Chính sách 'tam nông' từ nghị quyết đến cuộc sống
Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực - tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn
Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực - tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn
Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn được coi là kim chỉ nam để mỗi địa phương khơi thông các nguồn lực, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, NTM nâng cao. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây dựng đồng bộ; sản xuất nông nghiệp đã từng bước được cơ giới hóa. Giá trị sản xuất, thu nhập trên đồng ruộng được nâng lên, đời sống của người nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, trở thành động lực để phát triển bền vững đòi hỏi các địa phương phải vận dụng một cách linh hoạt các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Cụ thể hóa nghị quyết vào cuộc sống
Trong mỗi giai đoạn phát triển, Nghị quyết của Đảng đã mở ra hướng đi đúng đắn trong phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, với các Nghị quyết 05 – NQ/TU “Về đẩy mạnh CNH nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2035” và Nghị quyết 15 – NQ/TU ngày 15/9/2021 “Về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” đã có nhiều chương trình, đề án, dự án trong lĩnh vực này được triển khai.
Được đánh giá là một địa phương có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, nơi hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng nông thôn của khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng về “tam nông”; trong đó, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bức tranh nông nghiệp, nông thôn của Bình Lục đã khởi sắc toàn diện; đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Để đạt được kết quả đó, ngay sau khi Nghị quyết 15- NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chương trình hành động cụ thể. Huyện ủy Bình Lục ban hành các nghị quyết về xây dựng huyện đạt tiêu chí NTM nâng cao vào năm 2025 và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022 – 2025. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện xây dựng các kế hoạch, đề án đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM phát triển bền vững và triển khai có hiệu quả.
Theo đó, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với những cơ chế hỗ trợ cụ thể: 100 nghìn đồng/m2 xây dựng mô hình nhà kính, 30 nghìn đồng/m2 xây dựng mô hình nhà màn, 20 nghìn đồng/m2 xây dựng hệ thống tưới tự động và bán tự động, 150 triệu đồng/mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 3 mô hình nhà kính công nghệ cao có diện tích 500 m2/mô hình; hàng chục mô hình nhà màn; mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng nho, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đồng Du. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch hơn 121 ha tại xã Đồng Du và thị trấn Bình Mỹ đã triển khai 1 dự án với diện tích 19,5 ha. Trong xây dựng NTM bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu hướng đến đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao, Bình Lục đặt ra mục tiêu đến năm 2024 có ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, duy trì 2 xã NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025. Theo ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Bình Lục, huyện tiếp tục quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là Nghị quyết 15- NQ/TU của Tỉnh ủy. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Cùng với Bình Lục, các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực cụ thể hóa nghị quyết của Đảng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn vào thực tế đời sống. Huyện Lý Nhân đã chú trọng hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và hộ gia đình phát triển mô hình tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn huyện đã thành lập 32 HTX kiểu mới lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng 15 mô hình liên kết sản xuất có tổng diện tích gần 60 ha sản xuất rau, củ, quả... Với thị xã Duy Tiên, căn cứ mục tiêu chiến lược phát triển của tỉnh, thị xã đã tập trung triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo. Theo đó, Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị Duy Tiên theo hướng sinh thái giai đoạn 2021 – 2030” đã được xây dựng và triển khai. Ông Phạm Văn Thập, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Đề án được xây dựng sẽ thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sinh thái trong thời kỳ phát triển công nghiệp và xây dựng đô thị; tạo thêm việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn…
Khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển ổn định và bền vững
Các nghị quyết của Đảng tạo nên bước chuyển biến căn bản thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các nguồn lực đầu tư phát triển được khơi thông, nhất là nguồn lực từ chính người dân. Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT đánh giá: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang có bước đột phá lớn. Trọng tâm là đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, chất lượng cao…
Thực tế cho thấy, khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có sự đổi thay căn bản trong những năm gần đây. Với sản xuất trên đồng ruộng, năng suất lúa đạt bình quân hơn 120 tạ/ha/năm, hướng đến sản xuất lúa chất lượng hàng hóa. Diện tích vụ đông được duy trì với nhiều loại cây có giá trị cao, như: dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, ngô nếp, ngô ngọt, rau thực phẩm… Giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác của tỉnh đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm, những diện tích đất 2 lúa trồng cây vụ đông hàng hóa cho giá trị từ 150 đến 250 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất lúa cũng đang chứng minh hiệu quả cho giá trị cao gấp 3 – 4 lần cấy lúa, như: Mô hình trồng ổi Đài Loan tại xã Thanh Hương (Thanh Liêm), vải u trứng tại Xã Nguyễn Úy (Kim Bảng), bưởi Diễn tại phường Châu Giang (Duy Tiên)… Những khu trang trại chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt, bò sinh sản tập trung được hình thành và phát huy tốt hiệu quả. Như khu chăn nuôi tập trung tại Văn Xá (Kim Bảng) đang có cả chục hộ chăn nuôi lợn với quy mô từ hơn 100 đến 2 nghìn con lợn thịt/lứa, kết hợp chăn nuôi lợn nái… Những khu nuôi trồng thủy sản tập trung đang phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh, nâng năng suất cá đạt gấp 3 lần so với nuôi quảng canh trước đây.
