'Chim Việt' hướng về trời Nam
Như lẽ tự nhiên của 'con Lạc, cháu Hồng', dù sống xa Tổ quốc, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn là nguồn lực quý báu, và từng được ẩn dụ như 'chim Việt hướng về trời Nam'.
Từ nguồn tài lực dồi dào
Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân NVNONN ngày càng nổi bật, nhất là từ khi Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN được ban hành vào năm 2004, đã khơi thông nguồn lực của kiều bào.
Theo số liệu thống kê của Bộ Ngoại giao, tổng lượng kiều hối từ năm 1993 -2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Đặc biệt từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về dự án đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam, tính tới năm 2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng ngàn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của NVNONN tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
TPHCM là địa phương có số lượng NVNONN đông đảo nhất cả nước, và cũng để lại nhiều dấu ấn quan trọng nhất về huy động nguồn lực từ kiều bào. Ước tính hiện nay TPHCM có khoảng 3 triệu NVNONN có liên hệ về địa phương (người dân hoặc có thân nhân tại TPHCM), trên tổng số khoảng gần 6 triệu NVNONN (chiếm 50% số lượng NVNONN của cả nước). Trong đó hơn 80% kiều bào của TPHCM cư trú ở các nước phát triển, là các trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo của thế giới.
Về phát huy nguồn lực tài chính, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2021 - ngay cả thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 , kiều hối gửi về TPHCM lên tới 7 tỷ USD, chiếm hơn 50% cả nước, và tiếp tục duy trì mức cao với gần 9,5 tỷ USD trong năm 2023, cho thấy sự đóng góp quan trọng của NVNONN đối với sự phát triển kinh tế của TPHCM. Trong 9 tháng năm 2024, kiều hối đạt 7,4 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, xu hướng dịch chuyển nơi sinh sống và làm việc tại nước ngoài của người Việt Nam ngày càng lớn. Cùng với đó là lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có xu hướng tăng đều hàng năm. Ở chiều ngược lại, lượng kiều hối gửi về Việt Nam luôn tăng qua các năm cũng là “thước đo” về hiệu quả chính sách, cũng như sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa và không ngừng cải cách, hoàn thiện dần môi trường đầu tư.
Đến nguồn trí lực
Không chỉ tài lực, kiều bào còn đang đóng góp trí lực quan trọng trong phát triển đất nước. Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, NVNONN là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Theo ước tính, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10-12% (khoảng 600.000 người), với nhiều nhà khoa học thành danh trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, kinh tế, tài chính... Nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, bệnh viện, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế.
Thêm vào đó, đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia gốc Việt thế hệ thứ hai, thứ ba cũng đang trưởng thành, tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của thế giới, như công nghệ điện tử-thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học; lĩnh vực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), dữ liệu lớn (Big data); lĩnh vực quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan trọng hơn bao giờ hết, khi đang đóng góp cả tài lực và trí lực cho xây dựng phát triển đất nước.
Riêng tại Thung lũng Silicon (Mỹ), các kỹ sư công nghệ người Việt chiếm từ 2-3% nhân sự tại các công ty, tập đoàn đang hoạt động ở đây, trong đó khoảng 2% giữ các cương vị chủ chốt.
Những số liệu này là minh chứng sinh động nhất cho thấy tiềm năng, tiềm lực to lớn của cộng đồng NVNONN nói chung và lực lượng chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào nói riêng, tài sản vô giá và “nhân-trí lực” mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Chia sẻ với ĐTTC trong dịp về nước dự hội nghị về NVNONN do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, TS. Ngô Đắc Thuần, kiều bào tại Mỹ, hiện đang là chuyên gia của Công ty tư vấn và sở hữu trí tuệ IP Group, nhận định: “Trong kỷ nguyên kinh tế số hiện nay, tài sản trí tuệ (Intellectual Property - IP) và tài sản vô hình (Intangible Assets) đã trở thành những yếu tố quan trọng, quyết định sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
"Tài sản trí tuệ bao gồm các phát minh, sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền và các tài sản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ khác. Tài sản vô hình còn bao gồm thương hiệu, uy tín, mối quan hệ khách hàng, và khả năng đổi mới sáng tạo. Việc sở hữu và khai thác hiệu quả các tài sản này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh, mà còn mở ra các cơ hội tăng trưởng và mở rộng thị trường”.
Theo TS. Ngô Đắc Thuần, với đội ngũ hơn 600.000 chuyên gia, trí thức là NVNONN hiện nay, đây là nguồn lực vô giá để Việt Nam có thể huy động, tạo ra những đột phá cho tăng trưởng kinh tế. Bởi thông qua đội ngũ này, Việt Nam có thể nhận được sự chuyển giao công nghệ và kiến thức cũng như về kỹ năng quản lý và điều hành.
