Chính phủ đề xuất chi hơn 116,3 nghìn tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non

Chính phủ đề xuất tổng kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là hơn 116,3 nghìn tỷ đồng.

Đề xuất tăng tiền ăn trưa cho trẻ mầm non

Sáng 17/4, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết nhằm xây dựng hành lang pháp lý để huy động nguồn lực đầu tư đảm bảo các điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 44 của UBTVQH ngày 17/4.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 44 của UBTVQH ngày 17/4.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, số lượng trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn nghèo nàn; Chính sách dành cho trẻ mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách… còn hạn chế.

Do đó dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách, bao gồm: ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; đề xuất trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non; Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình.

Chính phủ dự kiến cần tổng kinh phí hơn 116,3 nghìn tỷ đồng để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030). Trong đó, dự kiến kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo 1.062 tỷ/năm bao gồm hỗ trợ chi phí học tập 150.000/ tháng/trẻ trong 9 tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa mỗi trẻ 200.000/tháng/trẻ trong 9 tháng, tăng so với mức cũ 160.000 đồng/tháng.

Đánh giá kỹ khả năng cân đối ngân sách

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban VH&XH Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban cho rằng, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026-2030. Lộ trình này cần được quy định trong nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như: xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hằng năm,...

Về đội ngũ giáo viên mầm non, Thường trực Ủy ban cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp, số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026-2030.

Thường trực Ủy ban cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết có thuộc 20% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo; NSNN tăng thêm hằng năm để bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp; cân đối chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển,... để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chinh-phu-de-xuat-chi-hon-1163-nghin-ty-dong-pho-cap-giao-duc-mam-non-169250417143047578.htm
Zalo