Chính phủ Pháp đối mặt nguy cơ sụp đổ
Chính phủ Pháp đang đứng trước nguy cơ sụp đổ sau khi các đảng cánh tả và cực hữu ngày 2/12 đồng loạt đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Michel Barnier.
Động thái này làm trầm trọng thêm khủng hoảng chính trị tại nền kinh tế lớn thứ hai khu vực đồng Euro, gây nghi ngờ về khả năng thông qua ngân sách quốc gia. Việc các nhà đầu tư phản ứng tiêu cực đã đẩy lợi suất trái phiếu Pháp lên cao và làm đồng Euro sụt giá.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp quốc gia (RN), tuyên bố ông Barnier đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.
RN và các đảng cánh tả, bao gồm đảng Nước Pháp bất khuất (France Unbowed), đã đủ số phiếu để buộc Thủ tướng Michel Barnier và chính phủ của ông từ chức trong cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào 4/12.
Bên cạnh đó, phe đối lập cũng đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm sau khi ông Barnier thông báo sẽ cố gắng thông qua dự luật an sinh xã hội mà không cần biểu quyết. Động thái này bị chỉ trích là “phủ nhận dân chủ”.
Thủ tướng Barnier nhậm chức từ tháng 9/2024 và đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số. Liên minh của ông Barnier phụ thuộc vào sự ủng hộ từ RN để tồn tại. Tuy nhiên, dự luật ngân sách với mục tiêu tăng thuế 60 tỷ Euro và cắt giảm chi tiêu đã khiến RN rút lại sự ủng hộ.
Bà Mathilde Panot, đại diện phe cánh tả, cáo buộc chính phủ của ông Barnier và nhiệm kỳ tổng thống của ông Emmanuel Macron đã đẩy nước Pháp vào hỗn loạn chính trị.
Nếu chính phủ bị lật đổ, đây sẽ là lần đầu tiên từ năm 1962 một chính phủ Pháp bị hạ bệ bởi kiến nghị bất tín nhiệm. Tình hình này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực ở châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh Đức đang trong giai đoạn bầu cử và Mỹ chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo ông Barnier, việc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ gây tổn hại đến tương lai của đất nước.
“Người dân Pháp sẽ không tha thứ nếu chúng ta đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia”, ông Barnier nhấn mạnh.
Nếu bị buộc phải từ chức, ông Barnier vẫn có thể được yêu cầu tạm quyền trong khi Tổng thống Macron tìm kiếm một Thủ tướng mới.
Về ngân sách, nếu không được thông qua trước ngày 20/12, chính phủ tạm quyền có thể sử dụng sắc lệnh để ban hành ngân sách hoặc đề xuất luật khẩn cấp nhằm duy trì mức chi tiêu hiện tại. Tuy nhiên, các biện pháp này đều tiềm ẩn rủi ro pháp lý và chính trị.
Cuộc khủng hoảng này không chỉ làm suy yếu chính phủ Pháp mà còn gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của khu vực đồng Euro trong bối cảnh nhiều thách thức toàn cầu đang diễn ra.