Thu hoạch lúa mùa 2023 tại xã Hoàng Tây (Kim Bảng). Ảnh: Thành Nam
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 64 triệu đồng/năm; những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu trên 70 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến hết năm 2022 chỉ còn 2,6%. Hiện, 100% số xã trong tỉnh đạt chuẩn NTM; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Có được kết quả đó, là do trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào thực tế đời sống, nhiều địa phương đã khơi thông tối đa các nguồn lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, người dân đóng vai trò chủ thể với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hàng trăm trang trại trồng trọt, chăn nuôi được người dân đầu tư với số vốn lên đến hàng tỷ đồng mỗi mô hình. Đơn cử, trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Hồng (xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý) được xây dựng trên diện tích 20 ha đất ruộng trũng chuyển đổi đa canh với quy mô 3.500 lợn thịt, 350 lợn nái và trên 5.000 con gia cầm, cây ăn quả… Trong khoảng 10 năm phát triển trang trại, anh Hồng đã đầu tư 50 tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn. Về phát triển cơ giới hóa trên đồng ruộng đã huy động được nguồn lực khá lớn từ người dân. Để đầu tư 1 máy gặt đập liên hợp công suất lớn hiệu Kubota (Nhật Bản) cần từ 400 đến hơn 600 triệu đồng. Trong khi đó, theo cơ chế hỗ trợ của tỉnh trước đây không quá 80 triệu đồng/máy (mỗi xã không quá 3 máy), như vậy người dân bỏ ra 80 – 90% nguồn vốn…
Tại xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên đang có doanh nghiệp xúc tiến các thủ tục xin cấp phép đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp theo hướng du lịch trải nghiệm trên diện tích hơn 8 ha với nguồn kinh phí lớn. Khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo thành chuỗi liên kết du lịch với làng dệt lụa Nha Xá và khu di tích đền Lảnh Giang xã Mộc Nam. Cũng theo ông Phạm Văn Thập, sản xuất nông nghiệp hiện nay cần phát triển theo chiều sâu, được đầu tư bài bản. Vì thế, rất cần được tạo cơ chế phù hợp để khơi dậy, phát huy và thu hút được nguồn lực xã hội. Thực tế cho thấy, người dân đang cần cơ chế hơn là nguồn vốn hỗ trợ…
Việc khơi thông, thu hút nguồn lực cũng được thể hiện rõ trong đầu tư xây dựng NTM. Trong giai đoạn 2010 – 2020, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM cả tỉnh là 30.935 tỷ đồng, riêng nhân dân đóng góp 1.855 tỷ đồng; giai đoạn 2021 – 2023 đã huy động nhân dân đóng góp hơn 422 tỷ đồng. Hiện nay, hạ tầng khu vực nông thôn cơ bản được đầu tư đồng bộ từ trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, đến đường giao thông thôn, xóm, đường ra đồng, hệ thống kênh mương, trạm bơm…
Quá trình thực hiện các nghị quyết của Đảng đã cho thấy sự thay đổi căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông thôn của tỉnh . Làng quê thực sự đổi mới, môi trường, cảnh quan được bảo vệ theo đúng tiêu chí: Sáng – xanh – sạch – đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Điều đó khẳng định: sự thống nhất cao về nhận thức, ý chí đến hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị đã đưa “tam nông” bứt phá ấn tượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.