Tổng Bí thư Tô Lâm: Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tăng 15.000 USD trong 20 năm tới
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh nhiệm kỳ này cần phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD và tăng 15.000 USD trong 20 năm tiếp theo mới đạt yêu cầu.
Kiến tạo thế kiềng ba chân, mở rộng biển rừng, sẵn sàng cho kỷ nguyên mới
Ngày 21/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công và các gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam.
Trong phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ những nội dung cốt lõi về tình hình hiện nay và định hướng phát triển của đất nước trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến các yêu cầu cấp thiết trong việc sáp nhập tỉnh và tái cơ cấu bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp, nhằm tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công và các gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Nam (Ảnh: Tiến Long)
Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà là bước đi mang tầm nhìn chiến lược, được hoạch định cho sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Mục tiêu bao trùm là nhanh chóng hiện thực hóa khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thực chất cho toàn thể nhân dân.
Đồng thời, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cũng nhằm chuẩn bị những điều kiện vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng hơn vào nền chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu, không gian văn minh hiện đại, mở rộng dư địa phát triển, tạo lợi thế so sánh và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới cho các địa phương sau sáp nhập.
Tổng Bí thư cho biết, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã và đang tiến hành đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc toàn diện các yếu tố, để đi đến sự thống nhất cao về chủ trương quan trọng này.
Theo phương án dự kiến, sau khi thực hiện sắp xếp, các tỉnh Nam Bộ từ Bình Thuận trở vào - bao gồm cả Lâm Đồng và Đắk Nông - sẽ giảm từ 22 địa phương xuống còn 9, đánh dấu một bước chuyển lớn trong cải cách tổ chức hành chính.
"Điều này phải tạo nên không gian phát triển đa dạng cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt, liên thông đồng bằng, miền núi, biển đảo nhằm bổ sung tương tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa từng địa phương. Đồng thời, tạo động lực mới cho một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tạo tiền đề hình thành thêm các trung tâm kinh tế lớn của đất nước trong tương lai", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đặc biệt, Tổng Bí thư chia sẻ một chi tiết đáng chú ý, đó là khi đưa quy mô TP. Hồ Chí Minh vào hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, kết quả cho thấy rằng, sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có quy mô tương đương Thượng Hải của Trung Quốc. Điều đó đặt ra cho chúng ta một yêu cầu cấp bách, phải phấn đấu phát triển xứng tầm với tầm vóc mới, vươn lên mạnh mẽ để tạo ra bước phát triển vượt bậc cho đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, chủ trương sáp nhập tỉnh không đơn thuần là một phép cộng hành chính "2 + 2 = 4", mà là một chiến lược tạo nên động lực mới, tiềm lực mới và không gian phát triển mới cho đất nước. Ông ví dụ: khi Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long được tổ chức lại thành hai tỉnh mới, sẽ hình thành thế kiềng ba chân vững chắc, đủ sức nâng đỡ cả một vùng rộng lớn bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng và giàu có. Những sức mạnh mới này, theo Tổng Bí thư, chắc chắn sẽ được nhân lên nhiều lần!.
Tương tự, các địa phương như Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… sau tổ chức lại sẽ trở thành những tỉnh thành có đầy đủ yếu tố địa lý chiến lược: vừa có biển, vừa có rừng. Tây Ninh sẽ có thêm cửa sông nối ra biển, còn Tiền Giang, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng… sau sáp nhập sẽ mở ra không gian phát triển mới, kết nối vùng sâu, vùng xa với các động lực tăng trưởng trung tâm, tạo ra những trục phát triển liên hoàn và bền vững.
Không còn thời gian trì hoãn, Việt Nam chỉ có một con đường: phát triển nhanh và bền vững
Nói về tình hình phát triển đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự trong nước và khu vực được đặt lên hàng đầu.
"Nhân dịp kỷ niệm này, chúng ta càng thấy rất rõ giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do. Việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh là vấn đề trọng tâm, rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cùng với đó, nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực và bản lĩnh dẫn dắt cách mạng, là điểm tựa niềm tin của nhân dân. Đảng cần tạo dựng sự đoàn kết, thống nhất toàn dân, đồng thời xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, mạnh mẽ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự kiến tạo và phục vụ nhân dân.
Song song là nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, hiện đại, đủ sức ứng phó với mọi tình huống, sẵn sàng vượt qua gian khổ, thử thách, không để đất nước rơi vào thế bị động, bất ngờ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Cuối cùng, Tổng Bí thư khẳng định, xây dựng đường lối đối ngoại, nền ngoại giao độc lập, tự chủ, vì lợi ích quốc gia - dân tộc là một trong những trụ cột chiến lược. Mục tiêu là đẩy lùi nguy cơ xung đột, ngăn chặn chiến tranh từ sớm, từ xa, giữ gìn môi trường hòa bình bền vững để nhân dân được sống trong ổn định, an toàn, phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh, trọng tâm của đất nước trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh và bền vững. Theo định hướng mục tiêu 100 năm của Đảng, đến khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV, Việt Nam cần vươn lên trở thành quốc gia phát triển, có nền công nghiệp hiện đại và mức thu nhập trung bình cao cho người dân.
Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ: nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mức hai con số trở lên trong nhiều năm liên tiếp, thì mục tiêu chiến lược này sẽ không thể thành hiện thực. Bởi vậy, đất nước chỉ có một con đường, đó là phấn đấu phát triển nhanh và bền vững. Không còn dư địa cho sự chậm rãi hay trì hoãn; thời gian không cho phép chúng ta đi chậm hơn nữa, và điều quan trọng là phải huy động, tập trung tối đa mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.
"Mục tiêu 100 năm của Nhà nước cũng chỉ còn 20 năm nữa, nước ta cần có thu nhập bình quân đầu người cao, ít nhất 20.000 USD, hiện tại chúng ta mới đạt gần 5.000 USD. Do đó nhiệm kỳ này chúng ta cần phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 5.000 USD và tăng 15.000 USD trong 20 năm tiếp theo mới đạt yêu cầu", Tổng Bí thư phân tích.
Tổ quốc không quên những người đã nằm lại, và cả những người chưa từng ngơi nghỉ
Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: "Trong không khí ấm áp, xúc động, được trực tiếp nghe các nhân chứng lịch sử chia sẻ, tôi nghe vang vang đoạn hành khúc giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước... Tôi tin rằng, những câu hát này, các đồng chí, các cô, các bác từng hát nhiều lần, là động lực, niềm tin để vượt bao gian nan, vất vả, hiểm nguy, chiến đấu, chiến thắng".
Tổng Bí thư nhấn mạnh lịch sử cách mạng Việt Nam mãi khắc ghi vai trò đặc biệt, sự anh dũng, trung kiên của các cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, những người tham gia cách mạng, chiến đấu trên mọi chiến trường, mặt trận, từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, thậm chí trong chốn lao tù.
"Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, trên các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam, từ núi cao đến biển rộng. Bước chân các đồng chí in trên mọi nẻo đường thân yêu của Tổ quốc, người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Có người trở về với vết thương, bệnh tật trên thân thể, ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí vẫn tiếp tục âm thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình", Tổng Bí thư xúc động.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, cuộc chiến tranh gian nan ấy càng khẳng định vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quân giải phóng miền Nam... Đó là những lực lượng chính trị quân sự nòng cốt của phong trào cách mạng Việt Nam, là một phần cơ thể sống của phong trào toàn dân kháng chiến.