Chiến thắng từ nội lực kỳ diệu

Sau chín năm kháng chiến kiên cường, vượt qua muôn vàn hy sinh, tổn thất, quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ - 'thiên sử vàng' khắc họa sức mạnh nội sinh của một dân tộc đoàn kết, vừa chiến đấu vừa gây dựng lực lượng, từng bước đập tan các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp và giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược.

Khung cảnh “Thời khắc chiến thắng” trong bức tranh toàn cảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Nguồn: Lao động)

Khung cảnh “Thời khắc chiến thắng” trong bức tranh toàn cảnh tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. (Nguồn: Lao động)

Giành độc lập chưa tròn tháng, dân tộc Việt Nam lại phải chiến đấu chống âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp. Nhân dân Nam Bộ anh dũng đi đầu.

“Bệ phóng” cho kháng chiến

Hưởng ứng tinh thần ấy, cả nước đồng lòng ủng hộ miền Nam; các đoàn quân Nam tiến, các phòng Nam Bộ được thành lập trên khắp miền Bắc để quyên góp, tiếp sức cho kháng chiến. Chính tinh thần đoàn kết, ý chí quyết thắng và sức mạnh nội lực ấy đã khiến mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp nhanh chóng thất bại.

Chung sức, đồng lòng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, với Chính phủ, cả nước hân hoan hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập” nhằm đóng góp sức mạnh cho nền tài chính quốc gia, từng bước chuẩn bị cơ bản, tạo tiền đề để cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với ý chí “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ý chí đó đã hun đúc ý chí toàn dân, kết thành sức mạnh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng – chính đảng tiên phong vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, những đoàn quân “thuốc súng kém, chân đi không” nhưng giàu lòng yêu nước, cùng một dân tộc vừa trải qua nạn đói với 2 triệu người chết, một nhà nước non trẻ giữa vòng vây “thù trong, giặc ngoài” đã thực hiện thành công đường lối “kháng chiến, kiến quốc”. Vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân từng bước được củng cố, tạo nền tảng cho toàn dân tham gia đánh giặc.

Từ những đội quân “lột sắt đường tàu rèn dao kiếm”, lực lượng vũ trang ba thứ quân – bộ đội chủ lực, địa phương và dân quân du kích – đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, trở thành nòng cốt trong chiến lược toàn dân kháng chiến, liên tục làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch.

Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 đã buộc thực dân Pháp từ bỏ chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, chấp nhận cuộc chiến kéo dài ngoài dự tính. Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn “sức ta và địch dần cân nhau”, mở đường cho chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 – bước ngoặt chiến lược đưa thế chủ động về phía ta. Từ đây, “sức ta đã trội hơn sức địch”, đẩy quân Pháp vào thế bị động, ngày càng lệ thuộc vào viện trợ Mỹ để kéo dài chiến tranh với hy vọng giành thắng lợi danh dự.

Song song với chiến đấu, Đảng triển khai hiệu quả các chính sách “kiến quốc”, khơi dậy tinh thần yêu nước, huy động toàn dân tham gia kháng chiến. Trọng tâm là xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến.

Chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, trở thành nền tảng tổ chức và lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh kháng chiến, phát huy nội lực dân tộc để giành nhiều thắng lợi mang tính quyết định.

Để tăng cường nội lực, Đảng chủ trương tăng cường lãnh đạo kinh tế tài chính để bảo đảm kháng chiến trường kỳ, bồi dưỡng sức dân. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất và có chính sách khuyến khích phù hợp, cùng với sự tham gia của bộ đội, sản lượng lương thực không những không giảm mà còn có xu hướng tăng, đủ đáp ứng nhu cầu dân sinh và quân đội.

Kinh tế quốc doanh, hợp tác xã phát huy hiệu quả trong thời chiến; chính quyền thực hành tiết kiệm, tăng thu giảm chi, ổn định tiền tệ, kiểm soát giá cả, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu. Ngành công nghiệp quốc phòng từng bước đáp ứng nhu cầu vũ khí ngày càng cao. Đây là sự thể hiện nhất quán chủ trương “dựa vào sức mình là chính” ngay từ đầu.

Kinh tế được củng cố, đời sống nhân dân ổn định, tạo điều kiện đóng góp cho kháng chiến. Đảng xây dựng nền văn hóa mới theo ba nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng, khơi dậy lòng yêu nước, củng cố niềm tin vào thắng lợi, hun đúc ý chí hy sinh vì Tổ quốc. Giáo dục cũng từng bước phát triển, nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ cho kháng chiến.

