Chinh phục đỉnh A Pa Chải
Vào những ngày cuối năm, từ thành phố Hồ Chí Minh tôi đặt chân đến Hà Nội một ngày khí trời se lạnh. Rời Thủ đô Hà Nội gần 700km, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trên chặng đường với núi non hùng vĩ trùng điệp, với những bản làng sương mù giăng mờ mịt, với những đèo mây phủ trắng thênh thang, với những ruộng bậc thang kỳ vỹ, với những nụ cười hồn nhiên thân thiện của những cô gái và em bé tộc người thiểu số. Điểm tôi dừng chân, một nơi ấn tượng, khó quên, xúc động khó tả, đó là Đồn biên phòng A Pa Chải và hành trình chinh phục cột mốc A Pa Chải của tôi.
Cảnh quang nơi tôi đến được mệnh danh là "Con gà gáy cả ba quốc gia đều nghe" thuộc mảnh đất xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Sín Thầu là xã biên giới, toàn xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm phần đông. Thật thú vị chiều ở biên giới Tây Bắc, Đồn biên phòng và những bản làng cứ chìm dần theo hoàng hôn, thay đổi qua nhiều màu sắc. Tôi như được tận hưởng. Xa xa thấp thoáng trong những vạt rừng, những căn nhà hoang sơ nhưng rất vững vàng, cứ thoắt ẩn thoắt hiện. A Pa Chải bồng bềnh trong áng mây trôi, trong màn sương mỏng, trong vệt khói lam...
Mọi thứ cứ mờ mịt dần và cuộn vào màn đêm. Tôi là người con của phố xá thị thành, vùng đất hoang sơ và huyền ảo nơi đây đã mê hoặc. Và chính cái đêm tá túc tại Đồn A Pa Chải, tôi cùng với những người trong đoàn mới thấu hiểu sự thiếu thốn, vất vả, cùng tinh thần trách nhiệm của những người lính biên phòng. Tôi vô cùng khâm phục các anh, hy sinh lặng thầm vì nghĩa vụ thiêng liêng giữ gìn an ninh biên giới. Đồn biên phòng A Pa Chải của các anh có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đường biên giới với 14 cột mốc thuộc 2 tuyến biên giới Việt - Lào và Việt - Trung, một nơi còn gọi là ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào.
Sáng sớm, đoàn chúng tôi rời đồn đi trong mưa, bắt đầu cuộc hành trình chinh phục mốc số 0 - Cực Tây nằm trên đỉnh núi Khoang La San, ở độ cao 1.864m so với mực nước biển. Từ Đồn biên phòng, tôi di chuyển theo đường tuần tra biên giới đến chân núi để leo lên đỉnh, lên mốc. Nghe đơn giản, hứng thú nhưng đi mới thấu hiểu và cảm nhận được một chặng đường đầy vất vả lại rất ý nghĩa. Tôi phải leo dốc bằng xe máy trên con đường loằng ngoằng, trơn trượt. Tôi băng xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh ẩm ướt, lầy lội và vắng bóng người nhưng lại rất đông côn trùng chào đón. Hoa rừng mọc hai bên lối đi, muôn sắc và đủ màu. Gian nan hiểm nguy, nhưng ai nấy trong đoàn đều tỏ ra thú vị và chờ đợi. Một số anh em trong đoàn té bị thương, nhưng họ vẫn đứng lên tiếp tục hành trình, quyết không bỏ cuộc. Vừa leo dốc, tôi vừa ngắm cảnh, thưởng ngoạn. Trên những triền núi, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn được che khuất bởi những áng mây nặng trĩu sắp trút cơn mưa. Dưới chân núi, những bờ cỏ lau đang trổ hoa vàng thẵm như tô điểm thêm cho bức tranh núi rừng sinh động. Dưới cơn mưa không dứt, hoa rừng vẫn khoe sắc bạt ngàn như tạo nên nét đẹp cuốn hút bức tranh A Pa Chải giữa mây trời, núi non hùng vĩ.
Chinh phục được đỉnh A Pa Chải, đứng trên đỉnh A Pa Chải, tôi dâng trào cảm xúc, nhiều người trong đoàn bật khóc. Tôi xúc động. Tôi khóc không phải vì quá khổ cực vượt qua những quả đồi cỏ tranh ngút ngàn, băng qua những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, lội qua những con suối chông chênh, leo dốc qua các ngọn núi cao hiểm trở để chinh phục đỉnh Cực Tây A Pa Chải. Tôi xúc động vì tôi tự hào cho dân tộc mình. Tôi không ngờ rằng có ngày đứng trước mốc A Pa Chải trên vùng núi non trùng điệp, bao la giữa miền biên giới xa xôi của Tổ quốc.
Tôi còn xúc động với lý do khác, đó là tôi được đứng trên mảnh đất mà gần 70 năm trước được xem là đại ngàn Tây Bắc, nơi mà quân và dân Việt Nam đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ lớn mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Một nơi mà quân dân ta đã dựng lên mốc son sáng chói trong dòng chảy lịch sử chống ngoại xâm, giành hòa bình giải phóng dân tộc. Theo các cấp chỉ huy Đồn biên phòng A Pa Chải: "Cột mốc A Pa Chải là ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, được ba quốc gia thống nhất cắm vào ngày 27/6/2005. Đến năm 2007, Đồn biên phòng 317 được thành lập và phụ trách khu vực biên giới bao gồm cả cột mốc số 0. Cột mốc ngã ba biên giới có hình tam giác, có ba mặt quay về ba hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng quốc ngữ riêng và quốc huy ba quốc gia Việt Nam - Lào - Trung Quốc".
Rời vùng Cực Tây của Tổ quốc về lại TPHCM, tôi mang theo nỗi nhớ A Pa Chải. Tôi sẽ mãi không bao giờ quên được cung đường đưa tôi đến A Pa Chải, với cảnh trời Tây Bắc tuyệt đẹp, với những phác họa mây mù bao phủ đỉnh núi, với thác Dải Yếm như tuyệt tác, với đỉnh đèo Pha Đin ngoạn mục, với thành phố Lai Châu chen lẫn cùng mây, với đường đèo Ô Quy Hồ trong sương mù, với chợ đêm Sapa trong lành...