khắp các vùng miền trải từ Bắc đến Nam, dịch vụ thông báo tin nhắn tới khách hàng thể hiện nét mới trong quản lý vốn vay. Độ phủ dịch vụ tài chính đến khách hàng ở nông thôn, hẻo lánh tăng lên rõ rệt. Vượt qua được e ngại ban đầu khi tiếp cận với công nghệ mới, dịch vụ tin nhắn đã mang đến cho bà con trải nghiệm lần đầu với dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, nâng cao nhận thức người dân về dịch vụ tài chính trên điện thoại di động vào quản lý vốn vay, đặc biệt là nâng cao hiểu biết tài chính số.
Đánh giá từ góc độ đối với khách hàng, dịch vụ tin nhắn SMS giúp cải thiện khả năng lập kế hoạch trả nợ. Bởi lẽ khách hàng được thông báo một tháng trước ngày trả nợ đến hạn, họ có thể chuẩn bị tiền trả nợ cho ngân hàng; đồng thời góp phần nâng cao khả năng tiết kiệm của các khách hàng, chủ động hơn trong quản lý tài chính.
Còn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, dịch vụ tin nhắn SMS là một bước quan trọng mở đầu quá trình số hóa của Ngân hàng, sau gần 4 năm triển khai dịch vụ, tính đến tháng hết 6/2022 đã có hơn 42 triệu tin nhắn SMS được gửi thành công đến 5,9 triệu khách hàng có đăng ký sử dụng điện thoại di động/6,5 triệu khách hàng có dư nợ với Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận được tin nhắn (trên 90% tổng số khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận được tin nhắn SMS).
… đến Ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách
Sau 22 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay hoạt động tín dụng chính sách đã được Đảng, Chính Phủ và các Bộ ngành đánh giá “là một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, khẳng định chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn của Đảng, Nhà nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân”. Tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến 30/9/2024 đạt trên 357 tỷ đồng với hơn 6,8 triệu khách hàng vay vốn, hơn 169 nghìn Tổ tiết kiệm và Vay vốn (Tổ TK&VV) và gần 10.500 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; trong đó, trên 97% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội là cho vay thông qua ủy thác một số nội dung công việc đến các tổ chức chính trị - xã hội.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, góp phần xây dựng Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đại, hội nhập và thực hiện các mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội và Quốc gia, năm 2021 Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng và triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách (QLTDCS) dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách (Tổ trưởng Tổ TK&VV, Trưởng thôn, cán bộ Ban giảm nghèo cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Ban đại diện các cấp, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội…) ứng dụng đã được đánh giá cao tính hữu ích đối với công việc hằng ngày của người quản lý tín dụng chính sách đặc biệt đối với các Tổ trưởng Tổ TK&VV và Chủ tịch UBND xã.
Ứng dụng QLTDCS là phần mềm hoạt động trên các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android và IOS có các chức năng cung cấp thông tin hoạt động tín dụng chính sách và thực hiện một số nghiệp vụ trong quy trình cho vay trên môi trường số. Đối tượng người dùng được cấp tài khoản sử dụng ứng dụng là Ngân hàng Chính sách xã hội và các thành viên kiêm nhiệm liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) tại 04 cấp: cấp xã, huyện, tỉnh, trung ương; các tính năng chính đã được xây dựng trong ứng dụng gồm: (1) Thông tin địa bàn, (2) Thông báo, (3) Cẩm nang điện tử, (4) Thông tin TDCS Tổ TK&VV, thôn, xã, huyện, tỉnh, Trung ương, (5) Kết quả kiểm tra giám sát, (6) Tìm kiếm, (7) Giao dịch tổ.
Từ tháng 9/2022, ứng dụng QLTDCS được triển khai ứng dụng tại 18 tỉnh, thành phố.Tại các chi nhánh được triển khai, ứng dụng đã được người dùng đón nhận và đánh giá cao, đặc biệt là các Tổ trưởng Tổ TK&VV và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Ứng dụng đã giúp cho người dùng là cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, các thành viên kiêm nhiệm theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thực tế các hoạt động tín dụng chính sách mà mình đang quản lý. Bắt đầu từ tháng 9/2024 , ứng dụng đã được triển khai trên toàn quốc, đã có 214.127 tài khoản người dùng đang hoạt động và 130.521 tài khoản người dùng đang hoạt động được mở mới trong năm 2024, với 70.424 Tổ trưởng Tổ TK&VV đã sử dụng chức năng Giao dịch tổ trong năm 2024; 2.930.096 Khách hàng đã được Tổ trưởng Tổ TK&VV sử dụng chức năng Giao dịch tổ để thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm trong năm 2024; Có 3.033 xã đã nhập thông tin địa phương lên ứng dụng.
VBPS Smartbanking - nâng trải nghiệm khách hàng vay vốn
Sau thời gian khách hàng, Tổ, Hội dần làm quen với những dịch vụ công nghệ số, họ đã không còn bỡ ngỡ với điện thoại thông minh với những ứng dụng của ngân hàng. Công nghệ số đã về làng, vào tận nhà họ. Điều rất nhiều người trong số họ cần lúc này là không bị bỏ lại phía sau trong thời đại số. Khi người ta không cầm tiền vẫn mua được hàng, sáng sớm thức giấc vẫn chuyển được tiền cho con học ở xa; đi xa quê vẫn trả được nợ cho bố, mẹ… Nắm bắt nhu cầu ấy, bên cạnh ứng dụng QLTDCS, tháng 3/2023 Ngân hàng Chính sách xã hội ra mắt ứng dụng VBSP SmartBanking thực sự ấn tượng với hàng triệu khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội, ứng dụng VBSP Smarbanking cho thấy tác động tích cực đặc biệt giúp người dân đặc biệt là là người nghèo, bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… kết nối với nền kinh tế số. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai ứng dụng VBSP Smartbanking đã có 276.224 tài khoản, phát sinh gần 6,5 triệu Giao dịch tương ứng với số tiền 38.000 tỷ đồng.
Và quan trọng hơn những lợi ích của Mobile Banking có thế đến tận những vùng biên giới, hải đảo… Nơi người dân khó tiếp cận với Ngân hàng thương mại.
Sự tiên phong trong nghiên cứu công nghệ trong cung ứng dịch vụ tài chính số của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo tiền đề và các bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển tài chính số cho người dân, đặc biệt là người nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Tầm nhìn đến năm 2030 của Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Nhà nước tập trung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia và các nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hướng tới mục tiêu đó, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do các địa phương, tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác, một trong những giải pháp đó là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Phát triển hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
Vì vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chú trọng ứng dụng các thành tựu công nghệ, phát triển hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, an toàn, phù hợp với yêu cầu quản lý đặc thù của tín dụng chính sách xã hội cũng như đáp ứng quy mô khách hàng, dư nợ tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng của hệ thống, góp phần hiện các mục tiêu trong chiến lược chuyển đổi số của Quốc gia và ngành Ngân hàng, Ngân hàng Chính sách xã hôịđã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc liên kết chuyển đổi số giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước.
Với sự nỗ lực của Ngân hàng Chính sách xã hội việc chuyển đổi số sẽ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, mang đến những tiện ích vượt trội, nâng cao trải nghiệm cho cho khách hàng khu vực nông thôn, từ đó thay đổi trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng và không để ai bị bỏ lại phía sau.