Đó là quá trình phát huy nội lực toàn dân, tạo nền tảng vững chắc để kết hợp với sức mạnh thời đại, đưa cả nước bước vào trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và giành thắng lợi quyết định.

Mặt trận cầu đường được đẩy mạnh, trận tuyến hậu cần nhân dân với sự tham gia của 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công, sử dụng 20.911 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng để vận chuyển 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau cung cấp cho chiến dịch.

Thắng ở ý chí, sự đồng lòng

Việc xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có thể hiện tham vọng của Henri Navarre, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và giới cầm quyền Pháp – Mỹ, đó là, nghiền nát chủ lực Việt Minh, giành thắng lợi quyết định. Họ tin rằng hệ thống phòng ngự hiện đại với sự hỗ trợ của Mỹ là “bất khả xâm phạm”; pháo binh Việt Minh yếu thế, không thể chiếm giữ cao điểm; hậu cần không thể đảm bảo; và quân Pháp làm chủ bầu trời, dễ dàng cắt đứt tiếp tế.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn nghèo nàn về kinh tế, kỹ thuật. Các nhà quan sát phương Tây khẳng định, muốn công phá Điện Biên Phủ, Tướng Giáp cần ít nhất 100 xe tăng và một đội máy bay – điều không tưởng. Với họ, cuộc tiến công chẳng khác nào tự sát.

Dù đối mặt muôn vàn khó khăn, quân dân Việt Nam nêu cao quyết tâm “dốc toàn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất định giành toàn thắng”. Khắp mọi miền – từ Việt Bắc, Liên khu 4, Tây Nguyên, Tây Bắc đến đồng bằng Bắc Bộ và miền Trung – toàn dân hướng về chiến trường, chung sức cho trận quyết chiến chiến lược.

Nhân dân các vùng hậu phương tích cực đóng góp lương thực, tiền của, công sức với tinh thần: Tiền tuyến cần gì, có nấy; đề ra việc gì, quyết làm cho được. Tất cả vì mục tiêu tối thượng: Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nhà báo Pháp Jules Roy khẳng định: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot, thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải lấm nilon. Cái đã đánh bại tướng Navare, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

Nội lực dân tộc đã giải bài toán hậu cần mà đối phương xem là điểm yếu không thể vượt qua. Các đoàn dân công hỏa tuyến không chỉ tải lương, chuyển đạn mà còn truyền lửa từ hậu phương ra tiền tuyến, tiếp thêm ý chí cho bộ đội, góp phần quyết định vào thắng lợi Điện Biên Phủ.

Khi bước vào kháng chiến, kẻ địch đánh giá thấp Việt Minh, cho rằng ta không có quân đội chính quy, không công nghiệp quốc phòng, thiếu cán bộ kỹ thuật, không có chỗ dựa quốc tế.

Phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ Lalande thừa nhận: “Bộ đội Việt Minh đã chiến thắng với một tổn thất ít hơn rất nhiều so với quân đội Pháp”.

Quân đội cách mạng được xây dựng theo đường lối chiến tranh nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, đã đánh bại các danh tướng của quân đội Pháp như De Latre, Salan và Navarre tại Điện Biên Phủ. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử quân sự thế giới và là lần đầu tiên một nước nhỏ đánh bại một đế quốc hùng mạnh, mở đường cho các dân tộc thuộc địa vùng lên.

Nội lực dân tộc, được vun đắp từ truyền thống và ý chí độc lập tự do, đã tạo nên một đoàn quân có phẩm chất tuyệt vời - nhân tố quan trọng để làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ.

Đến nay, Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là minh chứng chói lọi cho sức mạnh nội lực của một dân tộc nhỏ nhưng giàu lòng yêu nước, biết đoàn kết và dám đương đầu với mọi kẻ thù xâm lược. Không phải pháo đài hay xe tăng, mà chính lòng dân, niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ đã làm nên thắng lợi. Từ những đôi chân trần, những chiếc xe đạp thồ, đến tấm lòng nhường cơm sẻ áo của hậu phương, tất cả đã tạo thành thế trận lòng dân vững chắc, xô đổ mọi toan tính chiến lược của kẻ thù.

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng âm vang của Điện Biên Phủ còn mãi như lời nhắc nhở thiêng liêng: Khi cả dân tộc đồng lòng và nội lực được phát huy tối đa, không một thế lực nào có thể khuất phục được ý chí Việt Nam.

Đại tá, TS. Lê Thanh Bài

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chien-thang-tu-noi-luc-ky-dieu-312198.html
Zalo