Chính quyền Trump 2.0 và sự thay đổi trong cục diện quan hệ Hoa Kỳ - Đông Á
Chính quyền Trump tiếp tục tập trung vào chính sách thương mại cứng rắn và yêu cầu đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia Đông Á trong việc cân bằng lợi ích kinh tế và an ninh.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk Geun (giữa), Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (phải) và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto (trái) đã nhóm họp tại thủ đô Seoul, nhất trí thúc đẩy hợp tác thương mại và tăng cường sự ổn định chuỗi cung ứng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Bình luận trên trang web của Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (IPCS) mới đây, Tiến sĩ Sandip Kumar Mishra, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Á thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế (SIS, JNU) có trụ sở tại Ấn Độ và nghiên cứu viên danh dự tại IPCS, cho rằng các chính sách và hành động khó lường của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai đang gây lo lắng cho cả đồng minh lẫn đối thủ của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Á.
Ưu tiên thương mại hơn địa chính trị
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với Đông Á là việc ông đặt lợi ích thương mại và kinh tế của Hoa Kỳ lên trên các cân nhắc về địa chính trị. Ông Trump đã bắt đầu thực hiện kế hoạch thuế quan trên phạm vi toàn cầu mà không phân biệt giữa đồng minh và đối thủ.
Điều này thể hiện rõ qua cách chính quyền Trump đối xử với các nước đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc không khác gì so với Trung Quốc. Vào đầu tháng 3 năm nay, ông Trump đã cáo buộc cả Nhật Bản và Trung Quốc về việc giảm giá trị đồng tiền của họ. Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó mức thuế đối với hàng hóa từ Nhật Bản được ấn định là 24%.
Ông Trump cũng tuyên bố rằng "thuế quan trung bình của Hàn Quốc cao gấp bốn lần so với Hoa Kỳ" mặc dù Hoa Kỳ đã giúp đỡ Hàn Quốc về mặt quân sự và "rất nhiều cách khác". Thậm chí, ông còn so sánh rằng thuế quan của Trung Quốc chỉ cao gấp hai lần so với Hoa Kỳ, ngụ ý rằng ông đặt Hàn Quốc - một đồng minh thân cận - vào vị thế bất lợi hơn so với Trung Quốc.
Mặc dù chính phủ Hàn Quốc đã giải thích rằng nhờ hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước, "thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ gần như bằng không", điều quan trọng là ông Trump dường như nhắm mục tiêu vào các đồng minh của mình nhiều hơn là các đối thủ. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc hôm 3/4 cho biết chính phủ nước này đã tổ chức cuộc họp khẩn vào đầu giờ sáng nay để thảo luận chiến lược ứng phó với kế hoạch áp thuế đối ứng 25% của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Tổng thống Trump dường như quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với các nền kinh tế Đông Á. Cụ thể: 74 tỷ USD với Đài Loan, 66 tỷ USD với Hàn Quốc, 100 tỷ USD với Nhật Bản và 295 tỷ USD với Trung Quốc
Với quan điểm này, chính quyền Trump dường như muốn áp dụng cách tiếp cận nghiêm ngặt tương tự đối với thâm hụt thương mại với tất cả các quốc gia, không phân biệt mối quan hệ đồng minh hay đối thủ. Nhiều nhà quan sát cho rằng chính vì lý do này mà ông Trump đã không nhắc đến Nhật Bản hoặc Hàn Quốc trong bài phát biểu nhậm chức của mình.
Ngoài ra, ông Trump đã kiên quyết yêu cầu Nhật Bản, Hàn Quốc tăng chi tiêu quốc phòng, đồng thời muốn các nước này đóng góp nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng yêu cầu Hàn Quốc chi 5 tỷ USD để duy trì lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại đây, dẫn đến các vấn đề hành chính phức tạp giữa hai nước. Nhiều khả năng tình huống này sẽ lặp lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Ông Trump cũng đã chỉ trích Đạo luật CHIPS 2022, đạo luật cung cấp tổng cộng 52,7 tỷ USD tiền trợ cấp cho các công ty thành lập cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhiều công ty từ Hàn Quốc như Samsung và SK hynix, cũng như công ty Đài Loan TSMC đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp này trước đây, nhưng có khả năng họ sẽ phải đối mặt với những thách thức mới dưới thời chính quyền Trump 2.0.
Riêng về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên khi gọi nước này là một "cường quốc hạt nhân" trong một bài phát biểu gần đây, và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng sử dụng cách diễn đạt tương tự. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy mong muốn của Trump về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền Trump sẽ tập trung vào "giảm leo thang, giảm thiểu rủi ro và quản lý khủng hoảng như là các mục tiêu chính cho chính sách đối với Triều Tiên" thay vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhìn chung, dưới thời Trump 2.0, chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Á dự kiến sẽ có tính linh hoạt cao và khó đoán. Theo Tiến sĩ Sandip Kumar Mishra, nền tảng của ngoại giao Hoa Kỳ tại Đông Á dường như đã chuyển sang ưu tiên các cân nhắc kinh tế hơn là các mục tiêu địa chính trị và địa chiến lược. Trong tình huống như vậy, các đồng minh sẽ cần phải cảnh giác không kém gì các đối thủ. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến việc các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Á tìm kiếm và xây dựng quyền tự chủ lớn hơn trong chính sách đối ngoại của họ.