Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng 8%
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ được công bố ngày 12.4 nhấn mạnh việc chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10.4.2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2025 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Nghị quyết nêu rõ tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo; xung đột quân sự tại một số khu vực vẫn tiếp diễn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra diện rộng, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu... Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.
Trong tình đó, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng.
“Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên”, nghị quyết nêu.

Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Chính phủ cũng yêu cầu khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Mỹ; tăng cường trao đổi thông tin, cùng đề xuất phương hướng hợp tác hiệu quả, thực chất thời gian tới phù hợp với các nỗ lực, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ và vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước.
“Chủ tịch UBND 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý 1/2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP để thực hiện trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025, bảo đảm đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP”, nghị quyết của Chính phủ nêu.
Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15.4.2025 phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ…
Theo các chuyên gia, kết quả tăng trưởng quý 1 đạt 6,93%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 7,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP (ứng với kịch bản GDP đạt 8%) tạo sức ép rất lớn lên các quý tiếp theo trong khi bối cảnh thế giới còn rất nhiều thách thức, rủi ro. Đặc biệt, chính sách áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Đây cũng là nguyên nhân khiến một số đơn vị hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Đơn cử, UOB hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 xuống còn 6% (giảm 1 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 7%), và thấp hơn so với mức tăng trưởng thực tế 7,09% trong năm 2024. Trong đó, tăng trưởng GDP quý 2 và quý 3 năm nay lần lượt ở mức 6,1% và 5,8%.
PGS-TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và khu vực FDI hướng ra xuất khẩu. Việc bị đánh thuế cao khiến hàng Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu lớn nhất.
“Đây là một rào cản rất lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay”, ông Thế Anh nêu.

PGS-TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế quốc dân)
Không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, theo ông Phạm Thế Anh, chính sách thuế quan của Mỹ còn tạo ra sự bất ổn, phá vỡ những quy tắc, luật chơi trên thị trường quốc tế từ trước đến nay. Điều này tạo ra sự bất ổn, khiến cho dòng vốn FDI có thể chững lại hoặc suy giảm.
Một trong những động lực của tăng trưởng là tiêu dùng, tuy nhiên, ông Phạm Thế Anh nhìn nhận rằng tiêu dùng khó bứt phá trong năm nay khi thu nhập của người dân không tăng nhanh trong mấy năm vừa qua, khiến sức mua của người dân đã bị hạn chế đi rất nhiều. Chưa kể, sự tăng nóng của thị trường bất động sản và thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý cũng ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và tích lũy của người dân.
Trước tình thế đó, đầu tư công được xem là động lực quan trọng của tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Thế Anh cảnh báo rằng nếu "ép giải ngân" sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân. Thực tế cho thấy giải ngân đầu tư công thường đi kèm với hiệu quả đầu tư thấp và rủi ro thất thoát nếu không có cải cách thể chế đi kèm.
Theo ông Thế Anh, không thể lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng dài hạn. Nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân. Theo đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục pháp lý, tháo gỡ các rào cản hành chính thì mới có thể khơi thông dòng vốn tư nhân và chuyển hóa thành tăng trưởng thực sự.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh
TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng ngoài rủi ro về địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, phân mảnh và bảo hộ thương mại… thì trong nước, đầu tư tư nhân và tiêu dùng còn thấp so với trước dịch COVID-19, xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại.
Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, không đồng đều (thường chưa đạt 95% kế hoạch); doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chi phí đầu vào và logistics ở mức cao, đơn hàng thiếu bền vững và có dấu hiệu giảm; yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao…
Do đó, ông Lực cho rằng cần kiên định, chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ; sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ; kích cầu đầu tư - tiêu dùng trong nước; giữ mặt trận xuất khẩu; cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường; tập trung vào các động lực tăng trưởng khác (đầu tư, tiêu dùng…) và các động lực tăng trưởng mới…