Chính phủ sẽ quyết định đơn vị thực hiện mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành

Ngân sách Nhà nước chưa thể bố trí vốn mở rộng cao tốc TP.HCM Long Thành, trong khi đó doanh nghiệp sẵn sàng làm nhưng cần cơ chế.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT vừa báo cáo Thường trực Chính phủ phương án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành. Trong đó, bộ đề nghị giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) triển khai dự án này.

Để doanh nghiệp làm phù hợp hơn

Theo Bộ GTVT, sau khi có chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc làm rõ phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành, đơn vị đã chủ trì cuộc họp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC.

Tại cuộc họp, các bên bàn thảo về ba hình thức đầu tư dự án: đầu tư công, đối tác công – tư (PPP) và sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước để làm theo hình thức “đầu tư kinh doanh” .

Cách giao cho doanh nghiệp Nhà nước đầu tư tương tự như việc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không hiện nay.

So với đầu tư công và đầu tư theo phương thức PPP, các bên nhận thấy việc giao VEC thực hiện đầu tư dự án sẽ phát huy được vai trò và nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, đồng bộ trong vận hành, khai thác tuyến cao tốc, là tiền đề cho VEC đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc khác.

 VEC đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành. Ảnh: V.LONG

VEC đề xuất mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, VEC là chủ đầu tư và đang vận hành tuyến này, nên việc triển khai dự án phù hợp với tình hình sở hữu tài sản tuyến.

Ngoài ra, VEC làm sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện ngắn hơn sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt, không phải xử lý xung đột lợi ích giữa VEC và chủ thể mới, trường hợp đầu tư theo phương thức PPP.

Về kinh nghiệm, các bên cũng thống nhất VEC đủ năng lực làm chủ đầu tư, quản lý, khai thác vận hành tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

VEC sẽ có tiền đầu tư dự án nhưng...

Về năng lực tài chính của VEC, các bên nhận thấy doanh nghiệp này đang dành tất cả nguồn lực hiện có (khoảng 9.402,67 tỉ đồng) để hoàn thành dự án Bến Lức - Long Thành.

Để VEC có vốn chủ sở hữu thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành phải cho doanh nghiệp được hưởng chính sách khoanh và lùi trả gốc (hơn 3.988 tỉ đồng), lãi liên quan đến khoản vay trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho doanh nghiệp trước đây.

Thêm vào đó, VEC cần được tăng vốn điều lệ từ 1.115 tỉ đồng lên 38.625 tỉ đồng, vì nếu vốn điều lệ thấp ngân hàng không cho vay với số tiền lớn.

Với những khó khăn trên, Bộ GTVT bày tỏ ủng hộ đề xuất của VEC về việc khoanh nợ, tuy nhiên đề nghị VEC nghiên cứu thêm phương án trả nợ phần gốc, lùi phần trả lãi. Trong đó, doanh nghiệp cần làm rõ các khoản lãi trong từng giai đoạn để đề xuất phương án trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Đại diện Bộ GTVT cho biết: Trong trường hợp VEC không đủ khả năng thực hiện, Bộ GTVT đưa ra phương án là Thủ tướng có thể cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để giao cho doanh nghiệp nhà nước (VEC) đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Cạnh đó, VEC cũng cần đẩy nhanh việc báo cáo cấp thẩm quyền để trình Quốc hội tăng vốn điều lệ. Đây là một trong các điều kiện để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét giao VEC đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP. HCM - Long Thành. Đi cùng với đó là chấp thuận cho doanh nghiệp khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho VEC sang giai đoạn 2031-2034.

Liên quan đến đề các vấn đề trên, đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết VEC là doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian qua, doanh nghiệp đã triển khai đầu tư và vận hành các dự án cao tốc như TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đang đầu tư Bến Lức - Long Thành với tổng chiều dài 540 km. Qua đó cho thấy, VEC đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án.

Tuy nhiên, VEC đang gặp hai khó khăn đó là vốn tự có đang dồn hết đầu tư dự án khác và trả nợ. Còn đi vay thương mại thì vốn chủ sở hữu quá thấp, trong khi đó số tiền cần vay rất lớn. “Vì vậy, VEC cần hai cơ chế là tăng vốn điều lệ, khoanh khoản vay để có tiền làm dự án là phù hợp”- đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay.

Còn đại diện Bộ Tài chính, cho rằng để trình cấp có thẩm quyền tăng vốn điều lệ VEC cần bổ sung làm rõ các nội dung về phạm vi, đối tượng và sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn điều lệ; xác định mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ; xác định thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ cho VEC là Thủ tướng sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư.

Về khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu, Bộ Tài Chính yêu cầu VEC phải trả gốc và lãi đầy đủ trong giai đoạn 2024-2026 theo đúng cam kết, không đặt vấn đề khoanh nợ sang giai đoạn 2033-2036. Trường hợp VEC chậm trả nợ (gốc, lãi), VEC phải thanh toán lãi phạt chậm trả bằng 150% mức lãi suất phải trả cho ngân sách Nhà nước.

Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nếu giao cho VEC mở rộng dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành cần phải cho doanh nghiệp áp dụng các cơ chế trên, nếu không họ sẽ khó đáp ứng năng lực tài chính để đầu tư.

Hiện VEC đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cấp thẩm quyền phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành.

Theo đó, dự án được đề xuất mở rộng lên 8-10 làn xe tùy đoạn, với vốn đầu tư hơn 14.955 tỉ đồng, bao gồm hơn 5.555 tỉ vốn chủ sở hữu của VEC (37% tổng mức đầu tư), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (63% tổng mức đầu tư). Dự án sẽ thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 12-2027.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chinh-phu-se-quyet-dinh-don-vi-thuc-hien-mo-rong-cao-toc-tphcm-long-thanh-post822068.html
Zalo