Chính phủ Malaysia tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số

Dự kiến đến năm 2030, Malaysia sẽ cần thêm 500.000 công nhân lành nghề để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ và kỹ thuật.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Chang Lih Kang. (Nguồn: BERNAMApix)

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Chang Lih Kang. (Nguồn: BERNAMApix)

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Chang Lih Kang cho biết theo phân tích của chính phủ, hơn 30% việc làm ở Malaysia sẽ bị ảnh hưởng do trí tuệ nhân tạo (AI) trong 10 năm tới, với các lĩnh vực chính như sản xuất, dịch vụ và công nghệ thông tin dự kiến trải qua quá trình chuyển đổi đáng kể.

Phát biểu trước báo giới, ông Chang cho rằng số liệu thống kê cho thấy hơn 600.000 công nhân phải trải qua đào tạo lại kỹ năng nghề trong 3 -5 năm để phù hợp với thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh.

Dự kiến đến năm 2030, Malaysia sẽ cần thêm 500.000 công nhân lành nghề để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ và kỹ thuật. Những con số này nêu bật nhu cầu cấp thiết phải phát triển một hệ sinh thái đào tạo và cấp chứng chỉ hiệu quả.

Do vậy, lực lượng lao động của Malaysia phải được chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với những thay đổi này khi các quy trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng trở nên quan trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, để Malaysia có thể duy trì khả năng cạnh tranh trên toàn cầu và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành.

Để làm được điều này, chính phủ đang tích cực bảo đảm các khóa học và chương trình đào tạo được cung cấp phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu của Công nghiệp 4.0. Điều này bao gồm các khóa học về an ninh mạng, quản lý hệ thống thông minh và phân tích dữ liệu.

Trong nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh của đất nước, ông Chang cho biết Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, thông qua Hội đồng chứng nhận phát triển chuyên môn (MBOT), được giao nhiệm vụ phát triển các sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa những người lao động và nâng cao năng lực của nhóm nhân tài địa phương.

Vì mục đích này, MBOT đã thành lập Hội đồng phát triển chuyên môn về công nghệ và kỹ thuật (TPDC) để xây dựng khuôn khổ bảo đảm chất lượng toàn diện và chứng nhận cho các khóa học ngắn hạn trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật, đồng thời giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của ngành về lực lượng lao động có tay nghề cao.

Trong khi đó, Chủ tịch MBOT, Giáo sư, Tiến sĩ Siti Hamisah Tapsir cho biết, MBOT được thành lập để đạt được các mục tiêu được nêu trong Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới quốc gia 2021-2030, đồng thời cho biết một trong những động lực chính của chính sách này là nỗ lực nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới.

(theo The Sun)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chinh-phu-malaysia-tich-cuc-chuan-bi-nguon-nhan-luc-cho-chuyen-doi-so-300611.html
Zalo