Đặt mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' IUU trong quý IV năm 2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trước ngày 30-6; gỡ 'thẻ vàng' IUU trong quý IV.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quý I-2025. Ảnh: Khương Trung

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị giao ban công tác quý I-2025. Ảnh: Khương Trung

Tại Hội nghị giao ban công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng Tư và quý II-2025, diễn ra chiều 13-4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, thời gian tới, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều biến động khó lường. Vì vậy, Ngành Nông nghiệp và Môi trường phải xác định rõ mục tiêu “Kiên định về định hướng, linh hoạt trong giải pháp” để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Vụ Pháp chế rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật, mô hình tổ chức cấp tỉnh, cấp xã, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Hạn cuối hoàn thành là trước ngày 30-6-2025.

Gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV-2025. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV-2025. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị Vụ Pháp chế cũng chủ trì phối hợp xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến lĩnh vực ngành, đảm bảo đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 10-2025.

Nhấn mạnh Ngành Nông nghiệp và Môi trường đang bước vào giai đoạn nước rút của 6 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, ngoài các nhóm nhiệm vụ chung trên, thời gian tới, ngành cần phải triển khai một số nhiệm vụ cụ thể đối với từng lĩnh vực, trong đó gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV là mục tiêu quan trọng.

Liên quan đến việc ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Bộ trưởng xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, qua đó yêu cầu các đơn vị vào cuộc đồng bộ.

Gợi mở một số hướng triển khai cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế khẩn trương trình kế hoạch ứng phó; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cần xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường và tiêu chí phát triển xuất khẩu.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý các văn bản kỹ thuật liên quan đến xuất nhập khẩu cần phải rà soát, sửa đổi kịp thời. Cùng với đó, các đơn vị cần thúc đẩy đàm phán, vận động sự ủng hộ của các đối tác quốc tế.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn khẩn trương giải quyết các hồ sơ tồn đọng về mở cửa thị trường và cấp phép xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Đặc biệt lưu ý tới nhóm nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ về cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị quản lý chuyên ngành cần rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần “30-30-30,” bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí kinh doanh (chi phí tuân thủ), bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Ngoài các nội dung trên, một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể khác liên quan đến các vấn đề quan trọng của ngành cũng được Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chỉ đạo, đưa ra giải pháp để lãnh đạo Bộ và các đơn vị triển khai thực hiện trong tháng Tư và quý II-2025.

Đó là hoàn thiện cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức triển khai các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, các chương trình, đề án thuộc ngành; kiện toàn tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động có nguyện vọng nghỉ chế độ.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ, đặc biệt là hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phải hoàn thành trước ngày 30-6-2025.

Theo vietnamplus.vn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dat-muc-tieu-go-the-vang-iuu-trong-quy-iv-nam-2025-698816.html
Zalo