Một trong những cách hiệu quả nhất để phát triển tài sản trí tuệ là thông qua việc chuyển giao công nghệ và kiến thức từ kiều bào. Nhiều kiều bào đang làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao tại các quốc gia tiên tiến, họ có thể mang những công nghệ và phương pháp mới nhất về Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước cải tiến sản phẩm và dịch vụ.
"Nhưng để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng và sử dụng mạng lưới quan hệ của kiều bào, để thiết lập các đối tác chiến lược, mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế. Kiều bào có thể giúp kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác, nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng tại các quốc gia khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh” - TS. Ngô Đắc Thuần nhận định.
Thực tế, trong những năm gần đây, Việt Nam đã thiết lập nên các mạng lưới kết nối các chuyên gia, trí thức là kiều bào Việt Nam. Có thể kể đến mạng lưới “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH-CN, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn ở trong nước để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn 2021-2023, chương trình đã kết nối 17 chuyên gia giàu kinh nghiệm tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 20 startup tiềm năng từ nhiều lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, chuyển đổi số, IoT, y tế, giáo dục, và nông nghiệp. Các chuyên gia không chỉ mang đến tư duy và tầm nhìn toàn cầu mà còn hỗ trợ các startup Việt tiếp cận thị trường quốc tế, góp phần đưa những giải pháp sáng tạo trở thành hiện thực.
Bên cạnh đó, nhiều hội chuyên gia, trí thức người Việt tại các nước đã được thành lập, hoạt động tích cực, sôi nổi trong và ngoài nước, tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác linh hoạt cho các chuyên gia khi tham gia các dự án, chương trình của Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến là Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global, Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland...
Những đóng góp “trí lực” của đội ngũ chuyên gia là NVNONN trên thực tế đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Vấn đề còn lại là những chính sách thu hút nhân tài sao cho thực sự hấp dẫn, sự hấp dẫn đó không phải chỉ là tiền lương mà quan trọng hơn là môi trường làm việc để nhân tài có “đất dụng võ”.
Ông HOÀNG NAM TIẾN, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Trường Đại học FPT:
Vừa qua, Tập đoàn FPT đã ký kết hợp đồng trị giá 5.000 tỷ đồng với Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) về lĩnh vực công nghệ, bán dẫn cũng như AI. Nhưng để triển khai, cụ thể hóa các bước thực hiện ra sao, hiện đang rất khó khăn như về kỹ thuật tổ chức, kỹ năng vận hành, nhất là về nhân lực chất lượng cao. Tôi cho rằng cái khó nhất và cũng là thứ cần nhất của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lúc này, là cần có sự kết nối với những nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn, các cơ quan nhà nước có chương trình kết nối với mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia giỏi là NVNONN. Khi trao đổi với các chuyên gia công nghệ là người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, họ nói rằng muốn giúp đỡ Việt Nam, nhưng điều kiện là phải cho họ được làm việc đúng nghĩa, tức là giao cho họ bài toán đủ hay đủ khó để họ làm.
Chế độ đãi ngộ tiền bạc chỉ một phần, thậm chí có người nói rằng, Việt Nam không thể trả tiền cho họ nhiều bằng các nước khác, song họ vẫn sẵn sàng làm cho Việt Nam, chỉ cần Việt Nam cho họ có đất để dụng võ. Tức là chúng ta ra bài toán đủ hay đủ khó, đúng vấn đề mà chúng ta cần giải quyết để trao cho họ, để chất xám của họ được dùng đúng chỗ.
Ông David Nguyen, thành viên Ban Cố vấn và công nghiệp Australia (Đại học Macquarie, Australia):
Môi trường làm việc đóng vai trò rất quan trọng để thu hút nhân tài. Theo tôi, giải pháp tối ưu nhất hiện nay, đó là Việt Nam nên sử dụng cơ chế hợp tác và chia sẻ theo khuôn khổ của các nội dung quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với các nước. Các chuyên gia người Việt Nam vẫn có thể làm việc tại Australia, Mỹ, Nhật Bản… Thậm chí, các cá nhân khởi nghiệp trong nước cũng nên đăng ký khởi nghiệp ở nước ngoài bởi họ đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn, thuận tiện.
Sau đó, thông qua cơ chế hợp tác, các chuyên gia này quay trở lại để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ mà họ có được từ môi trường làm việc ở nước ngoài về trong nước. Điều này giúp Việt Nam tiết giảm chi phí đầu tư cũng như vẫn thu hút được chất xám.